Việt Nam Thời Báo

VNTB- Hát bội trở lại trong thầm lặng?

Long Đức

(VNTB) – Cũng có thể dễ hiểu khi mà hàng loạt các chương trình ca nhạc, game show… đã chiếm ưu thế trong lòng thế hệ trẻ, nên thật sự khó để “giành” lại những vị khán giả trẻ tuổi với mong muốn “nối liền mạch” nghệ thuật Hát bội cho đời sau thưởng thức.

Như nhiều loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật Hát bội đã quay trở lại sân khấu sau những tháng ngày hạn chế do dịch giả. Thế nhưng sân khấu này không phải là một nhà hát hay một địa điểm nào đó hoành tráng, rộng lớn. Nó chỉ đơn giản là một rạp nho nhỏ được dựng lên trong lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt, và trước thềm đền thờ vua Hùng tại Thảo Cầm Viên rồi trang trí thảm đỏ, ánh đèn, dàn loa… là các nghệ sĩ đã có thể hóa thân vào các nhân vật mang đến cho khán giả những trích đoạn thật sự ấn tượng.

Đến hẹn lại lên, vào mỗi sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần tại hai địa điểm trên, các nghệ sĩ mỗi người mỗi nơi tụ họp lại sớm hơn giờ biểu diễn thường là 2 giờ đồng hồ để kỳ công hóa trang gương mặt – được đánh giá là bộ phận đóng vai trò quan trọng khi biểu diễn, tỉ mỉ chuẩn bị phục trang cho từng người tùy vào nhân vật mà họ sắp trình diễn.

Trong nghệ thuật Hát bội, công đoạn chuẩn bị, hóa trang vốn “ngốn” đi rất nhiều thời gian của đoàn hát. Dẫu dành cả giờ đồng hồ để chuẩn bị cho một vở diễn chỉ tầm khoảng 10 – 20 phút, có khi những nhân vật phụ chỉ xuất hiện chừng vài phút, các nghệ sĩ vẫn rất vui vì được sống với nghề mà mình dành đã hết nhiệt huyết để duy trì và phát triển một loại hình nghệ thuật.

Tại hai điểm mà đoàn hát biểu diễn, chỉ duy nhất ở lăng Ông treo một băng-rôn thông báo đến người dân về địa điểm và thời gian của đoàn khi quay trở lại hành nghề. Không một tấm “poster” nào về nghệ thuật Hát bội được trưng bày trước công chúng để giới thiệu. Không một “xe loa di động” chạy xung quanh khu vực vào ngày trình diễn của đoàn để thu hút sự chú ý của mọi người.

Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để hình dung ngày trở lại của một loại hình nghệ thuật truyền thống vốn một thời vững thế chốn cung đình, rồi lan truyền rộng rãi khắp dân gian, nay Hát bội lại lặng thầm trước đời sống sinh hoạt của người dân. Thật sự là vậy, một buổi sáng biểu diễn của đoàn hát tại lăng Ông chỉ vỏn vẹn 20 khán giả ‘chủ động’ đến thưởng thức các tiết mục.

Có thể hiểu vì lý do dịch bệnh nên mọi người còn dè dặt, e ngại khi tham gia các hoạt động đông người, dẫn đến lượng người đi xem Hát bội không đông đảo. Có những lúc số lượng các thành viên của đoàn hát gồm nghệ sĩ, ban nhạc, kỹ thuật… còn “áp đảo” cả lượng khách đi tham dự. Là một người nghệ sĩ trình diễn trước công chúng, có mấy ai lại không đôi chút chạnh lòng khi những buổi diễn đầy tâm huyết của mình được mọi người đón nhận một cánh mờ nhạt.

Gặp gỡ riêng với NSƯT Hữu Danh – tác giả của vở “Lê Công kỳ án”, đồng thời là người diễn giải về nghệ thuật Hát bội trên sân khấu mỗi khi buổi trình diễn bắt đầu – ông chia sẻ rằng sau thời gian anh em trong đoàn xa cách, bản thân cũng xa sân khấu vì dịch, bây giờ được mọi người được cùng nhau hội tụ trên sàn diễn thì thật sự rất vui mừng.

Ông tự trấn an khi nhận định về lượng khán giả đi xem Hát bội trong mùa dịch này không thể đòi hỏi nhiều, chỉ 20 người ngồi dưới sân khấu thôi thì đối với NSƯT Hữu Danh đã là một thành công… rực rỡ. Thêm nữa là đoàn hát chỉ mới hoạt động lại và không có sự quảng bá về thông tin này nên vẫn còn nhiều người chưa biết đến.

Trong dòng ký ức, NSƯT Hữu Danh kể lại rằng đoàn hát cũng thường hay đến các trường học, nhất là trường đại học để biểu diễn, giới thiệu cho các thế hệ trẻ biết đến về loại hình nghệ thuật truyền thống này. Với hy vọng Hát bội sẽ được “ươm mầm”, được thế hệ sau tiếp nối trong thời đại đã có nhiều thay đổi hấp dẫn hơn thu hút mọi người. Nhưng thật sự chuyện này ông không thể “một tay chống trời”, những đóng góp của ông chỉ là phần nhỏ cho nghệ thuật Hát bội mà ông đã dành cả đời đầy tâm huyết để phát triển.

Cũng có thể dễ hiểu khi mà hàng loạt các chương trình ca nhạc, game show… đã chiếm ưu thế trong lòng thế hệ trẻ, nên thật sự khó để “giành” lại những vị khán giả trẻ tuổi với mong muốn “nối liền mạch” nghệ thuật Hát bội cho đời sau thưởng thức.

Nhưng dẫu sao chăng nữa, một nét đẹp văn hóa từ bao đời nay cũng không thể “chết” như vậy. Thử nghĩ đến con cháu mai sau, họ suốt ngày chỉ xem các chương trình vui chơi, giải trí còn Hát bội thì không hề biết đến. Nó đi vào quên lãng. Có bậc phụ huynh nào lại không muốn cho con mình biết đến văn hóa của quê hương dân tộc?


Tin bài liên quan:

VNTB – Phóng sự ảnh: Sắc màu xóm đạo tháng Mười Hai

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Shipper ở Sài Gòn hạnh phúc khi được “vất vả trong mua dịch”

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh: Bao giờ cho đến… mùa thi bớt căng thẳng?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.