Hùng – Sơn
(VNTB) – Số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%.
Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: số vụ giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (tăng 67,85%), gây rối trật tự công cộng (tăng 80,75%)…
Theo báo cáo của Uỷ ban Tư pháp cho thấy tuy chưa hết năm 2023, nhưng hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh như: số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,4%, cướp giật tăng 17,68%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%…
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh việc các loại tội phạm gia tăng không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.
Uỷ ban Tư pháp nêu tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%.
Số vụ phạm tội về ma túy phát hiện tăng 17,68%, số ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ tăng đặc biệt nhiều (1.161,10%). Tội phạm xâm hại trẻ em tăng so với cùng kỳ năm 2022 (xảy ra 1.853 vụ, tăng 41,88%).
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra nhận xét là sự việc cựu Cục trưởng thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD trong vụ SCB là một vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên theo ông Hòa thì vụ này có thể chỉ là “bề nổi của một tảng băng bị vỡ”, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ.
Cũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay dư luận đang đặt vấn đề có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển tiền từ tiền gửi ngân hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Hậu quả là có cả ngàn người đã gửi đơn khiếu nại, làm giảm lòng tin người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm.
Ngoài ra, dư luận cũng rất quan tâm đến việc lãng phí tài sản công, mua sắm bất động sản, chi tiêu…, số này lại chưa phát hiện để xử lý. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nếu lãng phí mà có số liệu chứng minh thì có thể thất thoát ngân sách không ít hơn tham nhũng.
Xuất phát từ những vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ mong muốn Chính phủ và các ngành chức năng đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, lấy lại lòng tin với người dân.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra lời giải thích, “nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế – xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật; nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng từ vấn nạn tham nhũng sẽ dẫn đến mối nguy về mất Đảng.
“Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng?
Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ý kiến.