Võ Hàn Lam
(VNTB) – Phải chấp nhận thực tế là còn F0, còn người tử vong (mức tối thiểu) để kinh tế xã hội trở lại bình thường.
Thuyết âm mưu nói rằng ai đó không ngại chuyện ‘đeo đuổi zero Covid’, vì nhà đầu tư phương Tây có dứt áo ra đi, thì hạ tầng sẵn có đó được ngay các ông chủ Trung Quốc ‘đắp’ vào thay thế. Bởi Trung Quốc còn toan tính gia nhập cả vào CPTPP kia mà.
Cả xã hội hoảng loạn vì truy lùng bắt bớ các ca F0, F1
Cách chống dịch vừa qua, từ sai này dẫn đến sai khác, cuối cùng là hậu quả rõ ràng sai trầm trọng. Đầu tiên là “test nhanh” toàn xã hội để truy F0 dẫn tới cùng một lúc phát hiện hằng ngàn F0 gây ra sự hoảng loạn toàn xã hội.
Khi ấy không ít ý kiến phản biện rằng nếu chỉ test nhanh những người có triệu chứng để điều trị có chất lượng như ở giai đoạn 1, bịnh nặng như viên phi công người Anh còn được chữa khỏi
Từ việc test nhanh toàn xã hội, phát hiện cùng một thời điểm nhiều người dương tính bị cho là F0. Vậy là tập trung F0 vào các bệnh viện dã chiến, F1 vào các khu cách ly tập trung. Sự chuẩn bị không kịp, từ đó lây nhiễm, bệnh nhân trở nặng diện rộng mà không đủ thiết bị, không đủ bác sĩ nên dẫn đến số người tử vong quá nhanh.
Khi thấy số người bị dương tính F0 tăng cao, số tử vong cũng tăng vọt dẫn đến việc chính phủ quyết định phải có biện pháp giãn cách xã hội bằng việc áp dụng Chỉ thị 16, mọi người không được ra khỏi nhà, hàng hóa không được lưu thông bình thường, gây gẫy đổ nền kinh tế, gây nên sự mất việc làm của người lao động, gây ra sự nghèo đói của nhiều người trong xã hội.
Hàng loạt cú đổ của ‘domino’ bắt đầu, bất chấp vào ý chí của các hô hào cho cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ở đây, có nguyên nhân từ sự quản lý không phân biệt rõ ràng đâu là trách nhiệm của chuyên môn ở ngành y tế đâu là sự điều hành của chính phủ, để rồi rốt cuộc không quy được trách nhiệm cụ thể thuộc về ai.
Sài Gòn đã yêu cầu ‘bình thường hóa’ với Covid từ giữa năm 2021
Ghi nhận ở Sài Gòn, từ cuối tháng 6-2021, như giọt nước tràn ly khi mà người đứng đầu tổ chức kiểm soát dịch bệnh ở TP.HCM là bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho rằng thời gian tới, yêu cầu đặt ra của Ban chỉ đạo chống dịch của TP.HCM, là “cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm”.
Ngay sau đó, các đồng nghiệp y khoa khác của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cũng liên tục lên tiếng rằng những chính sách chống dịch liên tiếp được trung ương đưa ra đối với TP.HCM là không không phù hợp, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế… Thế nhưng cuối cùng vẫn là phong tỏa không chỉ TP.HCM, mà còn luôn cả Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Kết quả là phải mất đến 4 tháng thì ‘bề trên’ mới nhìn nhận là không thể loại trừ được Covid, mà phải chấp nhận sống chung, bình thường mới với Covid-19 và biện pháp 5K + vắc xin.
Với những gì đang diễn ra, Chính phủ và Bộ Y tế cần phải thẳng thắn nhận sai trong việc phòng chống Covid-19, chí ít cũng từ giai đoạn 4 vừa qua, từ đó mới có thể đưa ra biện pháp vừa chống dịch vừa khôi phục nền kinh tế. Bởi, Covid-19 vẫn tồn tại, nên tất cả người dân từ chủ doanh nghiệp đến công nhân phải tự biết yêu quý mạng sống của mình để giữ gìn phòng ngừa bệnh và chữa bệnh triệt để.
Từ nhìn nhận trên, cần thấy rằng việc mở cửa nền kinh tế thì không cần phải ngăn sông cấm chợ. Hàng hóa và con người được lưu thông tự do, sẽ không cần sử dụng giấy đi đường, không cần test nhanh cho người đã chích vắc xin, mà chỉ sử dụng test nhanh cho người có triệu chứng sốt, ho.
Và giai đoạn sống chung với Covid chắc chắn sẽ vẫn còn phát hiện F0. Phải làm sao giảm bớt tình trạng F0 chuyển thành bệnh nặng, phải giảm bớt người tử vong. Nói một cách khác, đành phải chấp nhận thực tế là còn người bệnh, còn người tử vong (mức tối thiểu) để kinh tế xã hội trở lại bình thường.