Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: một góc khuất ‘hậu PMU 18’

Xuân Hiển

 

(VNTB) – Chiều 12-5-2008, hai nhà báo nổi tiếng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) đã bị cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam.

 

Cùng với hai nhà báo, thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 C14 cũng bị bắt.

Hai nhà báo nói trên bị khởi tố bị can về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 Bộ luật Hình sự. Quyết định khởi tố bị can cho rằng hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã đưa những thông tin sai sự thật về vụ án Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc; vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa nhận hối lộ, tham ô tài sản tại Ban Quản lý dự án 18 (PMU 18 – Project Management Unit).

Cùng bị bắt trong vụ án này còn có thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 của C14. Trước đó, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo điều 263 Bộ luật Hình sự và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến vụ án này, từ tháng 5-2007, khi quá trình điều tra các vụ án tiêu cực liên quan đến PMU18 do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14, Bộ Công an) thụ lý bước vào giai đoạn kết thúc, hàng chục phóng viên của các báo từ Trung ương đến địa phương – bao gồm cả người viết bài này, đã bị mời lên cơ quan An ninh điều tra để trả lời câu hỏi về việc lấy thông tin từ đâu, kiểm chứng như thế nào đối với các thông tin mà cơ quan chức năng cho rằng sai sự thật.

Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an cũng khởi tố thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), Bộ Công an, nguyên Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 Bộ luật Hình sự.

Theo thông báo của Bộ Công an, trong quá trình điều tra vụ án “Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ; Tham ô tài sản tại Ban quản lý dự án PMU18” đã có nhiều báo đưa tin liên quan đến cán bộ tiêu cực, tham nhũng, tham gia chạy án, hối lộ… Trong đó, có một số thông tin không đúng sự thật, có thông tin đang trong quá trình điều tra, có tin không có trong hồ sơ vụ án.

Do đó cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo điều 263 và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 Bộ luật Hình sự.

Bàn về một góc khuất của vụ án PMU 18, phải kể đến thiếu tướng công an Cao Ngọc Oánh, Tổng cục Phó Tổng cục Cảnh sát Nhân dân, Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an. Chính vì việc này mà ông Cao Ngọc Oánh mất cơ hội vào Trung ương cũng như thăng chức lên Thứ trưởng Bộ Công an. Dư luận nghi ngờ đây là cuộc “đấu đá nội bộ”.

Sau khi lên làm Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ông Cao Ngọc Oánh không giữ các vị trí quan trọng khi công tác điều tra đang diễn ra. Phải đến cuối tháng 1 năm 2007, cơ quan điều tra mới khẳng định ông Cao Ngọc Oánh không liên quan tới việc chạy án.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, ông Oánh nhận được tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao để từ đó giới thiệu với Đại hội Đảng lần thứ X xem xét bầu vào Trung ương. Tương tự, ở cơ quan, ông Cao Ngọc Oánh cũng được tín nhiệm. Ông đã được cơ cấu lên làm Thứ trưởng Bộ Công an, thăng hàm, khen thưởng…

Tuy nhiên, ngay trước ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 14, một báo cáo đã được “gửi tắt” lên Bộ Chính trị với những thông tin về việc tướng Oánh có liên quan đến đường dây chạy án tại PMU18. Chính vì trường hợp tướng Oánh rất nhạy cảm như vậy nên có dư luận cho rằng có yếu tố “đấu đá nội bộ”…

Và hai nhà báo kể tên ở trên bị bắt cùng hàng loạt phóng viên báo chí được ‘mời lên – mời xuống’, được nhìn nhận là ‘đòn trả thù nguội’ của hai ông Cao Ngọc Oánh và Nguyễn Việt Tiến trong cái gọi là ‘hậu PMU 18’.


Tin bài liên quan:

VNTB – Những nhà báo phản biện: cần đối xử tử tế với họ thay vì cứ bắt bỏ tù

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm báo có phải là làm chính trị?

Phan Thanh Hung

RFA – Ai bảo vệ những nhà báo chống tiêu cực tại Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.