Việt Nam Thời Báo

VNTB- Hồ sơ Panama: Cơ hội vàng cho chính phủ Việt Nam chứng minh “bàn tay sạch”

Trần Thành

(VNTB) – Mục đích công bố của ICICJ chỉ để cho công chúng biết có sự hiện diện của các công ty offshore này và chủ sở hữu là ai chứ không phải để khuyến nghị hay ám chỉ có các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên không loại trừ nhiều pháp nhân, cá nhân có tên trong danh sách được nghi vấn là liên quan trốn thuế, rửa tiền có từ hối lộ, tham nhũng hay các hành vi sai trái khác.

3 doanh nhân Việt có tên trong hồ sơ Panama.

Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố dữ liệu về 189 cá nhân, 19 công ty offshore (các pháp nhân được thành lập tại các vùng lãnh thổ mà ở đó chính quyền địa phương cho phép các ưu đãi về thuế như giảm hoặc miễn hoàn toàn thuế với điều kiện nếu các công ty đó hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ nơi đăng ký) liên quan tới Việt Nam.
Trong một động thái được coi là nhanh đến bất ngờ, Tổng Cục Thuế đã kết thúc cuộc họp gấp về vụ công bố hồ sơ Panama vào chiều tối ngày 10-5, với quyết định lập ngay một tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với 189 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này. Bước đầu, cơ quan thuế sẽ làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với 189 tổ chức, cá nhân bị nêu tên. Các nghiệp vụ để làm rõ vấn đề này khá phức tạp và đòi hỏi sự huy động của cả hệ thống chính trị, từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước; và đặc biệt là từ người đứng đầu của Bộ Chính trị.
Cơ quan thuế sẽ đối chiếu, trích xuất dữ liệu nộp thuế trên cơ sở dữ liệu thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc này sẽ chỉ làm được nếu như các cá nhân, tổ chức trên có đăng ký đầy đủ mã số thuế tại Việt Nam. Sau đó, tổ công tác sẽ phải làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài, ở những thiên đường thuế nào, tính toán sơ đồ tạo ra thu nhập, tìm ra bản chất của phương thức giao dịch này. Trên cơ sở đó, đối chiếu với chính sách pháp luật Việt Nam, tổ sẽ đánh giá mức độ trốn thuế hay không trốn thuế, hay chỉ là lách luật, né thuế… và tìm hiểu động cơ của các cá nhân, tổ chức này.
Về mặt tố tụng, theo khoản 3 Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự, danh sách 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam trong “Hồ sơ Panama” được công bố, được coi là gián tiếp cung cấp thông tin cho cơ quan thẩm quyền Việt Nam. Đây là “tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng” về dấu hiệu phạm tội. Cơ quan cảnh sát điều tra có thể kiểm tra, xác minh nguồn tin, lấy lời khai những người liên quan nhằm xác định có hay không dấu hiệu phạm tội.
Tuy nhiên vụ việc liên quan hoạt động kinh tế, vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam nên nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, căn cứ khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Cục Cảnh sát kinh tế (C46, Bộ Công an) có trách nhiệm thụ lý. Tuy nhiên nhiều đơn vị khác như Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Văn phòng Interpol Việt Nam (C55), Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng nhà nước buộc phải tham gia hỗ trợ xác minh.
Lưu ý, việc khởi tố nếu có, chỉ có thể bắt đầu từ sau ngày 1-7, khi Bộ luật hình sự 2016 có hiệu lực, thì các pháp nhân thương mại mới có thể bị vào vòng tố tụng.
Trên phương diện pháp lý, các cá nhân xuất hiện tên trong “Hồ sơ Panama” không đồng nghĩa với việc họ phạm pháp. Mục đích công bố của ICICJ chỉ để cho công chúng biết có sự hiện diện của các công ty offshore này và chủ sở hữu là ai chứ không phải để khuyến nghị hay ám chỉ có các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo luật, nếu các công ty offshore tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật ngân hàng và thuế thì có quyền tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài hợp pháp và cũng có thể chuyển lợi nhuận về Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (đang có hiệu lực): “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. Vì thế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội không thể dựa trên những thông tin trên mạng, chưa được kiểm chứng và đánh giá bởi các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng không thể coi đây là căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề rửa tiền, trốn thuế, gian lận thuế với những cá nhân có tên trong “Hồ sơ Panama”, mà chỉ có thể xem đây là nguồn tham khảo để vào cuộc, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ai là chủ sở hữu của “Bún bò Huế”?

Phan Thanh Hung

VNTB- Điều 245 BLHS và ranh giới mong manh của đấu tranh nhân quyền

Phan Thanh Hung

VNTB – Muốn riêng tư nơi công cộng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.