VNTB – Hồ sơ: Vì sao Việt Nam chưa có Luật biểu tình?

VNTB – Hồ sơ: Vì sao Việt Nam chưa có Luật biểu tình?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Biểu tình vẫn được hiểu nhầm sang ý nghĩa chống đối

 

Biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội.

Thế thì vì sao Quốc hội Việt Nam vẫn chưa ban hành Luật biểu tình?

Giải trình vấn đề này trước Quốc hội hồi tháng 7-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – ông Nguyễn Khắc Định nói: “Dự án này đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này.

Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình”.

Ông Nguyễn Khắc Định, từng là giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ông Định có 2 năm làm trợ lý cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Định từng được ‘phân công’ về Thành ủy TP.HCM để làm phó bí thư, nhưng sau đó lệnh này được bãi bỏ.

Hiện nay ông Nguyễn Khắc Định là phó Chủ tịch Quốc hội. Không rõ lần này Quốc hội khóa XV có giải quyết khoản ‘nợ xấu’ Luật biểu tình ngay trong nửa đầu nhiệm kỳ hay chờ ‘tín hiệu’ từ Bộ Chính trị.

Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tổng kết 5 năm thi hành Hiến pháp 2013 do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký, cho biết còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành, trong có 3 dự án luật, pháp lệnh đã đưa vào chương trình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng cần tiếp tục chuẩn bị nên chưa được ban hành gồm luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, luật về Hội, pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.

Theo Chính phủ, những dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành này ”cần được tiếp tục rà soát, đánh giá tính cấp thiết” và ”đánh giá tác động kỹ các chính sách” để làm cơ sở xác định thời điểm hợp lý sửa đổi, bổ sung, ban hành từng văn bản. Trong 21 dự án còn nợ, có luật Chủ tịch nước và luật Tố tụng lao động đã được đề xuất không xây dựng; luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật về Hội, Luật biểu tình được ”rút ra khỏi chương trình, đang tiếp tục nghiên cứu”.

Đối với Luật biểu tình, Chính phủ cho hay, đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự án luật này, bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ, tạo sự thống nhất cao, bảo đảm chất lượng và tính khả thi; báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời điểm thích hợp.

Thời điểm nào là thích hợp, câu hỏi này đang đặt ra với tân Chính phủ Phạm Minh Chính.

Bộ Công an cho rằng, dự án Luật biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm, nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.

Có lẽ vấn đề ở đây là cách hiểu từ ngữ của tiếng Việt

Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học do GS Hoàng Phê chủ biên xuất bản năm 1998 có ghi: “Biểu tình là đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung. Hiểu rộng ra, biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động nhằm thể hiện mục đích, bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề công cộng nào đấy”.

Song lâu nay, trong suy nghĩ của không ít người, biểu tình vẫn được hiểu nhầm sang ý nghĩa chống đối hệt như lý giải kê trên của Bộ Công an.

Biểu tình cũng không có nghĩa là chống đối. Bởi trước chủ trương, hành động đúng đắn của Nhà nước, người dân ủng hộ thì họ xuống đường để bày tỏ quan điểm, thái độ.

Ngược lại, có những vấn đề liên quan tới đời sống, người dân không đồng tình thì họ cũng được quyền biểu tình để phản đối. Việc sớm ban hành Luật Biểu tình sẽ giúp người dân thực hiện quyền bày tỏ thái độ của mình một cách chính đáng.

Hơn nữa, luật sẽ quy định quyền, nghĩa vụ của người dân khi tham gia biểu tình, những vấn đề liên quan tới địa điểm, nội dung… cũng sẽ được thể chế hóa sẽ là điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý hoạt động biểu tình đúng pháp luật.

Với cách hiểu trên, rõ ràng khó thể trách cứ phía được giao chấp bút soạn thảo dự Luật biểu tình, vì đây là cơ quan hành pháp nên về tâm lý chung, họ luôn soạn những gì giúp họ có thể quản lý tốt nhất trong bổn phận sự. Và có lẽ ai cũng biết qua những so sánh công an là lá chắn thép bảo vệ chế độ, nên bất kỳ điều gì có thể ảnh hưởng đến chế độ, họ đều phải ra sức ngăn chặn. Đòi hỏi ở họ cách hiểu về “biểu tình” theo từ điển Tiếng Việt, xem chừng khó khả thi.

Vậy thì ở đây vì sao không làm theo đúng như những gì đã có luật định, đó là Luật Tổ chức Quốc hội 2014, tại Điều 29 “Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh”, quy định như sau:

“1. Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.

2. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật”.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội được quy định tại điều 33. Cụ thể, Điều 33 của Luật quy định:

“Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh. Việc kiến nghị về luật, pháp lệnh phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” – “Đại biểu Quốc hội có quyền tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh”.

Một tin tức đã cũ: Hồi năm 2013, báo chí đưa tin về phát biểu của đại biểu Quốc hội – luật sư Trương Trọng Nghĩa: “Nếu có nhiều luật quá, Quốc hội không làm kịp, không có đủ kinh phí, thời gian để làm thì tôi xin thưa, cá nhân tôi sẽ nhận, vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật Biểu tình đúng theo Hiến pháp”.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa của Đoàn TP.HCM đã nói như vậy tại buổi thảo luận tổ vào chiều 24-5-2013 khi thấy Luật Biểu tình không có tên trong chương trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội. (Luật sư Trương Trọng Nghĩa vừa được thông báo là trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV).

Mà đâu chỉ là đại biểu Quốc hội, trước đây phía tổ chức Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có một nhóm thân hữu luật sư, luật gia đã thiện chí tương tự như đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, chủ động chấp bút soạn thảo dự Luật biểu tình; và nghe đâu khi đó nhà báo Phạm Chí Dũng chịu trách nhiệm chuyển phần xây dựng dự thảo luật này đến một văn phòng đại biểu Quốc hội tại Sài Gòn.

Một thành viên của nhóm soạn thảo nói rằng trong quá trình tìm hiểu tư liệu, ông nhận ra trong thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội có một số luận văn thạc sĩ luật học, chủ đề về cần thiết xây dựng Luật biểu tình, và có tác giả luận văn đã chấp bút soạn hẳn theo ‘form’/ kết cấu của một dự án Luật biểu tình, phù hợp theo đúng yêu cầu của Điều 4, Hiến pháp 2013.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)