Thới Bình
(VNTB) – Họ kết nối với người đứng đầu, hoặc cấp phó của một số đơn vị có chức năng phòng chống buôn lậu, sau đó ‘khống chế’ họ thông qua người thân trong gia đình để có thể buôn lậu trót lọt.
Nhập xăng dầu từ nước ngoài và đậu ở gần lãnh hải Việt Nam để bơm xăng sang tàu Việt Nam, sau đó sử dụng dung môi, hóa chất từ xăng phẩm cấp thấp pha chế thành xăng A95 đưa về các kho ở các tuyến sông nhiều tỉnh thành rồi cấp cho xe bồn chở về ‘chân rết’ tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Một trong ‘bà trùm’ của những đường dây buôn lậu xăng dầu vừa tra tay vào còng số 8 trong chuyên án mang bí số 920G mà Công an tỉnh Đồng Nai đang xử lý.
Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, khi báo cáo trước Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, cho biết nhóm tội phạm trong đường dây này hoạt động có tổ chức theo kiểu như mafia. Họ kết nối với người đứng đầu, hoặc cấp phó của một số đơn vị có chức năng phòng chống buôn lậu, sau đó ‘khống chế’ họ thông qua người thân trong gia đình để có thể buôn lậu trót lọt.
Nhắc lại một câu chuyện vẫn còn thời sự.
Công ty dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán là PSH) được sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cấp phép giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE hồi hạ tuần tháng 6 năm ngoái, với tổng số hơn 126,1 triệu cổ phiếu, tương đương 1.261 tỉ đồng.
Người đứng vị trí chủ tịch hội đồng quản trị Nam Sông Hậu là ông Mai Văn Huy. Ông Huy từng là giám đốc công ty thương mại dịch vụ dầu khí Đồng Tháp, mà vào đầu thập niên 2000, ông đã bị tòa tuyên án chung thân về 4 tội buôn lậu, tham ô, đưa hối lộ và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng rồi đến năm 2009, tức sau hơn 9 năm thụ án, ông Huy đã được đặc xá vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Sau đó, ông Huy thành lập công ty xăng dầu Nam Sông Hậu (NSH Petro) vào năm 2012. Chỉ trong 8 năm, ông Huy đã đưa công ty xăng dầu của mình trở thành một ông lớn trong lĩnh vực xăng dầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bản cáo bạch, năm 2019, tính về thị phần các đầu mối thì Nam Sông Hậu NSH Petro có 450 đại lý, chiếm 28% thị phần khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một điều khá lý thú, NSH Petro của ông Huy đứng đầu thị phần tại đồng bằng sông Cửu Long, vượt qua cả công ty trước đây ông từng làm giám đốc, và bỏ xa thị phần các đại gia trong ngành xăng dầu Việt Nam như Petrolimex, Sài Gòn Petro,…
Với hệ thống bán lẻ rộng khắp các tỉnh trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, gồm hơn 1.000 cây xăng thì NSH Petro chỉ đứng sau tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) về mạng lưới bán lẻ ở khu vực này.
Dữ liệu của giới đầu tư chứng khoán cho thấy cơ cấu cổ đông sáng lập (năm 2012) của NSH Petro gồm: ông Nguyễn Tiến Thắng (50%), Mai Văn Huy (6,67%), Mai Văn Chánh (6,67%), Mai Văn Khương (1,67%) và công ty cổ phần thương mại hóa dầu Nam Sông Hậu (33,33%).
Trải qua nhiều lần tăng vốn, ông Huy dần sở hữu nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp. Dữ liệu năm 2017 cho thấy ông nắm 86% vốn công ty và đỉnh điểm năm 2018 ông sở hữu tới 96,66% vốn NSH Petro.
Sau đợt tăng vốn tháng 3-2019 từ 800 tỷ lên 1.262 tỉ, tỷ lệ sở hữu của ông Huy đã giảm xuống hơn 66,65%, song nhiều khả năng đây chỉ là biện pháp kỹ thuật để phục vụ mục tiêu đại chúng hoá và đưa cổ phiếu NSH lên sàn HOSE. Còn thực tế vai trò của doanh nhân sinh năm 1961 vẫn là tuyệt đối tại doanh nghiệp.
Ông Huy cũng có tiếng nói chi phối khi có ít nhất 2/5 người thân trong hội đồng quản trị NSH Petro, đó là con trai ông Huy – ông Mai Hữu Phúc, sinh năm 1988, và em trai là Mai Văn Thành sinh năm 1976.
Trở lại một chút về vụ án mà ông Mai Văn Huy đã bị tòa tuyên án chung thân về 4 tội buôn lậu, tham ô, đưa hối lộ và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án này có hai quan chức ‘sắm vai Lê Lai’ khi được coi là ‘chống lưng’ cho ông Mai Văn Huy, đó là ông Ngô Phú Thọ, nguyên chủ tịch UBND tỉnh và Nguyễn Văn Tho, nguyên trưởng Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Tháp. Cả hai quan chức này đều bị hầu tòa với tội danh “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trích nhật ký phóng viên:
Bị triệu tập ra trước phiên tòa với tư cách là người có liên quan, ông Ngô Phú Thọ đã phủ nhận toàn bộ lời khai của các bị cáo và một mực cho rằng ông không chủ trương cho Mai Văn Huy buôn lậu.
Tuy nhiên, ông Ngô Phú Thọ không thể giải thích về việc ông cùng một vài cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh lúc đó ký 20 tờ trình cho phép Mai Văn Huy được “bán xăng dầu cho các đối tác Campuchia thu bằng Việt Nam đồng” với số tiền 32 tỉ đồng, và 29 tờ trình “bán ngoại tệ” với số tiền 2,65 triệu USD… ; trong đó, riêng ông Ngô Phú Thọ ký 8 tờ trình xin thu bằng tiền đồng với số tiền hơn 14 tỉ đồng, và 28 tờ trình bán ngoại tệ với số tiền là 2,5 triệu USD.
Sở dĩ việc phê duyệt những tờ trình trên được xác định là gây hậu quả nghiêm trọng, vì quy trình buôn lậu của ông Mai Văn Huy khá đặc biệt: ông Huy xin quota “tạm nhập tái xuất” để nhập xăng dầu vào Việt Nam rồi lo lót cho hải quan cửa khẩu Thường Phước làm thủ tục “tái xuất” giả, để lại tiêu thụ trong nước hơn 45.000 tấn xăng dầu.
Để hợp thức hóa việc “tái xuất” nhưng không có ngoại tệ, ông Mai Văn Huy làm tờ trình xin UBND tỉnh cho phép “bán xăng dầu tái xuất thu bằng tiền Việt Nam” và xin “bán ngoại tệ” để… trang trải chi phí!
Mặc dù không có chức năng phê duyệt việc mua bán ngoại tệ bởi chức năng này thuộc ngành ngân hàng, nhưng ông Ngô Phú Thọ cùng một số lãnh đạo UBND tỉnh lúc đó lại sốt sắng “ký duyệt” để ông Mai Văn Huy hợp thức hóa số tiền buôn lậu.
Còn với ông Nguyễn Văn Tho, thì tư cách là ủy viên thường vụ, trưởng Ban Kinh tế tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Tho được giao trách nhiệm trong việc thành lập công ty cổ phần thương mại Sông Tiền (công ty Sông Tiền).
Tất cả thành viên của công ty Sông Tiền đều là “người nhà”, trong đó có cả Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng tỉnh ủy, công ty An Bình thuộc công an tỉnh Đồng Tháp…
Mặc dù số vốn góp của từng thành viên đều được nêu ra cụ thể trong hồ sơ thành lập, nhưng thực chất chỉ có một thành viên góp vốn, tất cả số vốn còn lại là của công ty vật tư xuất nhập khẩu Đồng Tháp, tiền thân của công ty thương mại Dầu khí Đồng Tháp, và ông Mai Văn Huy kiêm luôn chức… chủ tịch hội đồng quản trị!
Vừa làm giám đốc công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp vừa làm chủ tịch hội đồng quản trị công ty Sông Tiền, ông Mai Văn Huy sử dụng con người, vốn, cơ sở vật chất và khách hàng của công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp “làm không công” cho công ty Sông Tiền.
Thủ đoạn “rút ruột” Nhà nước khi ấy của ông Mai Văn Huy rất đơn giản: Khi khách hàng đến mua xăng dầu của công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp, ông Huy chỉ đạo dùng hóa đơn của công ty Sông Tiền, sau đó cộng lại số lượng, làm hợp đồng xuất bán từ công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp cho công ty Sông Tiền.
Như vậy, thay vì Nhà nước được lợi, ông Huy lại chuyển cho tư nhân chiếm hưởng.
Tại phiên tòa, với tư cách là người có liên quan, ông Nguyễn Văn Tho cho rằng “chủ trương thành lập công ty Sông Tiền là đúng, nhưng khi thực hiện có sơ suất…”. Thực chất, theo công tố viên, công ty Sông Tiền là hình thức một công ty ma, được thành lập với mưu đồ “rút ruột” Nhà nước, san sẻ lợi nhuận cho những người có chức có quyền…
Bên lề vụ án, ít ai biết rằng ông Mai Văn Huy thừa nhận ông chỉ học hết lớp 3 trường làng, nhưng lại được giao làm giám đốc một công ty lớn của tỉnh, với hàng chục chi nhánh trong cả nước, doanh số hàng ngàn tỉ đồng/ năm… nên ông chỉ biết làm theo cảm tính, tìm mọi cách để kiếm được thật nhiều tiền nhằm lấy lòng ‘sếp lớn’, củng cố địa vị cho mình.
Trong vụ án xăng dầu kể trên, không ít nhà báo vướng vòng lao lý, vì đã nhận các hợp đồng quảng cáo viết bài lăng xê công ty xăng dầu bề thế nhất tỉnh Đồng Tháp này dưới thời ông Mai Văn Huy.