Đông Đô
(VNTB) – Lãnh đạo công ty Xuân Thiện Yên Bái từng mạnh miệng tuyên bố dự án hoàn thành sẽ hạn chế các trận lũ quét vì có hồ chứa nước Khao Mang Thượng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói rằng các dự án thủy điện đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này theo thiết kế không có nhiệm vụ chống lũ.
Công trình thủy điện Hồ Bốn (cổ đông chính là Tổng công ty Điện lực Miền Bắc) được xây dựng trên địa bàn xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Nhà máy có công suất 18MW, đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng vận hành thương mại từ ngày 22-3-2012.
Vừa qua, khu vực Nhà máy thủy điện Hồ Bốn có lũ quét lớn và sạt lở đất gây sự cố đường dây 110kV và tài sản trụ sở làm việc Nhà máy thủy điện Hồ Bốn.
Khu vực quốc lộ 32 tại địa phận thuộc hai xã Khao Mang, Hồ Bốn của huyện Mù Cang Chải bị mất thông tin, giao thông tê liệt. Toàn huyện Mù Cang Chải mất điện, xe cộ không thể qua lại, kể cả đi bộ, sạt lở ta luy dương nghiêm trọng.
Hệ thống lưới điện trung, hạ áp tại một số khu vực ở Yên Bái cũng bị sự cố do các đợt mưa kéo dài. Huyện Mù Cang Chải bị mất điện 80 trạm biến áp. Hiện tuyến đường giao thông Mù Cang Chải đi Lai Châu đang bị sạt lở không di chuyển được, các đơn vị của Công ty Điện lực Yên Bái đang triển khai các nhóm công tác khắc phục sự cố để tiếp cận hiện trường.
Liệu có phải do thiên tai khiến Nhà máy thủy điện Hồ Bốn bị thiệt hại?
Lật lại hồ sơ sẽ thấy sau khi Thủy điện Hồ Bốn vận hành thương mại không lâu, quá trình thi công Dự án Thủy điện Khao Mang do Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái (thuộc tập đoàn Xuân Thành) làm chủ đầu tư, phía thượng nguồn đã khiến đất đá, chất thải rắn từ việc san gạt mặt bằng của đơn vị này thi nhau đổ xuống suối Nậm Kim.
Ngày 22-7-2012, lũ lớn về đã kéo trôi toàn bộ lượng đất đá thải trên, vùi lấp hoàn toàn cửa nhận nước, lượng bùn đất lòng hồ và cống xả cát cao vượt thiết kế 10 m, gây mất an toàn nghiêm trọng cho hệ thống hồ chứa nước và đập bê tông đầu mối của Nhà máy thủy điện Hồ Bốn, khiến nhà máy phải dừng phát điện từ 23-7-2012 đến 4-9-2012.
Tháng 1-2017, sau hơn 3 năm thi công, nhà máy thủy điện Khao Mang Hạ với công suất 30 MW tại Mù Cang Chải đã hòa vào lưới điện quốc gia. Công trình được xây dựng trên địa bàn xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn của huyện Mù Cang Chải. Sau khi tích nước, diện tích mặt hồ rộng 7,75ha và dung tích toàn bộ hồ chứa khoảng 0,5 triệu m3, trong đó dung tích chết là 0,36 triệu m3 và dung tích hữu ích là 0,14 triệu m3.
Trước đó, theo công bố, để xây dựng cụm nhà máy thủy điện tổng công suất 55MW ở dự án Khao Mang Thượng đã đưa vào khai tháng vào hạ tuần tháng 9-2015, Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái đã đầu tư kinh phí xây dựng hồ chứa thủy điện Khao Mang Thượng có dung tích gần 14 triệu m3 nước và diện tích lưu vực khoảng 275km2 nhằm ngăn chặn hiện tượng lũ quét. Thời điểm đó, lãnh đạo công ty Xuân Thiện Yên Bái, mạnh miệng tuyên bố dự án hoàn thành sẽ hạn chế các trận lũ quét vì có hồ chứa nước Khao Mang Thượng.
Quan sát qua hình ảnh về các trận lũ quét ở Mù Cang Chải vừa xảy ra, theo một nhận xét của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), thì, “trận lũ quét vừa qua tại Mù Cang Chải đã mang tất cả vật liệu phong hóa đưa vào dòng chảy, dồn xuống tức thời và gây ra những thiệt hại lớn. Nhưng cũng phải nhìn nhận, thiệt hại này do dân ở hoàn toàn không có quy hoạch. Dân ở gần mặt nước, thấp trong phạm vi ảnh hưởng của dòng chảy nên khi dòng chảy qua bị pha lẫn với vật liệu bồi đắp, vật liệu xói mòn đổ từ trên cao xuống sẽ xoáy tất cả những gì nó đi qua”.
Trong văn bản mới đây của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) gửi 3 công ty thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về việc chủ động vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, có nội dung lưu ý các công ty thủy điện phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia khai thác hiệu quả nguồn nước, hạn chế xả thừa trong mùa mưa bão và đảm bảo tích nước hồ chứa vào cuối mùa lũ.
Như vậy xem ra EVN đã gián tiếp nhìn nhận ‘góp lũ’ ở đây còn có các hồ thủy điện, chứ không phải thủy điện giúp giảm lũ như các báo cáo tác động môi trường khi trình dự án thủy điện.
1 comment
“Hồ thủy điện ở Mù Cang Chải đã không giúp giảm lũ”
Nên điều tra xem họ có bao giờ đi lại với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu không ? Tư di của Ts NNC độc đáo ở chỗ tất cả những “giải pháp” ổng đưa ra, nếu áp dụng sẽ cho ra kết/hậu -tùy cách nhìn- quả còn tệ hại hơn vấn đề ổng mún giải quyết .