Quốc Ấu
(VNTB) – Sáng 18/5, Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ ông Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Đến dự có các lãnh đạo nhà nước đảng đương nhiệm và nguyên lãnh đạo.
“Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”, người đương nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong diễn văn tại buổi lễ.
Đó không phải lối nói thậm xưng của ông Nguyễn Phú Trọng dành cho ông cụ. Rõ vậy, qua tác phẩm, bài nói, bài viết thể hiện tư tưởng của cụ ông Hồ Chí Minh về công tác báo chí, xuất bản mới thấy cái tài của ông cụ, ông dự đoán trí tuệ về phí phách, lương tri của thời đại.
Thí như, ông cụ phản ánh tình trạng Đông Dương, “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi.”
Giờ thì, “Giữa thế kỷ XXI này, ở một đất nước có đến 100 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo độc lập đúng nghĩa, tờ báo không phải do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển.”
Ví như, trong Thư gửi trung ương Đảng cộng sản Pháp, “Trong lúc chính phủ thuộc địa đã thiết quân luật, tập trung quân đội, huy động chiến hạm, huy động các bộ máy đàn áp, bắt bớ và kết án các nhà hoạt động từ 5 đến 10 năm tù; trong lúc các báo chí viết thuê đã tiến hành một cách có hệ thống một chiến dịch lừa dối và bưng bít dư luận.”
Giờ thì, thấy đâu đây tiếng súng chói loà trong cái đêm tang thương Đồng Tâm vào những ngày giáp Tết, để rồi sau đó VTV đã lên tiếng thay phiên toà “kết tội”.
Viết về góc nhìn của cụ ông trong thời kỳ đầu hoạt động cách mạng, có hẳn một phổ chiếu dân quyền thông qua Hiến pháp năm 1946. Chỉ cần thực hiện đúng Điều 10, sẽ giải phóng rất lớn nguồn lực xã hội (Tự do ngôn luận, tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú đi lại trong nước và nước ngoài); Điều 13 sẽ chặn đứng tình trạng tham nhũng chính sách đất đai và xoá sổ hoàn toàn nạn bất công, cướp đất người yếu thế qua tụ điểm dân oan tại đường Ngô Thời Nhậm, Hà Nội (Quyền tư hữu của công dân Việt Nam được bảo đảm).
Di sản để lại có tính hiện đại, nhân quyền phục vụ tốt cho quyền tự do của chủ thể nhân dân Việt Nam của ông cụ được nhắc nhiều trong các tài liệu nghiên cứu, nhưng khả năng ứng dụng là zero bởi thế hệ sau này, chỉ thích trích dẫn hơn là thực học. Như cánh hoa để làm cho bài diễn văn thêm sắc màu.
Cụ ông có thể sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam nếu thế hệ con cháu của cụ ông thực sự tôn trọng quan điểm của cụ ông lúc sinh thời.
Tiếc thay đó cũng chỉ là giấc mơ không thật mặc dù ai cũng tự xưng con cháu bác.