Việt Nam Thời Báo

VNTB – Học toán thời nay: góc tù và cánh tay nghệ sỹ Bạch Tuyết

Mỹ Thuận

(VNTB) – Vậy chỉ cần đưa tay cho đúng góc để kẻ thù kiểm tra, đúng thì khỏi đánh, giặc cũng sợ. Chắc điều này sẽ đúng khi kẻ thù có nhà toán học theo kiểm tra, chứ lính thường không biết đâu…

Giám đốc Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM nói rằng: “Trước khi sử dụng hình ảnh nói trên cho bìa sách, chúng tôi đã cân nhắc kỹ càng từ chính đề xuất của các tác giả biên soạn nội dung. Đây là sách về các bài toán thực tế trong đó là những bài sử dụng chất liệu, đề dẫn là các yếu tố có tính thực tế, từ đó yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức toán để giải quyết, tìm ra đáp án toán học”.

Ở cuốn toán và bài toán thực tế lớp 6 có hình bìa là nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga, trong đề số 2, câu 5 có trích dẫn tiểu sử nhân vật lịch sử là Thái hậu Dương Vân Nga và có dẫn dắt như sau:

Theo các nhà tâm lý học hành vi, động tác dang 2 tay hướng về phía trên và góc hợp bởi cánh tay và cẳng tay là góc tù sẽ thể hiện được lòng quyết tâm của con người trước một biến cố. Hãy sử dụng thước đo góc để đo 2 góc được tô màu vàng trên và xác định nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vở Thái hậu Dương Vân Nga có thể hiện được sự kiên cường, lòng quyết tâm cao độ trước hiểm họa xâm lăng đất nước của nhà Tống hay không?”

Sách toán lớp 4 có tiết về góc nhọn, góc tù, góc bẹt. Sách toán lớp 6 thời “chưa có hình nghệ sĩ Bạch Tuyết”, phần “Kiến thức cần nhớ”, ghi rất dễ hiểu như sau:

“1. Góc. Góc là hình gồm hai tia chung gốc. Gốc chung của hai tia gọi là đỉnh của góc. Hai tia là hai cạnh của góc.

2. Số đo góc. Mỗi góc có một số đo xác định, lớn hơn 0 và không vượt quá 180°. Số đo của góc bẹt là 180°.

3. Các loại góc. Góc vuông là góc có số đo bằng 90°. Góc nhọn là góc có số đo lớn hơn 00 và nhỏ hơn 90°. Góc tù là góc có số đo lớn hơn 90° và nhỏ hơn 180°.”

Toán học không có đặt vấn đề liên quan số đo góc với tính cách của một con người. Cách đặt vấn đề gọi là “tâm lý học hành vi” với học trò lớp 6 trong trường hợp ra đề toán hình học lớp 6, cho thấy trước tiên cần phải giải thích cho học trò lớp 6 hiểu “tâm lý học” là gì?, sau đó mới tới phần gọi là “tâm lý học hành vi”.

Nếu hiểu đây là cách ra đề kiểu tích hợp, thì học trò lớp 6 không có học môn tâm lý. Cụ thể, bộ sách giáo khoa lớp 6 năm học 2020 – 2021 bao gồm các môn: Toán, Ngữ Văn, Vật lý, Sinh học, Lịch Sử, Địa Lý, Công nghệ, Âm nhạc và Mỹ Thuật, Giáo dục công dân.

Có 2 trường hợp liên quan “nghệ sĩ Bạch Tuyết” từ kiểu ra đề tích hợp của sách toán lớp 6:

Thứ nhất, nếu đề toán liên quan nghệ sĩ Bạch Tuyết là kiểu tích hợp toán – văn, thì thử giải bài toán trên bằng cách của môn văn:

“Cụ Nguyễn đã để cho Thúy Kiều nghĩ về Hoạn Thư liên tục trong sáu dòng thơ: Chước đâu có chước lạ đời/ Người đâu mà lại có người tinh ma/ Rõ ràng thật lứa đôi ta/ Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi/ Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao!.

Hoạn Thư cho tình địch lâm vào thế hoàn toàn bị động, không lối thoát. Cái con người mà như ngày xưa đã nói sát nhân vô đao kiếm (giết người không có dao kiếm). Không vũ khí, không ồn ào la lối ấy mà kẻ thù phải im hơi lặng tiếng, không kịp trở tay! Hình như cụ Nguyễn không dừng ở mức độ sát nhân vô đao kiếm mà còn nói cái thơn thớt nói cười, ấy là tiếu trung hữu đao (trong cái cười có đao kiếm).

Đó là hai mặt đối nghịch nhau của Hoạn Thư. Cái bề ngoài có vẻ hời hợt, vô tư, cách ăn ở dễ dàng nhưng bên trong lòng dạ giết người. Thông thường, miêu tả một nhân vật độc ác ta thường biểu hiện từ tiếng nói, từ miệng cười, từ cái liếc mắt… tất cả đều hung bạo, dữ dằn. Ở đây Hoạn Thư lại là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai phạm trù đối nghịch nhau!

Thúy Kiều nghe Hoạn thư gọi ra hầu liền chạy ra, trông thấy Thúc tự hỏi: Chao ôi sao chàng Thúc sinh lại đến đây? Nhưng nghe Hoạn Thư xưng hô với Thúc, Kiều biết là mình đã bị mắc mưu, nhớ lời căn dặn của vú già liền im bặt. Nguyễn Du đã dùng sáu câu thơ vừa bộc lộ mưu mô thâm độc của Hoạn vừa cho thấy Thúy Kiều ở thế bị động, khó lòng chống đỡ. Vì vậy cụ Nguyễn mới khắc họa thêm cái thảm cảnh của Thúy Kiều lúc ấy: Bây giờ đất thấp, trời cao/ Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?

Hai chữ bây giờ mở đầu và khóa lại hai dòng thơ, miêu tả đúng thời khắc khó khăn nhất trong việc ứng xử của Thúy Kiều. Còn Thúc sinh? Cụ Nguyễn cho Thúy Kiều đã đến sờ sờ trước mặt Thúc, Thúc còn hỏi: “Người con gái này ở đâu đến thế?”. Đến lúc Hoạn thư nói con ở này “hiểu âm luật lại thạo hồ cầm”, Thúc mới bất giác nghĩ đến Thúy Kiều.

Nguyễn Du không có một câu thơ nào miêu tả Thúc sinh trông thấy Thúy Kiều và hỏi nọ, kia. Cụ Nguyễn tả ngay tâm trạng của Thúc: Sinh đã phách lạc hồn xiêu/ Thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây? Nhân làm sao đến thế này?/ Thôi thôi đã mắc vào tay ai rồi!/ Sợ quen dám hở ra lời/ Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ ra…

Như vậy, nếu ai đó có ý vận dụng tâm lý học hành vi để giải thích về ngôn ngữ vũ đạo ước lệ sân khấu, về vẻ bề ngoài của một con người qua lăng kính chữ nghĩa văn chương, thì điều đó là những khập khiễng của một bất phương trình có nhiều ẩn; thậm chí còn là việc “tìm m để bất phương trình vô nghiệm”…

Thứ hai, nếu đề toán liên quan nghệ sĩ Bạch Tuyết ở kiểu tích hợp toán – sử – địa, thì thử giải bài toán trên bằng cách của tổ hợp môn sử – địa (đặc biệt là phần địa chính trị):

Trong mối quan hệ với Trung Quốc, và đặc biệt là trong những chuyến “đi chầu” của ngài Nguyễn bí thư, câu “Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao” của thi hào Nguyễn Du thật thích hợp. Nhìn cái mặt cười cười của họ Tập với thân hình bự như hộ pháp bắt tay ông Nguyễn bí thư nhỏ thó, dù tự thâm tâm rất muốn tin đó là một thiện chí của gã, nhưng thực tế thì lại cho thấy đằng sau là một cái dao găm to tướng.

Các bạn hãy tự hỏi có khi nào bạn mời khách vào nhà ở cửa trước, thì ở cửa sau bạn cho con cái mình đi ăn cướp tài sản của người khách? Nếu một người nào làm như thế thì các bạn phải kết luận rằng người đó “mất lịch sự” là nhẹ, hay nặng hơn chút là “mất dạy”. Bạn bè thật sự và người văn minh không ai hành xử như thế.

Trong mối quan hệ với Trung Quốc, dường như mọi lý thuyết được gọi là tâm lý học hành vi đều trở thành vô nghĩa… Những con số tính toán thuần lý thuyết của môn toán học cũng vô nghĩa với vẻ bề ngoài thơn thớt “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt” của những chính khách như họ Tập.

Tin bài liên quan:

VNTB – Học ở người Nhật

Phan Thanh Hung

VNTB – Củng cố nghi vấn ‘khủng bố sinh học’ đến từ Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Làn sóng corona thứ hai ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo