VNTB – Tất Thành Cang

VNTB – Tất Thành Cang

Mỹ Thuận

(VNTB) – Tất Thành Cang là một cái tên được giới báo chí ‘săn’ từ chiều ngày 17-6. Có tờ báo đã ‘lên tin’ Tất Thành Cang tra tay vào còng số 8, để rồi sau đó đã phải ‘tháo’…

Lần này thì ông Thành ủy viên của Đảng bộ TP.HCM Tất Thành Cang được cho là liên quan trong vụ việc xảy ra tại quận 7, trong vụ án công ty Tân Thuận bán rẻ 30 ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 10, TP.HCM của tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đơn vị số 11 trước kỳ họp thứ 20 diễn ra hôm 15-6, đại biểu HĐND TP.HCM Tất Thành Cang tiếp tục vắng mặt. Lý do được ban tổ chức buổi tiếp xúc thông báo là do đại biểu bận công tác. Và đây không phải là lần đầu tiên ông Tất Thành Cang vắng mặt trong các buổi tiếp xúc cử tri. Cụ thể, vào các buổi tiếp xúc cử tri ngày 20-11-2018 và ngày 22-11-2019, ông Tất Thành Cang cũng vắng mặt vì bận công tác đột xuất.

Tin tức công khai trên báo chí cho đến lúc này, thì Ủy ban Kiểm tra trung ương (cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã kết luận ông Tất Thành Cang có vi phạm trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những sai phạm này ông Cang phạm phải khi còn làm giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

Theo đó, quyết định phê duyệt dự án bốn tuyến đường chính của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ông Cang ký ngày 28-10-2013 với tư cách ủy viên UBND TP.HCM thừa ủy quyền Chủ tịch UBND TP.HCM khi ấy là ông Lê Hoàng Quân. Bí thư Thành ủy TP.HCM thời gian đó là ông Lê Thanh Hải, tiền nhiệm chiếc ghế chủ tịch UBND TP.HCM mà ông Lê Hoàng Quân đang ngồi.

Theo quy định, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ được phê duyệt đầu tư các dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng. Ông Tất Thành Cang thừa ủy quyền của chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phê duyệt dự án bốn tuyến đường chính ở khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ là không đúng thẩm quyền về chức trách.

Tuy nhiên các diễn biến trong dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đều nằm trong bối cảnh chung về việc phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị nhóm các quan chức chính quyền địa phương với người đứng đầu là ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, từng bước ‘phá nát’ bằng loạt văn bản pháp lý được cho là “không đúng thẩm quyền về chức trách”.

Cái lắt léo ở đây, là thời ông Lê Thanh Hải là chủ tịch UBND TP.HCM, thì người ký văn bản “không đúng thẩm quyền về chức trách” là Nguyễn Văn Đua, phó Chủ tịch UBND TPHCM. Ông Đua ký quyết định số 6565 ngày 27/12/2005 chỉnh sửa quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại điều 2 quyết định này ghi rõ “Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt”. Quy hoạch mới do Nguyễn Văn Đua ký được cho là nới rộng quy hoạch cũ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt vào năm 1996, làm cho nhiều hộ dân Thủ Thiêm bị mất đất, khiếu kiện nhiều năm.

Và việc ông Đua ký quyết định nói trên được cho chỉ là người thừa hành theo lệnh của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải.

Hiện tại thì cả ông Lê Thanh Hải và Nguyễn Văn Đua vẫn ‘ngoài vòng pháp luật’.

Trở lại với Tất Thành Cang trong vụ án công ty Tân Thuận.

Khi còn là phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bán cổ phần tại công ty con Sadeco. Tuy nhiên, việc bán cổ phần này sau đó được cho là sai so với đề án tái cơ cấu của IPC, sai quy định pháp luật, và gây thiệt hại cho công ty Sadeco ít nhất 153 tỉ đồng.

Theo đề án tái cơ cấu thì IPC không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu tại công ty Sadeco. Quá trình thanh tra cho thấy IPC trình UBND TP.HCM phương án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu (sai với đề án tái cơ cấu), nhưng lại được phó Bí thư Thường trưc Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco.

Sở dĩ IPC liên quan đến Tất Thành Cang, vì đây là một công ty thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM; do vậy IPC cùng lúc chịu ‘hai tròng’: chính quyền dân sự địa phương, và đảng chính trị ở địa phương.

Vấn đề đang đặt ra: trong hai cấp quản lý đó, thì ‘đày tớ’ hành chính dân sự và ‘ông chủ’ chính trị, nếu sai phạm xảy ra thì liệu có liên đới ‘đồng phạm’? – vì những ‘đày tớ’ hành chính dân sự ấy đều là đảng viên, nên tất nhiên là ‘dưới trướng’ – cụ thể ở trường hợp này, là Tất Thành Cang và Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải.

Giả dụ mai này ‘chuông nguyện hồn’ có gióng hồi báo tử với Tất Thành Cang, thì cần ‘gióng’ luôn với cựu ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, cùng bộ sậu quyền lực của những đảng viên bề trên đó.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Tất Thành Cang và những kẻ ăn trên xương máu người dân sẽ phải trả giá. Đời rất công bằng.