Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Hội thánh của Đức Chúa Trời” được cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Hiện có 7 điểm nhóm có tên hoặc trực thuộc hệ phái “Hội thánh của Đức Chúa Trời” ở TP. HCM được cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt đạo Tin lành.

 

Sở Nội vụ TP.HCM cho biết trên địa bàn TP.HCM hiện có 7 điểm nhóm có tên hoặc trực thuộc hệ phái “Hội thánh của Đức Chúa Trời” đã được UBND phường, xã cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt đạo Tin lành.

Các điểm nhóm có địa chỉ sinh hoạt tại quận 10, Tân Phú, Bình Tân và Gò Vấp với tổng cộng hơn 400 người đăng ký sinh hoạt.

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt đạo Tin lành đến nay, 7 điểm nhóm “Hội thánh của Đức Chúa Trời” hoạt động theo đường hướng ôn hòa, thuần túy tôn giáo, có mối quan hệ gắn bó với chính quyền địa phương và tham gia tích cực các hoạt động, phong trào từ thiện xã hội do địa phương phát động.

Một ghi nhận của người viết, dường như cả 7 điểm nhóm “Hội thánh của Đức Chúa Trời” là tổ chức độc lập, không ràng buộc, phân cấp. Một truyền đạo sư có điểm sinh hoạt tôn giáo trên đường Lê Văn Quới, quận Bình Tân, nói rằng hội thánh của ông còn có một số điểm trực thuộc ở quận Gò Vấp, Bình Thạnh và quận 8. Hội thánh này sẽ tiến tới lập nhà thờ.

Một mục sư khác nhìn nhận hiện nhiều nhóm Tin lành khác cũng tự hình thành các điểm sinh hoạt tôn giáo mà không có sự liên hệ ràng buộc lẫn nhau. Các hội thánh này có điểm chung là giáo lý và đức tin.

Ban Tôn giáo TP.HCM cũng nhìn nhận, “nhiều nhóm Tin lành hình thành và tổ chức sinh hoạt độc lập, không có sự phân cấp từ trên xuống như nhiều tôn giáo khác”.

Có nhìn nhận trái ngược với Ban Tôn giáo TP.HCM, một văn bản thuộc Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum đưa ra nhận xét gay gắt như sau về sinh hoạt tôn giáo có tên gọi na ná nhau này – trích: “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” có tên chính thức và đầy đủ là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới” (“World mission society Church of God – WMSCOG).

Tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” còn có những tên gọi khác: “Hội thánh của Đức Chúa Trời”, “Đức Chúa Trời Mẹ”, “Hội thánh Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giêsu”, có nguồn gốc từ Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong (thường gọi là Anh Xang Hồng) sáng lập năm 1964, tại Hàn Quốc. Giáo lý cơ bản lấy từ kinh thánh (66 quyển) của Tin lành giáo.

(…) Tại Việt Nam, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” du nhập vào khoảng năm 2001, thông qua nhập cảnh của người Hàn Quốc tới Việt Nam và một số người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước.

Đến khoảng năm 2005 – 2006, hình thành điểm, nhóm đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Họ hoạt động ôn hòa trong số người Hàn Quốc và một số ít người lao động Việt Nam trở về từ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, một số người cầm đầu đã chủ trương phát triển một cách cực đoan, bất chấp quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, bộc lộ những tác hại tiêu cực, trái với truyền thống, đạo đức của người Việt, như: cưỡng ép, xúi giục người theo từ bỏ phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, bất hiếu với cha mẹ, dùng mê tín, thần quyền o ép tín đồ. Những hành vi này gây ra những bất ổn về an ninh, trật tự”.

Vụ trưởng Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 80 tổ chức, nhóm, phái thuộc khu vực quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành, bao gồm cả một số tổ chức, nhóm, phái không nhận mình là Tin lành, cũng không được đa số các tổ chức Tin lành nhận là thành viên của Tin lành, như: Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam (còn gọi là Mặc Môn), Hội thánh Nhân chứng Giê-hô-va Việt Nam…

Để hoạt động tôn giáo thuần túy của 80 tổ chức, nhóm, phái này diễn ra theo quy định của pháp luật có các hình thức: (1) UBND cấp xã, phường chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, gọi là chấp thuận đăng ký điểm nhóm. Hình thức này chưa phải là công nhận về tổ chức;

(2) UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho tổ chức có đủ điều kiện pháp luật quy định. Hình thức này đã là công nhận về tổ chức nhưng là “tiền tổ chức tôn giáo”, sau hình thức này mới tới hình thức thứ 3 là UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương công nhận tổ chức tôn giáo. Lúc này tổ chức tôn giáo mới có pháp nhân phi thương mại.

“Từ năm 2001 đến nay, thực hiện các quy định trên của pháp luật, trong số 80 tổ chức, nhóm, phái thuộc khu vực quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành, đã có 9 tổ chức được công nhận pháp nhân phi thương mại, 1 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và 1 tổ chức được công nhận Ban Đại diện, 3 ngàn điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Trong số các tổ chức được công nhận pháp nhân có cả Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (công nhận năm 2008) và trong số 3 ngàn điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung có nhiều điểm nhóm thuộc Hội thánh Nhân chứng Giê-hô-va, Mặc Môn và 1 điểm nhóm của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.

Như vậy, “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” ở Việt Nam đến nay chưa được công nhận về mặt tổ chức và đa số các điểm nhóm của Hội thánh này đều chưa được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung” – trích văn bản của Vụ Tin lành (Ban Tôn giáo Chính phủ).

Ở TP.HCM, theo Sở Nội vụ thì, “các ngành chức năng TP.HCM chưa phát hiện vi phạm” về hoạt động điểm nhóm “Hội thánh của Đức Chúa Trời”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bộ Y tế ‘đá’ trách nhiệm sang chính quyền TP.HCM?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Y tế sẵn sàng đánh úp người dân?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sau những lần Sài Gòn ‘phong thành’, kết quả có như ý lãnh đạo?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo