Huỳnh Liên
(VNTB) – Nguyện cầu hồng ân Thiên chúa ban xuống cho những thân phận trẻ em Việt Nam côi cút vì đại dịch Covid.
Nhiều người đã tự hỏi: Những đứa trẻ mồ côi giữa đại dịch sẽ sống tiếp như thế nào đây?! Ai sẽ lo bữa cơm, giấc ngủ… cho các em? Ai sẽ bảo ban, răn dạy, vỗ về các em sau những vấp ngã, chông chênh của cuộc đời?…
4 anh chị em có những cái tên thật đẹp: Nguyễn Chí Tình (sinh năm 1995), Nguyễn Chí Nguyện (sinh năm 2000), Nguyễn Như Ý (sinh năm 2004), Nguyễn Quỳnh Như (sinh năm 2007). Các em là một trong gần 2.000 trẻ mồ côi trong trận đại dịch kinh hoàng xảy ra tại TP.HCM suốt nhiều tháng qua.
Trong căn nhà trọ tại ấp 1A, Bình Hưng, Bình Chánh, bàn thờ người quá cố vẫn chưa có ảnh, 4 anh em vẫn ngày ngày nhìn lên đó để khỏa lấp nỗi nhớ khôn cùng người cha thân yêu. Chàng trai Nguyễn Chí Tình bỗng chốc trở thành trụ cột, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề và quá sức với tuổi đời cũng như khả năng của mình. Trong 4 anh em thì Như Ý nhiều chữ nhất với trình độ lớp 2, Chí Nguyện bị bệnh tâm thần nên không đi học. Cùng những đứa trẻ ấy, chỉ có Tình là hiểu được ngọn nguồn câu chuyên chia ly của cha mẹ.
Đó còn là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hường, 61 tuổi, kiêm thêm vai mẹ cho hai đứa cháu ngoại, hàng đêm ru chúng ngủ và sẵn sàng có mặt mỗi khi chúng giật mình, sợ hãi. Covid-19 đã dội liên tiếp ba cái tang vào gia đình nhỏ của hai đứa trẻ ngay tại nơi từng là quận nổi tiếng bậc nhất về số ca nhiễm và tử vong vì Covid.
Cha của hai bé mất trong bệnh viện hồi cuối tháng 7. Sáu tiếng sau, mẹ qua đời ở một bệnh viện khác tại TP.HCM. Năm ngày sau đó, ông nội cũng qua đời tại khu cách ly. Thế giới của Trần Khánh Như, 13 tuổi và Trần Đăng Huy, 6 tuổi, thay đổi từ đó.
Là những người thân duy nhất còn lại của Như và Huy, vợ chồng bà Hường phải đón các cháu từ quận 8, về quê ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Dù đã bỏ nghề đánh cá vài năm, nhưng từ khi nuôi thêm cháu ngoại, giờ chồng bà lại dậy sớm chuẩn bị đồ nghề dong thuyền ra sông Đồng Nai, ngày kiếm trăm ngàn duy trì cuộc sống.
Về lý thuyết thì ai cũng biết rằng với những trẻ em đột ngột mất người thân, đặc biệt là cha mẹ, sẽ phải gánh chịu nỗi đau rất lớn và sẽ trải qua những khủng hoảng tâm lý cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt lâu dài với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống hiện tại và tương lai khi không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất.
Đó là cảm giác đau khổ vì chia cắt, mất mát đột ngột quá lớn; cảm giác bất lực vì không thể làm gì để giúp người thân; cảm giác tội lỗi, cay đắng, chia tay không lời gửi gắm; đám tang hoang vắng, không người đưa tiễn; nỗi lo sợ về tương lai… sẽ gây ra khủng hoảng tâm lý khôn lường.
Mỗi một đứa trẻ mồ côi là mỗi một câu chuyện đau buồn, một tình cảnh bi thương, một mức độ tổn thương khác nhau. Vì thế, sẽ không thể có một “giáo trình” chung cho tất cả chừng ấy đứa trẻ.
Việc quan tâm, nuôi dưỡng, dạy bảo các em, không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn là tình thương yêu, để làm sao các em không tiếp tục cảm thấy hụt hẫng, mặc cảm, tự ti về số phận, hoàn cảnh bản thân trong thời gian sắp tới. Nếu chúng ta chỉ có mỗi trách nhiệm, mà thiếu đi tình thương, sự sẻ chia, động viên, nắm bắt tâm tư, tình cảm kịp thời… thì kết quả có khi lại hoàn toàn ngược lại.
Mùa giáng sinh lại về. Nguyện cầu hồng ân Thiên chúa ban xuống cho những thân phận trẻ em Việt Nam côi cút vì đại dịch Covid.