VNTB – “Hợp đồng giả cách” – Khi kẻ cắp gặp bà già

VNTB –  “Hợp đồng giả cách” – Khi kẻ cắp gặp bà già

Cát Tường

 

(VNTB) – Pháp luật Việt Nam hiện hành không có khái niệm về hợp đồng giả cách.

 

Một số người đã tìm đến các con gái của ông Trần Quí Thanh để vay tiền. Và để được cho vay, họ làm hợp đồng giả cách mua bán cổ phần, để rồi sau đó đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản…

Thuế suất cao quá nên trốn được đồng nào, đỡ đồng nấy (!?)

Pháp luật Việt Nam hiện hành không có khái niệm về hợp đồng giả cách. Tuy nhiên, thực tế xuất hiện các hợp đồng được xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu đi một giao dịch dân sự khác thường được gọi là hợp đồng giả cách.

Ví dụ hiện nay, thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng nhà đất là 2% giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, nhiều trường hợp bên bán muốn giảm tiền thuế thu nhập cá nhân phải đóng nên các bên làm hai hợp đồng, bao gồm: (1) Hợp đồng viết tay ghi giá trị thật của giao dịch. (2) Hợp đồng công chứng ghi giá trị mua bán nhà đất nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị thật; hợp đồng này được sử dụng trong việc kê khai thuế và làm thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Hợp đồng thứ 2 được gọi là hợp đồng giả cách vì nội dung của hợp đồng là giả tạo nhằm che giấu việc mua bán nhà đất với giá trị lớn hơn (để giảm tiền thuế thu nhập cá nhân phải đóng).

Việc ghi giá chuyển nhượng nhà đất trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế là vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.

Trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với các ông, bà Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương thì Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cũng đã xác minh, điều tra về hành vi trốn thuế và giúp sức cho người khác trốn thuế đối với bà Trần Uyên Phương.

Cụ thể, bà Trần Uyên Phương cùng một số cá nhân khác đã sử dụng tài liệu là các “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” được công chứng ghi nhận không đúng số tiền thực tế chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất.

Từ đó, cơ quan thuế xác định sai số tiền thuế phải nộp qua việc chuyển nhượng quyền sử dựng đất giữa bên nhận chuyển nhượng là bà Trần Uyên Phương và bên chuyển nhượng là các cá nhân – chủ sử dụng đối với quyền sử dụng đất, thuộc các thửa đất tại phường Hiệp Bình Chánh – TP.HCM, gây thất thu số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước khoảng hơn 5,48 tỉ đồng. Đây chính là hợp đồng giả cách với mục đích trốn thuế.

Vụ việc Tân Hiệp Phát phức tạp hơn khi các đối tượng tạo lập các hợp đồng giả cách dưới dạng “Đặt cọc”, “Cam kết bán lại” trong việc mua – bán cổ phần để che giấu hành vi cho vay nặng lãi với lãi suất 3%/ tháng, tương đương với 36%/năm.

Cũng bằng những hợp đồng giả cách dưới dạng đặt cọc và cam kết bán lại để cho vay, Tân Hiệp Phát thực hiện hành vi chiếm đoạt một số dự án mà đối tác cầm cố khi từ chối “quyền mua lại”, từ chối thực hiện “cam kết bán lại” trong hợp đồng giả cách mà hai bên tạo lập. Số tài sản thực tế của dự án bị chiếm đoạt, theo tố cáo là vào khoảng 3000 tỉ đồng.

Kẻ cắp ắt gặp bà già thôi (?!)

Trên thực tế thì ngay cả nội dung trong hợp đồng giả cách nhiều khi cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ phía ký vay tiền qua hợp đồng giả cách này.

Cụ thể cho dẫn chứng là vào ngày 13-4-2023, một nguồn tin cho biết Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Chung, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Đo đạc, tư vấn, thiết kế, xây dựng – DCB, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Nguyễn Văn Chung là người đã cùng một số người khác nộp đơn đến công an tố cáo gia đình ông Trần Quí Thanh.

Nhóm ông Chung tố cáo có vay tiền của bà Trần Uyên Phương và ký “hợp đồng giả cách” chuyển nhượng lô đất hàng ngàn mét vuông tại quận Bình Tân nhưng sau đó bị mất luôn lô đất này. Theo đó, ông Chung tố cáo bà Trần Uyên Phương cùng Nguyễn Phi Long đã cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt 2 khu đất của ông tại TP.HCM trị giá hàng trăm tỉ đồng bằng thủ đoạn cho vay tiền rồi lập hợp đồng giả cách chuyển nhượng, sau đó biến giả thành thật…

Ở diễn biến khác, theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, từ năm 2015 – 2018, ông Chung sử dụng pháp nhân Công ty DCB ký kết các hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng đất, hợp đồng hợp tác kinh doanh, văn bản thỏa thuận để chuyển nhượng đất nền và thu tiền của nhiều khách hàng.

Các thửa đất mà ông Chung thỏa thuận sẽ phân lô, tách thửa để bán cho khách hàng đều không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bị can. Một số thuộc quy hoạch đất giao thông, đất cây xanh, thuộc diện đất bị thu hồi không có khả năng chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, tách thửa để bán cho khách hàng.

Trong suốt quá trình từ năm 2015 đến nay, ông Chung không có đất để giao cũng không trả lại tiền cho khách hàng mà chiếm đoạt…

Xem ra thì nhiều vụ án liên quan “hợp đồng giả cách” cũng là chuyện “kẻ cướp gặp bà già” – “49 gặp 50” mà thôi. Điều này cũng tương tự như chính khách lúc rao giảng đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh nghe hay lắm, nhưng lúc ‘ngã ngựa’ thì hóa ra tay ai cũng lấm lem nhúng chàm (!?)


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)