Phạm Huệ – Hoài Nguyễn
(VNTB) – Thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan kiểm tra đảng nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động.
Trong Đề án 01-ĐA/UBKTTW ngày 8-7-2009 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 đã đưa ra vấn đề: “…hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương với cơ quan Thanh tra và Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng”.
Mục đích của việc hợp nhất này là hướng đến việc tinh giảm biên chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền; đặc biệt là khắc phục những chức năng, nhiệm vụ bị chồng chéo giữa hai cơ quan này.
Tiếp đó, Kết luận Số 64-KL/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” tiếp tục đưa vấn đề hoàn thiện, tổ chức lại bộ máy nhà nước với yêu cầu “xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị”.
Tuy nhiên tính đến nay thì vấn đề hợp nhất chỉ dừng lại ở chủ trương chung mà chưa được hướng dẫn và thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật.
Trước hết về địa vị pháp lý của cơ quan sau hợp nhất trong hệ thống chính trị, thì cơ quan sau hợp nhất thuộc một ban của Đảng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nghĩa là, sau hợp nhất, không còn một thực thể là “cơ quan thanh tra” trong bộ máy nhà nước, chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vẫn được đội ngũ cán bộ thanh tra viên trước đây nay thuộc cơ quan Ủy ban Kiểm tra -thanh tra thực hiện, nhưng trên danh nghĩa là cơ quan của Đảng.
Bên Đảng, cơ quan Ủy ban Kiểm tra vẫn tồn tại nhưng giờ có phạm vi, quy mô tổ chức bộ máy lớn hơn, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn sẽ rộng hơn do gộp thêm cả phần của cơ quan thanh tra trước đây.
Theo một báo cáo nội bộ về vấn đề trên cho biết, ở những địa phương tiến hành thí điểm đồng loạt cấp huyện như Yên Bái, hay cấp tỉnh như ở Hà Giang thì cơ quan thanh tra cấp huyện sẽ không còn, nhưng chức năng của cơ quan thanh tra vẫn được thực hiện.
Hệ quả là, sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, hay đánh giá hiệu quả hoạt động trong hệ thống cơ quan thanh tra bị ảnh hưởng khá nặng nề. Bởi lẽ, với cấp tỉnh như ở Hà Giang, mối liên hệ giữa Thanh tra Chính phủ và hoạt động thanh tra ở Hà Giang gặp khó khăn do địa phương này không còn cơ quan thanh tra cấp tỉnh.
Việc đánh giá hiệu quả công tác hay bình xét thi đua cuối năm sẽ không thể thực hiện ở cấp tỉnh Hà Giang trong khi hệ thống tổ chức bên Đảng chưa có đủ căn cứ pháp lý, chính trị để đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh tra do chỉ có chức năng, nhiệm vụ với công tác kiểm tra bên Đảng. Vướng mắc này cũng xảy ra với Yên Bái khi cơ quan thanh tra cấp tỉnh rất khó để giữ mối liên hệ trong hệ thống với hoạt động thanh tra cấp huyện.
Bên cạnh thực tế sau khi hợp nhất, việc một ban của Đảng thực hiện chức năng quản lý nhà nước vốn thuộc chức năng của hành pháp, trong khi bộ máy nhà nước sẽ bị thu hẹp lại do khuyết một chức năng, thì một câu hỏi lớn cho vấn đề này là khi thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, thì chức năng kiểm soát tài sản thu nhập được quy định cho cơ quan thanh tra sẽ do chủ thể nào thực hiện ở những địa phương đã hợp nhất?
Nếu do bộ phận thực hiện chức năng thanh tra trong cơ quan Ủy ban Kiểm tra -Thanh tra thực hiện thì vẫn do Đảng thực hiện.
Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn về kiểm soát quyền lực nhà nước và tính hệ thống trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khi cùng với việc hợp nhất các cơ quan khác nữa trong tương lai, thì tổ chức bộ máy trong hệ thống Đảng sẽ mở rộng ra rất nhiều, trong khi hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước sẽ thu hẹp lại.
Và quan trọng hơn, tổ chức bộ máy nhà nước hoạt động chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật. Trong lúc đó thì lại không hề có luật về hoạt động của đảng chính trị; và hiến pháp còn trao đặc quyền cho đảng cộng sản “lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội” (Điều 4.1).