Việt Nam Thời Báo

VNTB – Huế sắp có biến?

Hương Giang

(VNTB) – Người dân đồn đoán vậy khi hôm rày đất thần kinh có những đoàn kỵ binh rảo quanh xứ Huế.

Hàng ngày, đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh được cho là đang tập luyện đi từ trong Kinh thành Huế qua cửa Ngăn để hướng về cầu Phú Xuân. Sau lễ duyệt binh ở quảng trường Ngọ Môn, đoàn qua cầu Phú Xuân hướng về đường Lê lợi, qua cầu Trường Tiền vòng lên đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn rồi qua cầu Dã Viên hướng về đường Lê Lợi, kết thúc ở bến xe Nguyễn Hoàng.

Cảnh sát cơ động kỵ binh được trang bị súng tiểu liên MP-5, máy bộ đàm và dùi cui. 40 ngựa được mặc giáp, mắt kính.

Tin tức cho biết đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung được thành lập theo quyết định ngày 15-1-2020 của Bộ trưởng Bộ Công an với chức năng, nhiệm vụ chính là huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh trật tự; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa… Sẵn sàng nhận và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có mệnh lệnh của lãnh đạo cấp trên.

“Thời gian qua, lực lượng cảnh sát nói chung, cảnh sát cơ động nói riêng đã đóng vai trò quan trọng thực hiện các biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trước sự manh động, phức tạp của tội phạm, cũng như tình trạng bạo loạn, chống người thi hành công vụ diễn ra trong thời gian gần đây, đòi hỏi tổ chức cảnh sát cơ động cần phải được hoàn thiện hơn nữa nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quá trình xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đáp ứng nhu cầu này, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã nghiên cứu và thành lập Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh nhằm từng bước tăng cường năng lực, sức chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát cơ động.

Đây là một lĩnh vực mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như kỹ năng trong công tác huấn luyện nghiệp vụ, bên cạnh đó thì cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đối với lực lượng này còn hạn chế, nhưng với sự quyết tâm của Bộ Công an, của Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, không ngại khó, ngại khổ của các cán bộ, chiến sĩ, Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận” – trích một báo cáo tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6-2020.

Theo giới phóng viên chuyên trách mảng quốc tế thì ở xứ người, ngoài dẹp loạn và biểu diễn, kỵ binh đa phần hoạt động trong công tác tuần tra. Sự hiện diện của cảnh sát trên lưng ngựa đặc biệt gây ấn tượng rất mạnh và vì vậy ảnh hưởng tích cực tới an ninh chung.

Như vậy, trong bối cảnh đô thị hay kẹt xe như Sài Gòn, nơi từng có những cuộc xuống đường biểu tình nổi tiếng nhất nhì miền Nam từ trước năm 1975 đến nay, thì sử dụng kỵ binh để trấn áp đoàn biểu tình cho thấy dễ đưa đến sự kích động bạo lực hơn là răn đe. Xảy ra gần nhất về chuyện này đó là hồi tháng 5-2020, hưởng ứng phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da màu quan trọng) tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, đám đông cũng xuống đường tại nhiều thành phố, trong đó có London.

Truyền thông Anh dậy sóng khi cảnh sát kỵ binh ở London đã tham gia dẹp biểu tình, dẫn tới một số tình huống ngoài ý muốn như một kỵ binh rơi xuống đất, và một con ngựa chạy tự do khiến người biểu tình chạy tán loạn.

Tuy nhiên nếu nhìn theo hướng tích cực thì kỵ binh có thể mang đến những mối thân thiện. Điều này đúng với một nghiên cứu của Công ty nghiên cứu quốc phòng RAND, trụ sở ở Mỹ. Theo nghiên cứu về giá trị của cảnh sát kỵ binh tại Anh, RAND cho biết họ nhìn thấy rằng cảnh sát kỵ binh khi tuần tra có mức độ tham gia tương tác ngẫu nhiên lớn hơn nhiều so với cảnh sát đi bộ.

Cụ thể, nghiên cứu cảnh sát kỵ binh khi tuần tra ở các khu vực lân cận có tương tác với công chúng nhiều gấp 6 lần thông thường. Các tương tác này bao gồm chào xã giao hay trao đổi ngắn với người dân. Mặc dù vậy, xét tổng thể về các cuộc trao đổi sâu hay tham gia tương tác công chúng nhìn chung, con số ở kỵ binh và cảnh sát đi bộ tuần tra tương đương nhau.

Nhưng tựu trung, sự hiện diện của kỵ binh là cách để thúc đẩy niềm tin của công chúng vào lực lượng thực thi pháp luật, cũng như tạo cảm giác thoải mái nơi công chúng khi tương tác với cảnh sát.

Chỉ có một lưu ý đó là những đánh giá đối với cảnh sát ở Anh, còn với Việt Nam thì lâu nay ai cũng biết về mức độ tai tiếng, vòi vĩnh ra sao của chuyện ‘kiếm bánh mì’…


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Con cháu chúng ta sẽ còng lưng trả nợ dùm chính phủ?

Trương Thế Tử

VNTB – Phe “ngựa” và phe “phi ngựa”

Phan Thanh Hung

VNTB – Thảm sát ở Huế –  Mậu Thân 1968: vết đen không thể tẩy rửa (*)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.