VNTB – Hung thần của người nghèo?

VNTB – Hung thần của người nghèo?

Hoàng Mai

(VNTB) – Kể từ sau năm 1975, nhiều người nói rằng có cảm giác không còn nhiều dân Gia Định ở lại Sài Gòn…

 

Sài Gòn, hai chữ thân thương ấy, có thể nói, vốn dĩ từ ngày xưa, là nơi lưu trú của nhiều lưu dân từ vùng ngoài vào khai khẩn đất đai phía Nam, được biết đến nhiều nhất là công của vua Nguyễn Hoàng – Nguyễn Ánh. Sài Gòn nói chung hay miền Nam nói riêng, đó còn là vùng đất của nhiều người từ phương Bắc, phản Thanh phục Minh, những văn tướng – võ tướng như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu…. Và họ nhận miền Nam là quê hương thứ hai của mình.

Theo dòng thời gian, Sài Gòn dần dần chuyển mình, vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất nhì Việt Nam với tỷ lệ đóng góp vào ngân sách cao nhất quốc gia.

“Sài Gòn, đúng là cái gì cũng cao, ăn một cuốn gỏi cuốn cũng đã 7.000 đồng, thế nhưng, ở Sài Gòn, nhiều người nói rằng, chỉ cần siêng năng, cần kiệm một chút, bên cạnh đó là không gặp khó khăn do chính con người gây ra, tuy không giàu như nhiều người, nhưng cũng đủ sống”, một bạn sinh viên đã tâm sự như vậy.

Thế rồi mùa dịch với giãn cách kéo dài, đã không chỉ làm cho nhiều doanh nghiệp phải khốn đốn, mà gây bao nhiêu cơ cực cho những người lao động bình dân, nhất là mưu sinh nơi hè phố.

Vui biết bao nhiêu khi biết rằng 1-10-2021 Sài Gòn dần mở cửa trở lại; hào hứng chấp nhận lãnh vé số bán trước, mặc dù phải đến 22-10-2021 mới bắt đầu xổ … Cuộc sống dần bắt nhịp trở lại, người chuẩn bị hàng hóa, người xem ngày mở cửa…. Cũng có người không cần định ngày, sáng tháo chốt là trưa bán luôn. Đường sá cũng đông đúc hơn. Những cảm xúc đó, có lẽ, không ít người quên được.

“Nhìn đông đúc vậy chứ cũng ế ẩm dữ lắm. Hồi chưa có dịch đó thì ngày cô lời được một trăm ngàn. Bây giờ lời chỉ có năm chục thôi. Cuộc sống nó sẽ xuống. Mình phải chấp nhận, nếu mà ở nhà nữa thì lấy gì sống”, bà Tuyết bán chè nơi hè phố Sài Gòn chia sẻ.

“Bán ế dữ lắm. Có phố đi bộ là đông người qua lại về đêm, mình ra đó bán, thì lại không an toàn. Không an toàn ở đây không phải do cướp giật gì mà là từ phía quản lý đô thị. Đã buôn bán khó khăn sau dịch, gặp đô thị là nó dí, nếu chạy không kịp là bị bắt rồi bị thu, lên đóng phạt. Đã ế, đã khó khăn, còn gặp vậy nữa”, bà Nga, đẩy xe bán hàng ăn uống trên nhiều con đường ở Sài Gòn kể.

“Đúng là vì mỹ quan đô thị, đúng là có những hàng gánh đầy vỉa hè, nhưng người với người, nó còn là cái tình. Tôi biết đó cũng là công việc của anh, chị. Nhưng khi chứng kiến tận mắt, thật sự không chửi thề là không được.

Một lần bắt gặp mấy anh áo xanh đô thị đi hốt người ở gần chợ Tân Định. Người ta quỳ xuống năn nỉ mấy anh, mấy anh lạnh lùng gạt tay người ta, lạnh lùng chất đồ lên. Bởi những hành động đó mà mỗi khi hành rong nghe tiếng có đô thị tới là lo chạy trước, chứ thu về, tiền đâu mà chuộc? Quản lý đô thị đúng là hung thần của người nghèo. Làm cho đô thị sạch, đẹp nhưng văn hóa đô thị thì lại không có”, một sinh viên chuyên ngành xã hội bức xúc.

Không dịch, buôn bán đã tương đối khó khăn. Có dịch, cái khó ấy lại càng được nhân lên nhiều lần với quãng thời gian liên tục kéo dài giãn cách, với cái gọi là chỉ thị 16 của cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với câu cãi “lý sự cùn” của phó thủ tướng Vũ Đức Đam, với tư duy “cách ly – xét nghiệm – truy vết – dập dịch” của bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Và rồi, khi đã quay về cuộc sống mưu sinh, lại gặp phải những “hung thần” mang tên quản lý đô thị. Giờ đây, không chỉ là lý do dọn dẹp đường sá mà còn là lá cờ chống dịch, đuổi chạy để không tập trung đông người. Buôn bán mà chui vào góc tối, vào nơi không người, có chắc sẽ có người mua?

Ừ thì thông cảm cho nỗi niềm của những vị ấy, cũng là vì cái chung, vì bảo vệ sức khỏe người dân. Nhưng rồi, ai thông cảm cho dân nghèo, dân khó khăn? Để rồi khi số ca nhiễm tăng, lại một lần nữa: đổ thừa do dân…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)