VNTB- Indochina Research: Khi hạnh phúc là món hàng để… ma mị

Thảo Vy
(VNTB) – Những thứ hạng đầy hạnh phúc trong đời sống, đầy lạc quan ở nền kinh tế mà Indochina Research đưa ra, thực chất cũng chỉ nhằm đáp ứng một hợp đồng dịch vụ nào đó cho tô son điểm phấn một thể chế…



Hạnh phúc trong chính trị và lạc quan trong kinh tế XHCN
Người Việt hạnh phúc đứng thứ 4, và lạc quan kinh tế đứng thứ 5 thế giới. Đó là công bố của tổ chức có tên Indochina Research, có trụ sở tại số 101 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM.
Indochina Research cho biết: “Với câu hỏi “Nhìn chung, cá nhân anh/ chị cảm thấy rất hạnh phúc, hạnh phúc, không hạnh phúc cũng không bất hạnh, bất hạnh hoặc rất bất hạnh về cuộc sống của anh/ chị?“, có 79% số người được hỏi tại Việt Nam trả lời họ hạnh phúc hoặc rất hạnh phúc và có 1% trả lời họ bất hạnh hoặc rất bất hạnh. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam (số % hạnh phúc trừ đi % bất hạnh) như vậy là 78%. So với 66 quốc gia được WIN/Gallup điều tra, chỉ số này đứng thứ 4.
Với câu hỏi “Theo ý kiến của anh/ chị, so với năm nay thì năm sau nền kinh tế của nước ta sẽ phát triển hơn, sẽ suy thoái đi hay vẫn không thay đổi?” 59% số người được hỏi tại Việt Nam cho rằng 2017 sẽ là một năm kinh tế phát triển, 12% nghĩ kinh tế sẽ xấu đi và 26% cho rằng kinh tế 2017 sẽ không thay đổi so với năm 2016. Chỉ số lạc quan kinh tế (% kinh tế phát triển trừ đi % kinh tế xấu đi) là 47%, cao thứ 5 trong số 66 quốc gia được điều tra”.
Như vậy, có thể nhận ra ngay rằng, hạnh phúc ở đây được hiểu là khảo sát với ngữ cảnh nằm trong tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” nằm sau quốc hiệu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Sẽ ít ai dám trả lời là mình “không hạnh phúc”.
Tương tự, mặc dù ai cũng biết rõ rằng là “chẳng ai biết nền kinh tế theo định hướng XHCN” là gì? Song Hiến pháp ghi Việt Nam là “nhà nước pháp quyền XHCN”, thì không lẽ lại có nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa như tất cả các quốc gia khác? Vậy là để “an toàn”, và cũng chắc rằng người dân khi được Indochina Research chìa ra bảng “lấy ý kiến” cũng chẳng biết tổ chức này là ai, nên một là lắc đầu từ chối trả lời; hai là chọn “câu nói làm quà”, bởi ai cũng thích chút nịnh nọt kia mà (!?)

700 tờ báo với 1 ông tổng biên tập
Sinh tiền, nhà báo Huỳnh Bá Thành có nói rằng ở Việt Nam sau 1975 có đến tới 700 tờ báo, nhưng chỉ có 1 tổng biên tập thôi. Các thế hệ làm báo đàn em (trong đó có người viết bài này) của họa sĩ Ớt, còn nhớ vài lần sau khi đi họp giao ban tuần của Tuyên giáo về, ông văng tục đại ý rằng “Hồi đó vẻ biếm gọi ông Thiệu là “Sáu Thẹo”, “Tổng thống Thẹo”. Gặp mặt, ông Thiệu cũng chỉ cười trừ. Còn giờ mình “nịnh” nó, nó còn tính phạt mình…”. “Nó” là ai, chắc chẳng cần phải nói ra.
Từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam có ngày “Báo chí cách mạng Việt Nam”, và giờ thì vẫn nguyên 1 tổng biên tập. Dài dòng như vậy để thấy rằng ở một quốc gia chỉ có 1 tổng biên tập, thì viện dẫn các chuẩn mực quốc tế – kiểu như Indochina Research – không mang nhiều ý nghĩa về kết quả mang lại. Nôm na, “chỉ số hành tinh hạnh phúc” (tiếng Anh: Happy Planet Index, viết tắt HPI, có tài liệu dịch là Chỉ số hạnh phúc hành tinh) là chỉ số do NEF (New Economics Foundation – một tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh ) công bố, thì chỉ có thể áp dụng ở những nước không độc đảng toàn trị như Việt Nam.

Thế nào là một quốc gia hạnh phúc?
Muốn biết một quốc gia thật sự có hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hay không, người ta nhìn vào cách xếp hạng từ Chỉ số Phát triển của Liên Hiệp Quốc, chứ không phải từ những mẫu câu khảo sát quá đơn giản và tối nghĩa của Indochina Research.
Chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia. Chỉ số này được phát triển bởi một kinh tế gia người Pakistan là Mahbub ul Haq và nhà kinh tế học người Ấn Độ Amartya Sen vào năm 1990.
Ở Việt Nam, hãy nhìn nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống bị suy giảm, con người ngày càng trở nên giả dối, nền văn hóa bị xuống cấp sẽ thấy rõ tất cả về chỉ số HDI. Năm 2015, Việt Nam được xếp hạng thứ 116, thuộc nhóm các quốc gia có chỉ số HDI trung bình. Thứ hạng này tăng 1 bậc so với năm trước đó.

Indochina Research khảo sát với những mẫu câu quá chung chung
Xin bàn thêm về chuyện khảo sát từ số lượng chỉ 700 mẫu của Indochina Research.
Dự án “Nghiên cứu tổng quan về cuộc sống người dân Việt Nam năm 2013”, thời gian khảo sát từ 25/04/2013 – 28/04/2013, dựa trên nhóm đáp viên trực tuyến Vinaresearch của Công ty TNHH W&S, 100% vốn Nhật Bản. Số mẫu khảo sát là 1.799 người, từ độ tuổi từ 16 trở đi.Nhóm khảo sát đã lập các biểu đồ về giới tính, độ tuổi, thu nhập gia đình hàng tháng, tình trạng hôn nhân, tình trạng con cái, vùng miền.
Kết quả, cứ 100 người được hỏi thì có đến gần 43 người cho biết cuộc sống 2013 có cải thiện hơn so với năm 2012. Trong đó, cả nam và nữ đều có nhận xét khá giống nhau về mức độ cải thiện này. Khi xét về độ tuổi, thì hơn 43% nhóm đáp viên 30 – 34 tuổi và trên 35 tuổi đều cho rằng cuộc sống hiện tại suy giảm so với năm trước. Trong khi đó, ở các nhóm tuổi nhỏ hơn, tỷ lệ này chỉ dưới 25%.
Mức độ thỏa mãn với cuộc sống hiện của đa số người được khảo sát là chưa cao, chỉ chiếm 24.6%. Trong khi đó, tỷ lệ người chưa thỏa mãn lên tới 47,6%. Cụ thể, tỷ lệ này ở nam và nữ lần lượt là 50,7% và 44,5%. Khi xét về độ tuổi, thì trên 45% đáp viên nhóm tuổi 25 – 29 và 30 – 34 nhận định chưa hài lòng về cuộc sống hiện tại. Tương tự, tỷ lệ này ở hai nhóm Thu nhập thấp và Thu nhập trung bình cũng chiếm trên dưới 55%.
Hạnh phúc gia đình là một trong những yếu tố được đánh giá là hài lòng nhất trong khía cạnh của cuộc sống, chiếm tỷ lệ 62,0% trong tổng số 1,799 đáp viên được khảo sát. Ngược lại, vấn đề Tài sản / tiền tiết kiệm và Thu nhập cá nhân có mức độ hài lòng khá thấp chỉ chiếm 14,1% và 16,9%.
Thời điểm tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa của 69,8% đối tượng được hỏi là Khi quây quần bên gia đình, đây cũng là yếu tố được chọn nhiều nhất. Ngược lại, Khi lướt web hoặc khi Chơi game không được nhiều người đánh giá là thời gian tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa chỉ chiếm khoảng dưới 20%.
Tập tài liệu báo cáo tóm tắt kết quả “Nghiên cứu tổng quan về cuộc sống người dân Việt Nam năm 2013”, tuy chỉ tiến hành trong thời gian 4 ngày, với số mẫu là 1.799, nhưng có đến 96 trang giấy khổ A4. Số liệu từ khảo sát này được dùng cho các công ty trong ngành quảng cáo, tiếp thị. Độ tin cậy ở đây dính liền đến những giá trị hợp đồng mua thông tin khảo sát từ các doanh nghiệp quảng cáo.

Nói như vậy để thấy rằng những thứ hạng đầy hạnh phúc trong đời sống, đầy lạc quan ở nền kinh tế mà Indochina Research đưa ra, thực chất cũng chỉ nhằm đáp ứng một hợp đồng dịch vụ nào đó cho tô son điểm phấn một thể chế…
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)