(VNTB) – Tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế dẫn đến xung đột về đánh bắt trái phép và cản trở việc thành lập một mặt trận thống nhất chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Indonesia và Việt Nam đã kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài để phân định ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai bên, đánh dấu một bước quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông.
Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo hôm qua tuyên bố rằng các cuộc đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế đã hoàn tất và một thỏa thuận đã được ký kết phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
“Sau 12 năm đàm phán căng thẳng, Indonesia và Việt Nam cuối cùng đã kết thúc đàm phán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của hai nước dựa trên UNCLOS 1982,” Jokowi nói, theo BenarNews.
Thông báo này được đưa ra sau khi ông Jokowi gặp Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Tổng thống Bogor ở Tây Java, trong chuyến công du cấp nhà nước trong ba ngày ở Indonesia. Hai lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy thương mại song phương tăng từ mức 12 tỷ hiện nay lên 15 tỷ USD vào năm 2028, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, du lịch và giáo dục.
Trong nhiều năm, Việt Nam và Indonesia đã đấu tranh để giải quyết các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông. (Một quốc gia có độc quyền đối với tài nguyên thiên nhiên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.) Trong khi đã ký một thỏa thuận về ranh giới thềm lục địa vào năm 2003, hai quốc gia này vẫn tranh cãi về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, phần lớn là do các quan điểm pháp lý khác nhau về việc phân định ra sao.
Điều này thường thể hiện rõ trong các vụ đụng độ về vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp và không theo quy định. Indonesia đã bắt giữ và phá hủy hàng chục tàu thuyền Việt Nam bị cáo buộc trộm đánh bắt cá trong vùng biển Indonesia.. Năm 2017, một tàu cảnh sát biển Việt Nam được cho là đã ngăn cản phía Indonesia bắt giữ các tàu cá của Việt Nam trong vùng biển tranh chấp.
Mặc dù vấn đề đã được giải quyết tương đối tốt, với việc cả hai bên đều cố gắng không để tranh chấp làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương, nhưng ranh giới chưa được giải quyết đã cản trở việc thành lập một mặt trận thống nhất hướng tới vấn đề được cho là cấp bách hơn đối với cả Việt Nam và Indonesia: sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước khi đạt được thỏa thuận ngày hôm qua, chi tiết của thỏa thuận chưa được công bố, ít nhất nằm một phần vùng đặc quyền kinh tế của cả hai bên đều nằm “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở gần hết Biển Đông.
Do đó, thỏa thuận này là một bước đáng hoan nghênh hướng tới việc giải quyết một loạt các tranh chấp còn tồn tại đã ngăn cản các bên yêu sách ở Đông Nam Á – đặc biệt là Malaysia, Việt Nam và Philippines – thành lập một mặt trận thống nhất chống lại sự bành trướng quá đáng hơn nhiều của Trung Quốc.
Như Xuan Dung Phan – khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore đã viết vào năm ngoái: “Vì các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc, một thỏa thuận phân định sẽ càng cho thấy cả hai nước đều bác bỏ yêu sách phi pháp của Bắc Kinh.”
BenarNews trích dẫn gợi ý của một chuyên gia Việt Nam rằng hiệp định hiện có thể khuyến khích Việt Nam thực hiện các hiệp định tương tự với Philippines và Malaysia.
___________
Nguồn: https://thediplomat.com/2022/12/after-12-years-indonesia-and-vietnam-agree-on-eez-boundaries/