VNTB – Kê biên tài sản trong tố tụng hình sự: coi vậy mà không hẳn vậy

VNTB – Kê biên tài sản trong tố tụng hình sự: coi vậy mà không hẳn vậy

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Liệu các cổ phiếu, thỏa thuận nhà đất trong vụ án có được coi là tài sản phải kê biên?

 

Theo đại diện Bộ Tư pháp, hiện các cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan ở các địa phương của vụ án Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng.

Căn cứ vào đâu để ‘kê’ và ‘biên’?

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp, báo chí đã đặt vấn đề về việc phong tỏa tài sản đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đổng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng các bị can khác trong 2 vụ án mà Bộ Công an đang điều tra.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), cho biết cơ quan thi hành án đang rất quan tâm tới vụ việc này. “Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo việc thi hành án về sau này” – ông Lợi nhấn mạnh.

“Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử” – ông Nguyễn Thắng Lợi nói, và cho biết cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan ở các địa phương đối với 2 vụ án nêu trên.

Biện pháp kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản quy định tại Điều 128, 129 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chỉ áp dụng trong các trường hợp sau: Thứ nhất, bị can, bị cáo, người bị buộc tội về  tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền; Thứ hai, tài sản của người bị buộc tội, bị can, bị cáo có thể bị tịch thu; Thứ ba, có bồi thường thiệt hại.

Tòa chưa lượng hình thì biết sẽ đền bao nhiêu mà kê biên?

Phạm vi kê biên tài sản là vấn đề có nhiều cách hiểu khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, tài sản kê biên phải thuộc sở hữu của bị can, bị cáo và chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.

Quan điểm thứ hai lập luận, luật quy định chỉ kê biên phần tài sản tương đương với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường, không bắt buộc tài sản kê biên phải đúng bằng số tiền phạt, tài sản bị tịch thu hoặc số tiền phải bồi thường mà có thể ít hơn hoặc nhiều hơn số tiền bị phạt, tài sản có thể bị tịch thu hoặc số tiền phải bồi thường thiệt hại.

Tại khoản 3 Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định “chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại”.

Quy định này của pháp luật là cần thiết vì không những để đảm bảo cho công tác thi hành án mà còn đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo không bị xâm phạm. Song ở chiều ngược lại làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng.

Hai từ “có thể”… được hiểu là phụ thuộc vào tương lai, chưa khẳng định bị can, bị cáo khi bị kết tội sẽ bị áp dụng chế tài dân sự bằng hình thức nào, trừ biện pháp tịch thu tài sản xác định được theo quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự 2015.

Càng khó hơn khi vận dụng cụm từ “chỉ kê biên phần tài sản tương ứng”, được hiểu là giá trị của tài sản bị kê biên phải đảm bảo ngang bằng với mức hình phạt bị can, bị cáo có thể bị áp dụng khi kết án.

Đối với tài sản chung thì việc kê biên trong giai đoạn điều tra càng phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót.

Bởi không chỉ là tài sản chung của vợ chồng mà theo Điều 207 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung”.

Điều đó có nghĩa cơ quan tố tụng phải điều tra xác minh nguồn gốc hình thành tài sản chung trong phạm vi rất rộng, liên đới tới nhiều mối quan hệ sở hữu chung, mới có thể tìm được đáp án chính xác cho việc kê biên tài sản, không xâm hại đến quyền lợi của các chủ sở hữu khác, tránh bị khiếu nại, tranh chấp.

Trên thực tế, việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản gặp rất nhiều khó khăn khi xác minh điều tra tài sản, tài khoản của bị can, bị cáo theo cách hiểu theo trình tự pháp luật như trên.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)