Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kênh đào Phù Nam – Techo của Campuchia gây lo ngại cho Việt Nam

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Kênh đào Funan Techo không chỉ đơn thuần là một dự án phát triển kinh tế – xã hội mà còn có giá trị lớn về quân sự và tác động mạnh đến tình hình quốc phòng, an ninh của cả khu vực

 

Việt Nam công khai lên tiếng lo ngại

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức loan tin trên phương tiện truyền thông, là, “Việt Nam cũng rất quan tâm đến dự án kênh Phù Nam Techo, và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong, quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực” – trích phát biểu của Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao.

Trung tuần tháng 10-2023, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai và dự Diễn đàn Vành đai và Con đường (BRF), Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chứng kiến ký kết 8 Biên bản ghi nhớ (MoU), trong các thoả thuận mới được ký kết giữa hai bên, bao gồm thỏa thuận khung về dự án kênh đào Phù Nam Techo. Thỏa thuận này sẽ cho phép Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của dự án trong vòng 8 tháng.

Kênh đào Phù Nam – Techo dự kiến có độ dài 180 km, sẽ đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep của Campuchia. Dự án vốn được chính phủ Campuchia phê duyệt hồi tháng 5-2023, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD và mất 4 năm để hoàn thành. Đây là dự án hậu cần đầu tiên kết nối sông Mekong trên lãnh thổ Campuchia với đường biển, nhằm mở rộng tiềm năng vận tải đường biển của Campuchia.

Cựu phát ngôn viên Chính phủ Campuchia Phay Siphan cho hay tuyến đường thủy này sẽ giảm khoảng cách vận chuyển hơn 69 km từ cảng tự trị Phnom Penh đến cảng tự trị Sihanoukville qua cảng Cái Mép của Việt Nam, cũng như 135 km từ cảng tự trị Phnom Penh đến cảng quốc tế Kampot.

Trong 10 năm qua, rất nhiều thành tựu bắt nguồn từ sự hợp tác trong khuôn khổ giữa Campuchia và Trung Quốc, bao gồm việc phát triển Đặc khu kinh tế Sihanoukville, Đường cao tốc Phnom Penh – Sihanoukville, Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor mới và Đường cao tốc Phnom Penh-Bavet.

Dự án Kênh đào Phù Nam – Techo có tên gọi ban đầu là Dự án Giao thông và Hậu cầu Tonle Bassac, được đổi tên như hiện nay tại kỳ họp toàn thể lần thứ 6 Quốc hội Campuchia vào ngày 19-5-2023.

 

Tính lưỡng dụng có liên quan đến quân sự yếu tố Trung Quốc

Hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh trong bài viết “Dự án Kênh đào Funan Techo: Lợi ích và Hệ lụy” đăng trên tạp chí Phương Đông hôm 25-3-2024 (chủ quản là Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Tổng biên tập tạp chí Phương Đông là Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng; Thư ký tòa soạn là Đại tá Công an, cựu Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân, ông Nguyễn Như Phong), được cho là ít nhiều phản ánh góc nhìn và mối bận tâm của chính phủ Việt Nam về Dự án này.

Theo đó, hai tác giả nêu vấn đề gọi là tính lưỡng dụng quen thuộc với những dự án liên quan đến đầu tư Trung Quốc:

Về công năng quân sự của Kênh, một số chuyên gia cho rằng, cần được xem xét theo khía cạnh Kênh đào Funan Techo có thể có chức năng lưỡng dụng. Tức là vừa được dùng cho dân sự phát triển kinh tế – xã hội, vừa được sử dụng cho hoạt động quân sự.

Tính “lưỡng dụng” được cho là yêu cầu mang tính phổ biến của Trung Quốc ở rất nhiều lĩnh vực, từ sản phẩm thông thường đến công nghệ cao cũng như đối với các hải cảng mà Trung Quốc đang sở hữu ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này.

Và như vậy, Kênh đào Funan Techo không chỉ đơn thuần là một dự án phát triển kinh tế – xã hội mà còn có giá trị lớn về quân sự và tác động mạnh đến tình hình quốc phòng, an ninh của cả khu vực”.

Giáo sư Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết vẫn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, xét về góc độ khoa học liên quan đến dự án. Ông nêu yêu cầu phải có một cuộc nghiên cứu độc lập trước khi kênh đào được khởi công, có thể gồm chuyên gia từ Campuchia và cả Việt Nam.

 

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tự do báo chí: Việt Nam không đồng cách hiểu với thế giới?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không nên cứ mãi đổ thừa thế lực thù địch

Do Van Tien

VNTB – Trả lại tài sản tôn giáo

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo