Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kép độc

Định Tường

 

(VNTB) – Một bậc thầy về kép độc, khuôn mẫu của kép lão; và ông – trong số ít – rất hiếm nghệ sĩ sở hữu, khai thác ở mức thượng thừa tài năng ca trong diễn – diễn trong ca.

 

Ông chính là nghệ sĩ Diệp Lang.

Theo tin từ gia đình của nghệ sĩ đang sinh sống tại San Diego – bang California (Mỹ), nghệ sĩ Diệp Lang (tên thật Dương Công Thuấn, sinh 4-3-1941) đã qua đời ngày 11-3 vì bệnh tim, thọ 83 tuổi. Sự ra đi của ông để lại nhiều thương tiếc cho gia đình, nghệ sĩ đồng nghiệp. Trước đó khá lâu, ông còn mắc chứng Parkinson khiến tay, chân run rẩy, nhưng tinh thần minh mẫn.

Ông sinh ra và lớn lên tại làng Bình Tiên, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp. Bước chân theo nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ từ năm 8 tuổi, nghệ sĩ Diệp Lang theo cha là thầy đàn Ba Diệp tham gia đoàn cải lương Tam Phụng.

“Diệp Lang”, theo cách dùng từ Hán Việt, tức là con của ông Ba Diệp. Ông Ba Diệp ở Sa Đéc những năm 40 là thầy đờn chuyên trị cây đờn kìm tài hoa trong các gánh hát Nam Kỳ.

Năm 12 tuổi, Diệp Lang bước lên sân khấu trong vở “Lấp sông Gianh” của Đoàn Cải lương Kim Thoa, rồi sau đó là đoàn Việt Hùng – Minh Chí, đến đoàn Phụng Hảo – Ba Vân…, nhưng đó cũng chỉ là những vai phụ, đến khi được soạn giả kiêm ông bầu Nguyễn Huỳnh (cũng là bạn của cha ông) đưa về đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ (Long An), ông mới được giao vai chính: hoàng tử trong vở “Chiếc nhẫn kim cương”. Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng, đây là quá trình học nghề và ông nhanh chóng tạo được niềm tin vì sự sáng dạ, thông minh.

Nghệ sĩ Diệp Lang được soạn giả Thu An giao cho đóng vai ông già 70 tuổi (người cha trong vở “Người anh khác mẹ”). Đó là vai diễn ghi dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của ông với Giải thưởng Thanh Tâm năm 1963.

Ký giả kịch trường Lê Huyền Ái Mỹ nhận xét về nghệ sĩ Diệp Lang rằng đây là một bậc thầy về kép độc, khuôn mẫu của kép lão; và ông – trong số ít – rất hiếm nghệ sĩ sở hữu, khai thác ở mức thượng thừa tài năng ca trong diễn – diễn trong ca.

Ông, không phải là người có lợi thế về hơi, giọng. Nhưng ông có đủ chất và nội lực để biến hóa cái tưởng chừng bất lợi ấy thành sự phục vụ một cách hữu ích cho từng nhân vật mà ông đảm nhận.

Chất ấy trước hết là “nhịp trong máu” – điều này ông và người bạn diễn trong vở diễn kinh điển Đời cô Lựu (soạn giả: Trần Hữu Trang) là nghệ sĩ Bạch Tuyết tương đồng (và cả nghệ sĩ Ngọc Giàu). Họ nằm lòng dây đờn. Vì chắc nhịp nên họ tung hứng, quăng bắt, nhịp nội – ngoại họ ra vào thần sầu. Trong tình huống này, nếu thầy đờn, nhạc công không chắc tay, có khi bị luống cuống “rớt” như chơi!

Thứ đến là câu vô vọng cổ, xuống hò có thể không là lợi điểm nhưng ca lòng bản, với sự phân và phối nhịp như đã nói thì mới thấy rõ tài cao thấp. Hơn thế, đặc biệt trong ca bài bản, nhất là ở những bài thuộc Bắc – Oán thì cả ông và nghệ sĩ Bạch Tuyết đều đích thị là bậc thầy.

Họ dày dặn trong xử lý kỹ thuật, họ hiểu biết trong thể hiện nội dung và hòa quyện cả hai yếu tố đó bằng tài năng ca trong diễn – diễn trong ca, tức biểu diễn bài ca bằng tâm trạng, tính cách, tình huống của nhân vật. Những cái tên diễn viên biến mất. Chỉ còn tâm hồn, tài năng, sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở lại, nuôi dưỡng, truyền đến khán giả…” – Lê Huyền Ái Mỹ, viết không tiếc lời vinh danh như vậy.

Trong ấn tượng của nhiều khán giả thuở ấu thơ là… ghét Diệp Lang. Bởi ông đóng nhiều vai phản diện, vai nào cũng đi đến tận cùng cảm xúc khiến người xem đã nhầm lẫn giữa diễn viên và nhân vật.

Một số khán giả bày tỏ rằng dù ghét vẫn ghiền coi ông diễn. Coi để xem nhân vật của ông dẫn dắt mình tới đâu, để xem mình nổi giận với cái ác, cái xấu đến mức nào. Và biến hóa của ông là muôn hình vạn trạng. Và dù là người đóng vai phản diện thuộc bậc thầy nhưng khán giả mê mệt với từng trạng thái cảm xúc của ông.

Cho đến tận ngày nay, nhiều khán giả miền Tây vẫn giữ thói quen gọi nghệ sĩ Diệp Lang là “Ông Hội đồng”. Nguyên nhân bởi hai vai diễn mà nghệ sĩ Diệp Lang hóa thân là ông Hội đồng Thăng trong vở “Đời cô Lựu”; và Hội đồng Dư ở vở “Tiếng hò sông Hậu”.

Nghệ sĩ Diệp Lang đã về cõi mênh mông nhưng làng sân khấu, khán giả vẫn mãi nhớ về ông với những vai diễn như tạc, như in vào tâm trí người mộ điệu cải lương.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Người lao động khó kiếm được việc làm ổn định

Do Van Tien

VNTB – Vì sao đề nghị nghề làm nước mắm là văn hóa phi vật thể?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Luồng Quan Chánh Bố kém hiệu quả là điều đã được cảnh báo trước

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo