Hoàng Mai
(VNTB) – Nhiều người nói vui, đặc sản ở Sài Gòn là kẹt xe.
Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025 được Chính phủ ban hành, theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cùng Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phải “Nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030”.
Cũng theo Nghị quyết 48, nêu rõ để tiếp tục giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020; áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Có thể nói, hình ảnh từng dòng xe đứng san sát nhau, đứng chờ ở nhiều con đường, nhiều bùng binh… là điều hoàn toàn không khó kiếm, nhất là mỗi khi tan tầm. Nhiều người nói vui, đặc sản ở Sài Gòn là gì, là kẹt xe.
Nhắc đến kẹt xe, có lẽ, nhiều người sẽ lắc đầu ngao ngán. Cũng đúng thôi, sau một ngày làm việc mệt mỏi, sau buổi học căng thẳng, lúc về, lại gặp cảnh kẹt xe, hỏi ai mà chẳng… ngán…
Mừng nhất, khỏe nhất, có thể nói là dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Những dòng người ùn ùn trở về quê, Sài Gòn tạm yên ắng trong khoảng thời gian dài ngày ấy, không còn nhiều khói xe, cũng không còn nhiều tiếng kèn, không còn nhiều cảnh kẹt xe.
Và cái Tết cổ truyền ấy, ở năm 2021, đã kéo dài đến tận mấy tháng trời (từ ngày 9-7-2021 cho đến 1-10-2021). Một Sài Gòn không còn cảnh kẹt xe, không còn cảnh dòng người tấp nập, hối hả với cuộc sống mưu sinh, không còn cảnh chen nhau mà chạy nhanh về nhà… thay vào đó là hình ảnh từng đoàn người ở chợ Bình Điền bị bắt đi cách ly tập trung, từng hàng shipper đứng đợi giao hàng giùm cho khách hàng… Một Sài Gòn buồn.
“Mình theo dõi từng thời kỳ. Lúc mới mở giãn cách, bắt đầu có xe cộ đi lại. Rồi mấy tháng sau đó, xe cộ bắt đầu đông hơn, đó là một tín hiệu vui, bởi thành phố đang dần bình thường, dù đó chỉ là giai đoạn của bình thường mới. Sau đó, là cảnh kẹt xe quen thuộc ở nhiều ngã đường, cảnh xe hơi lấn xe máy, cảnh tấp nập… không biết người khác thế nào, chứ mình vui lắm, vì thành phố đã thật sự hồi sinh sau cơn đại dịch, sau hàng loạt những quy định nghiêm ngặt về giãn cách – cách ly”.
Nếu cho lựa chọn giữa kẹt xe mà cho thấy tín hiệu thành phố đã trở lại, đã bình phục trước đại dịch Covid-19 với sự trống trải do giãn cách, do cách ly, có lẽ, tôi cũng sẽ chọn kẹt xe. Vì dù có kẹt xe, nhích chân vẫn có thể về tới nhà, vẫn có thể bình yên, sum họp với gia đình.
Nhớ lại lời của một giảng viên, mỗi vấn đề đều có nhiều khía cạnh, đứng mỗi góc độ khác nhau sẽ nhìn ra vấn đề khác nhau.
Nếu như nhìn kẹt xe là một tín hiệu của thành phố hồi sinh sau đại dịch; nhìn dòng người đông đúc, tấp nập là một tín hiệu tốt của khôi phục nền kinh tế, có lẽ, sẽ không nghĩ đến việc hạn chế xe gắn máy. Nếu nghĩ cho đời sống cũng như sức khỏe người dân, sẽ không tiến tới dừng hoạt động của xe gắn máy ở một số địa phương.
Nếu xem việc thực hiện Nghị quyết NQ-CP-2022 là khó khăn một, thì những ảnh hưởng, hậu quả mà người dân phải gánh chịu, là gấp nhiều lần con số đó…
2 comments
Không cần hạn chế xe gắn máy đâu,chỉ cần chính phủ phát truyển kinh tế cho các vùng miền đồng đều thì tự nhiên hết kẹt xe.lúc đó người không đổ dồn về các thành phố lớn để mưu sinh,tạo sự cân bằng giữa các vùng miền,giống như tết họ về quê ăn tết vậy.điều cần thiết là chính phủ,phải cân bằng cho được phát truyển kinh tế giữa các vùng miền.
Theo luồng tư duy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản cũng là điều tốt . Đặc sản của VN & Trung Quốc có thể xem là sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản