VNTB – Kẹt xe, đèn giao thông, báo Tuổi trẻ, tính tò mò và tư duy phê phán

VNTB – Kẹt xe, đèn giao thông, báo Tuổi trẻ, tính tò mò và tư duy phê phán

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Chỉ khi những người làm báo trẻ đứng lên làm nhiệm vụ phê phán của người làm báo thì mới mong có ngày đèn giao thông ở đất nước ta mới có trí tuệ nhân tạo!

 

Theo báo Tuổi trẻ, tối 25/11/2022, giao thông qua khu vực ngã tư Ung Văn Khiêm – Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, Sài gòn trở nên hỗn loạn, xe cộ kẹt cứng ngắt khi cột đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư này gặp sự cố, cứ giữ màu vàng hoài. [1]

Một người dân khu vực cho hay, bình thường, khu vực này cũng thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông do lượng lớn xe cộ tập trung vào giờ cao điểm. Nhưng hôm nay, đèn giao thông gặp sự cố nên gây ra ùn tắc nghiêm trọng. Sau vài giờ, cảnh sát giao thông, công an trật tự và các nhân viên sửa điện đã có mặt để sửa chữa thùng điện của trụ đèn giao thông và phân luồng đường.

Bài báo đưa tin nầy đăng hình hàng ngàn người đi làm về bị kẹt xe rất dài trên hai đường Ung Văn Khiêm và Nguyễn Gia Trí. Bài báo nầy dùng 245 chữ (khoảng nữa trang) để đưa tin. Bài báo không nói nguyên nhân tại sao đèn đường hư, không quy trách nhiệm giải trình về sự cố cho bộ phận nào của nhà nước, không một lời thừa nhận rằng người dân kẹt xe đã tổn hại như thế nào, cũng như không thèm tò mò để nghĩ làm sao trong tương lai có thể tránh vụ việc như thế nầy xảy ra lần nữa.

Hãy để chúng ta có một chút tò mò về các nguyên tắc của đèn giao thông. Đèn giao thông được thiết kế để quản lý an toàn giao thông xe cộ, xe đạp và người đi bộ. Có hai loại chính: thời gian cố định và điều khiển động. [2]

Tín hiệu giao thông có thời gian cố định sử dụng bộ hẹn giờ để thay đổi đèn theo một khoảng thời gian cố định. Chúng có thể ngắn tới 30 giây hoặc dài tới vài phút, tùy thuộc vào dữ liệu giao thông lịch sử của các ngã tư đường. Những đèn giao thông này sử dụng bộ điều khiển tín hiệu cơ điện, có các bộ phận có thể điều chỉnh bằng tay và bộ hẹn giờ quay số. Điều này cho phép đèn chuyển đổi và giữ màu sáng trong khoảng thời gian định trước.

Các hệ thống động điều khiển đèn giao thông hoạt động bằng cách điều chỉnh thời gian theo các điều kiện giao thông. Các hệ thống động sử dụng một máy dò có thể giao tiếp với hệ thống điều khiển đèn giao thông để khi giao lộ bị kẹt, hệ thống sẽ điều chỉnh thời gian để lưu lượng giao thông vận hành tốt hơn.

Các hệ thống động thường sử dụng máy dò cả trên mặt đường và phía trên đèn. Khi một chiếc xe chạy qua thiết bị đặt bên dưới mặt đường, thiết bị nầy sẽ gửi tín hiệu đến hệ thống điều khiển. Điều này cho hệ thống biết liệu chỉ có một xe đang chờ để đi qua ngã tư, nhiều ô tô hay không có xe nào.

Bạn có thể đã nhận thấy hiệu ứng này trước đây. Nếu bạn đã từng lái xe đến một ngã tư vắng và đèn chuyển sang màu xanh một cách kỳ diệu, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn đã hoàn thiện năng lực điều khiển từ xa của mình. Thường là do các thiết bị dò bên trên và bên dưới đường đã “nhìn thấy” xe của bạn và điều chỉnh thời gian cho phù hợp.

Tương lai của hệ thống động có vẻ tươi sáng! Tại Bengaluru, Ấn Độ, nơi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng tắc đường kéo dài và tốc độ trung bình trên một số con đường vào giờ cao điểm chỉ là 4km/h, hãng Siemens Mobility đã xây dựng một hệ thống giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo thông qua các máy hình video trên đường. [3] Các video nầy tự động phát hiện xe và thông tin này được gửi trở lại trung tâm điều khiển nơi các thuật toán ước tính mật độ giao thông trên đường. Sau đó, hệ thống sẽ thay đổi đèn giao thông dựa trên tình trạng tắc nghẽn đường theo thời gian thực.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Alan Turing ở London và Toyota Mobility Foundation gần đây đã cùng nhau khởi động một dự án mới nhằm khám phá cách các hệ thống quản lý giao thông có thể trở nên năng động và phản ứng nhanh hơn thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. [3] Nhóm nghiên cứu hiện đang sử dụng các mô phỏng mở rộng quy mô phức tạp để tìm hiểu cách dự đoán các thay đổi trong lưu lượng giao thông. 

Ở Pittsburgh bên Mỹ, các nhà nghiên cứu đã làm việc với các nhà quản lý thành phố về một phương pháp tương tự đã được áp dụng trong thành phố từ năm 2012. Một hệ thống kiểm soát giao thông thích ứng được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Robotics, Đại học Carnegie Mellon, đã được một công ty triển khai khắp thành phố. Hệ thống nầy đang được sử dụng tại 50 ngã tư ở Pittsburgh và kể từ khi ra mắt, hệ thống đã giúp giảm thời gian chờ đợi tại các ngã tư tới 40%, thời gian di chuyển trong thành phố đã giảm 25% trong khi lượng khí thải từ xe đã giảm tới 20%.

Hệ thống nầy cũng sử dụng video để tự động phát hiện số lượng người tham gia giao thông, bao gồm cả người đi bộ và các loại phương tiện đang ở trên đường. Sau đó, phần mềm trí tuệ nhân tạo sẽ xử lý thông tin này từng giây một để đưa ra cách tốt nhất để điều khiển giao thông, thay đổi đèn giao thông tùy thuộc vào cách tối ưu nhất để duy trì mạch chảy. Các quyết định có thể được đưa ra một cách tự động và được chia sẻ với các tuyến đường lân cận để giúp toàn hệ thống giao thông “hiểu” những gì sắp xảy ra.

Các hệ thống tự động cũng đang trở nên tốt hơn trong việc phân biệt giữa số lượng lớn người tham gia giao thông, do đó, có thể ưu tiên xe cứu thương, xe chữa lửa, người đi xe đạp và xe buýt, góp phần cải thiện độ an toàn cho mọi người. Duy trì lưu lượng giao thông cũng có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng do các xe chạy không tải khi đứng yên và cải thiện chất lượng không khí. Như vậy cũng có thể giúp cắt giảm khí thải và do đó giúp giảm tác động đến môi trường. Hệ thống tự động có thể làm cho việc chạy xe trở nên dễ dàng hơn và cắt giảm thời gian lái xe để người dùng xe có thể làm các công việc khác.

Mặc dù trí tuệ nhân tạo đang giúp tạo ra mạng lưới giao thông thích ứng với như cầu giao thông ngày càng tăng, nhưng yếu tố con người cũng rất quan trọng. [3] “Khi các thành phố dựa vào các thuật toán để điều hành giao thông, cách làm nầy sẽ trở nên khó hiểu bởi mọi quyết định dần dần dựa vào máy tính,” một biên tập viên của một tạp chí công nghệ trực tuyến cho biết. “Người dân sẽ ngày càng khó hiểu lý do tại sao họ bị thay đổi hướng lái xe, bị chụp ảnh hoặc bị phạt vì vi phạm luật giao thông giữ khi lý do cho những biện pháp ấy được chôn giấu trong mã máy tính.”

Trở lại với cách đưa tin của báo Tuổi trẻ về vụ kẹt xe lớn ở quận Bình Thạnh, nhờ các người làm báo ở báo Tuổi trẻ hãy phê phán những gì đã xảy ra, đặt câu hỏi với những người có trách nhiệm, yêu cầu họ đề xuất giải pháp để tránh những điều tồi tệ như thế trong tương lai, và nếu đủ can đảm, hãy nói với những người có trách nhiệm rằng họ phải từ chức nếu những sự việc như thế này tiếp tục xảy ra.

Chỉ khi những người làm báo trẻ đứng lên làm nhiệm vụ phê phán của người làm báo thì mới mong có ngày đèn giao thông ở đất nước ta mới có trí tuệ nhân tạo! Nếu làm báo mà không tò mò, thì tại sao lại chọn nghề đưa tin cho người đọc?

Nguồn:

  1. https://tuoitre.vn/cot-den-xanh-dan-do-cu-vang-hoai-nga-tu-ung-van-khiem-nguyen-gia-tri-vo-tran-20221125195740829.htm
  2. https://secosouth.net/2021/10/how-do-traffic-light-control-systems-actually-work/
  3. https://www.bbc.com/future/article/20181212-can-artificial-intelligence-end-traffic-jams

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)