VNTB – Hệ lụy của quy định về đấu thầu trong y tế: chất lượng tốt nhất cho bệnh nhân sẽ bị đi tù?

VNTB – Hệ lụy của quy định về đấu thầu trong y tế: chất lượng tốt nhất cho bệnh nhân sẽ bị đi tù?

Thới Bình

 

(VNTB) – Hầu hết các bị cáo cho rằng chỉ lựa chọn loại sản phẩm y tế tốt nhất cho bệnh nhân….

 

Ngày 28-11-2022, Tòa án nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử vụ ông Nguyễn Minh Khải, cựu giám đốc bệnh viện Mắt TP.HCM, và bảy đồng phạm vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Viện kiểm sát truy tố các bị cáo Khải và Phí Duy Tiến, Nguyễn Trí Dũng, Võ Thị Chinh Nga (cùng là cựu phó giám đốc); Phan Thị Bích Hạnh (cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán); Nguyễn Đỗ Nguyên (cựu Trưởng khoa Tổng hợp); Lương Ngọc Tuấn (cựu phó Trưởng khoa khám mắt); Nguyễn Quốc Toản (cựu Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức) theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ 10-20 năm tù.

Cáo trạng xác định bị can Khải là người chủ mưu, cầm đầu, đã chỉ đạo, định hướng can thiệp đấu thầu trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và người bệnh là 14,215 tỷ đồng.

Hồ sơ thể hiện Bệnh viện Mắt TP.HCM trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Năm 2018, bệnh viện tổ chức thực hiện gói thầu để mua sắm hơn 53.000 thủy tinh thể nhân tạo. Để thực hiện gói thầu, ngày 19-1-2018, ông Khải chủ trì cuộc họp và ký quyết định phê duyệt dự toán gói thầu có tổng vốn đầu tư 184 tỷ đồng, bằng nguồn vốn thu từ viện phí, quỹ bảo hiểm y tế…

Đồng thời, ông Khải phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu giá rộng rãi trên toàn quốc. Khi phê duyệt hồ sơ mời thầu, ông Khải đã chỉ đạo bổ sung tiêu chí chấm kỹ thuật “ý kiến đánh giá của hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu”.

Cáo trạng xác định với việc tự ý bổ sung tiêu chí chấm kỹ thuật “ý kiến đánh giá của hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu”, dẫn tới việc ông Khải và đồng phạm đã vi phạm hàng loạt các nguyên tắc về đấu thầu, nên khi ký các hợp đồng mua 14.800 thủy tinh thể đã gây thiệt hại hơn 14,2 tỷ đồng.

Toàn bộ 14.800 thủy tinh thể đã được bệnh viện Mắt TPHCM sử dụng mổ phẫu thuật Phaco, thay thủy tinh thể nhân tạo cho người bệnh. Từ đó, người bệnh phải chịu chi phí thanh toán giá trị thủy tinh thể bằng giá bệnh viện Mắt TP.HCM mua theo quyết định trúng thầu. Trong đó, Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chênh lệch tăng hơn 5,2 tỷ đồng, người bệnh đã thanh toán chênh lệch tăng gần 9 tỷ đồng.

Trả lời xét hỏi đầu tiên, bị cáo Nguyễn Trí Dũng – phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết trong việc đấu thầu “mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018”, ông Dũng là thành viên hội đồng đánh giá hàng mẫu, thành viên bên mời thầu.

Theo ông Dũng, có 3 tiêu chí đánh giá hàng mẫu là trước mổ, trong mổ và sau mổ. Cụ thể, trước mổ bao bì còn nguyên vẹn không, trong mổ thao tác dùng có dễ dàng không, sau mổ quan sát trên bệnh nhân sau một thời gian có còn trong suốt như lúc ban đầu không.

Ông Dũng cho rằng ông chỉ chấm trên sản phẩm, chứ không biết tên các công ty dự thầu. Đánh giá hàng mẫu chỉ là một trong 7 tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Để trúng thầu còn nhiều tiêu chí khác như hồ sơ năng lực, giá… Đánh giá hàng mẫu không phải là yếu tố quyết định trúng thầu. Ông Dũng cho rằng việc đánh giá hàng mẫu dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ. Các bác sĩ làm chuyên môn chỉ quan tâm sản phẩm nào thích hợp với từng tình huống, từng bệnh nhân, chứ không quan tâm đến giá sản phẩm.

“Khi lựa chọn sản phẩm đấu thầu thì bị cáo chọn sản phẩm mình đã dùng quen tay, tốt cho bệnh nhân. Sau này làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận ra việc lựa chọn này là chủ quan theo kinh nghiệm lâm sàng của cá nhân bị cáo”, ông Dũng nói.

Chủ tọa hỏi ông Dũng rằng đối với các sản phẩm tương đương tính năng kỹ thuật phải chọn sản phẩm giá thấp hơn đúng không, ông Dũng cho rằng bác sĩ chỉ thực hiện chứ không quan tâm đến giá của bất cứ sản phẩm nào.

Về việc cáo trạng xác định Nhà nước và bệnh nhân thiệt hại 14,2 tỷ, ông Dũng cho rằng thiệt hại như cáo trạng nêu là có căn cứ. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng khi bệnh nhân vào bệnh viện thì họ tự chọn sản phẩm, chứ bác sĩ không bắt bệnh nhân phải chọn loại này hay loại kia, bác sĩ cũng không biết giá sản phẩm.

“Bản thân bị cáo làm bác sĩ theo nghiệp cha. Bị cáo chỉ làm công việc chuyên môn. Việc đấu thầu bị cáo không có chuyên môn, không nắm rõ quy định đấu thầu. Bị cáo đã khắc phục 500 triệu đồng”, ông Dũng nói.

Tại tòa, bị cáo Lương Ngọc Tuấn – phó trưởng khoa khám mắt – cũng khai việc đánh giá hàng mẫu dựa vào kinh nghiệm của bản thân là chính và cũng có tham khảo bằng cách “hỏi qua hỏi lại anh em”.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao đánh giá không đạt đối với sản phẩm của Công ty Codupha, ông Tuấn cho rằng do sản phẩm Carl Zeiss của Đức được sử dụng nhiều năm trong bệnh viện Mắt và thế giới. Các bác sĩ chọn loại tốt nhất để mổ cho bệnh nhân.

Về thiệt hại, ông Tuấn cho rằng ông chỉ mổ thôi, còn sản phẩm thì bệnh nhân tự chọn. Ông không chọn lựa nên không biết giá các sản phẩm chênh lệch như thế nào, cái nào giá cao, cái nào giá thấp.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Quốc Toản – trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức – khai khi chấm hàng mẫu lần 1, ông dựa vào chuyên môn, kinh nghiệm để chấm…

Bên lề của vụ án trên, theo một nhận xét của bà Phạm Khánh Phong Lan, cựu phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thì trong chuyện đấu thầu hiện nay đúng là thiếu một tiêu chí rất quan trọng là đánh giá của bác sĩ điều trị về sản phẩm y tế đó hiệu quả ra sao, phải lượng hóa và công khai bởi hội đồng điều trị.

Dù đánh giá này theo bà Phạm Khánh Phong Lan có thể hơi cảm tính, sau này khi cơ quan kiểm tra vào có thể kết luận sao không chọn loại rẻ hơn. Song bản thân bác sĩ với quá trình ăn học, lương tâm nghề nghiệp, lời thề Hippocrates, khi chọn sản phẩm y tế phải có hiệu quả điều trị cho người bệnh.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)