Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khẩu với chả trang!

Nguyễn Nam

(VNTB) – Tính đến trung tuần tháng 2-2020, khẩu trang y tế tiếp tục khan hiếm. Báo chí đưa tin ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) đang bắt đầu sử dụng xen kẽ khẩu trang vải với khẩu trang y tế.

Câu hỏi đặt ra: Hơn 2,5 triệu khẩu trang y tế sản xuất mỗi ngày ở TP.HCM được bán đi đâu?

Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM về khẩu trang y tế cho biết năng lực sản xuất của 20 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trên địa bàn là 2.532.000 cái/ngày. Trong đó, cung cấp cho bệnh viện 241.500 cái/ngày, nhà thuốc 364.000 cái/ngày. Lượng cung cấp cho các tỉnh, thành, hệ thống siêu thị, đại lý bán hàng… 1.926.500 cái/ngày.

Tuy nhiên hiện tại thì người dân không thể mua được khẩu trang y tế. Ngay cả hiệu thuốc trong các bệnh viện cũng không bán lẻ khẩu trang y tế cho thân nhân đang chăm nuôi bệnh. Lý do khách quan chung là không có đủ nguồn cung cho ngay cả nhân viên y tế, nói gì đến việc bán lẻ khẩu trang y tế cho người nuôi bệnh.

Báo Tuổi Trẻ ngày 13-2 đưa tin, “Ăn vội bữa cơm trưa, các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM tất bật người cắt, người may khẩu trang trong bối cảnh thị trường đang khan hiếm khẩu trang do người dân lo sợ dịch bệnh do virus corona chủng mới”.

Bài báo viết, “Với những vật dụng đơn giản và dễ tìm như giấy ăn, vải thun dệt, dây thun, một chiếc máy may mini và khoảng 1 phút, các nhân viên y tế ở đây đã cho ra đời 1 chiếc khẩu trang dùng cho cá nhân. Những chiếc khẩu trang tự may này vẫn có thể dùng được trong bệnh viện, ở những nơi ít người, không yêu cầu cao về vô khuẩn để hạn chế giọt bắn” (https://tuoitre.vn/bac-si-nhan-vien-benh-vien-tu-du-may-khau-trang-chong-dich-20200213134145921.htm).

Bài báo cho thấy một thực tế là ở ngay tại thành phố luôn tự hào được cho là đóng góp nguồn ngân sách lớn nhất cho quốc gia, và ngay tại bệnh viện sản lớn nhất miền Nam, khẩu trang y tế tối thiểu cho nhân viên y tế cũng đang thiếu thốn thì chuyện phòng, chống dịch sẽ ngày càng rất khó khăn. Điều này cho thấy vừa qua chỉ riêng cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất đã xuất ra nước ngoài (chủ yếu sang Trung Quốc) theo công bố là 36 tấn khẩu trang y tế (tương đương khoảng 16 triệu khẩu trang), là một quyết định nặng về yêu cầu chính trị của nhà chức trách, kể cả khi viện dẫn lý do nhân đạo.

Theo nhà chức trách công bố, đến ngày 13-2, TPHCM có 2.227 người nhập cảnh đang cách ly tại nhà; 27 người nhập cảnh được cách ly tập trung. Riêng người tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 (nCoV) đang có 18 trường hợp được cách ly tập trung, 11 trường hợp cách ly tại nhà. Số ca bị nhiễm Covid-19 là 3.

Trước thực trạng khan hiếm khẩu trang y tế ngay cả trong các bệnh viện, thì việc đảm bảo khẩu trang y tế cho 2.227 người nhập cảnh đang cách ly tại nhà, và những người thân đang cùng chung nhà này là khó thể bảo đảm về mặt an toàn phòng dịch lây lan. Trong bối cảnh đó, với thời gian ủ bệnh là 14 ngày, nếu vài hôm nữa học sinh trên toàn quốc sẽ đi học trở lại, thì không ai dám chắc việc bảo đảm về nguồn dịch sẽ không lây lan.

Yêu cầu về khẩu trang y tế đang rất cần thiết khi nguồn dịch bệnh cho thấy không phải dễ kiểm soát.

“Hải quan Lào Cai cũng đã làm thủ tục cho hàng trăm xe hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu qua cửa khẩu, tuy nhiên do thiếu công nhân bốc xếp nên việc thông quan vẫn còn chậm” – bản tin trên VTV ngày 12-2 cho biết như vậy (https://vtv.vn/kinh-te/thuc-day-thong-quan-hang-hoa-voi-trung-quoc-20200212185242328.htm). Thông quan càng chậm trong khi mậu biên đang mở ngay trong mùa dịch, có nghĩa nguồn lây nhiễm sẽ khó kiểm soát hơn, đặc biệt là khẩu trang y tế để giúp giảm thiểu nguồn lây dịch bệnh lại đang phải sử dụng hết sức dè sẻn vì thiếu thốn.

Một lưu ý khác, báo cáo nhanh của Bộ Lao động – thương binh và xã hội ngày 13-2 cho biết đến thời điểm này có 5.112 lao động người Trung Quốc đang được cách ly, theo dõi ở 41 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Báo cáo nêu chi tiết trong số 5.112 lao động này, có 248 người đã vào Việt Nam 14 ngày; trên 1.000 người vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10-14 ngày và gần 3.800 người vào Việt Nam dưới 10 ngày. Ở những điểm cách ly này nếu khẩu trang y tế không đáp ứng đầy đủ, thì hệ lụy sắp tới đây quả là chất chồng thêm âu lo.

Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn lockdown đợt này là đợt cuối?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không coi Covid là ‘giặc’ nữa, và cái giá của ‘hòa bình’

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai đang ‘tẩy chay’ người Sài Gòn?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo