Hà Nguyên
(VNTB) – Nếu căn cứ vào thời hiệu, thì hội đoàn tự phát – chẳng hạn như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, là không vi phạm pháp luật.
Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật thuộc Bộ Nội vụ, cho biết “Sắc lệnh luật số 102-SL/L-004 ngày 20-5-1957 quy định quyền lập hội”, vẫn còn hiệu lực.
Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Theo đó, tại Điều 2 của Luật quy định quyền lập hội, ghi: Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật.
Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội.
Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác”.
Điều 3, ghi: “Để bảo đảm việc lập hội có mục đích chính đáng, bảo vệ và củng cố chế độ dân chủ nhân dân, lập hội phải xin phép.
Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ quy định”.
Trải qua ngần ấy thời gian, Điều 3 nói trên hiện tại được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 21-04-2010.
Điều 3, Nghị định 45/2010/NĐ-CP, cho biết nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội, là: “1. Tự nguyện; tự quản; 2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; 4. Không vì mục đích lợi nhuận; 5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội”.
“Pháp luật” ở đây có thể hiểu là quy định liên quan về thủ tục hành chính nêu tại Điều 3 “Sắc lệnh luật số 102-SL/L-004 ngày 20-5-1957 quy định quyền lập hội”.
Như vậy trong cụ thể trường hợp hội đoàn dân sự là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam không thực hiện đầy đủ yêu cầu tại Điều 3 “Sắc lệnh luật số 102-SL/L-004 ngày 20-5-1957 quy định quyền lập hội”, cho thấy nếu có vi phạm ở Điều 3 nói trên, thì xử lý vi phạm cụ thể ra sao vẫn chưa được xác định bằng văn bản pháp luật liên quan, bởi theo quy định tại Điều 40 “Xử lý vi phạm” của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP:
“1. Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho phép thành lập hội trái với quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Ban lãnh đạo hội, người đại diện hội cố tình kéo dài thời hạn đại hội nhiệm kỳ do điều lệ hội quy định hoặc không chấp hành quy định về nghĩa vụ của hội thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Từ góc nhìn nêu trên, cho thấy mục tiêu kiến tạo nền tảng pháp lý phù hợp để thúc đẩy những hoạt động của các tổ chức xã hội hiện nay là dự án luật về hội tiếp tục là một dự luật có số phận khá thăng trầm.
Vốn có mục đích luật hóa Sắc lệnh số 102 năm 1957, cách đây đã 64 năm, dự thảo lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội bàn năm 2006 nhưng chưa được thông qua. Từ đó đến nay, đã có đến 15-16 lần sửa, dự thảo luật về Hội vẫn còn quá nhiều vấn đề tranh cãi, “nâng lên đặt xuống”.
Đã đến lúc làm luật không phải chỉ để có luật nữa, mà phải đổi mới tư duy: Luật vị nhân sinh và phát triển.
Theo cách hiểu đó, thay vì cơ quan hữu trách vẫn duy ý chí nhìn hoạt động xã hội dân sự độc lập như kiểu của ‘tự diễn biến’ – ‘tự chuyển hóa’, nên ‘điều chỉnh’ để ‘thuận thiên’ hơn, bao hàm ba cách tiếp cận mà Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đặt ra, đó là: quyền thành lập hội; quyền gia nhập hội; quyền hoạt động và điều hành hội và cuối cùng là quản lý nhà nước về hội với những cho phép hoặc hạn chế nhất định mà nhà nước thấy cần thiết.