Huỳnh Liên
Bạn đọc viết
(VNTB) – Nếu so sánh ông chức sắc tôn giáo cụ thể nào đó là “ngu như bò”, thì có lẽ là xúc phạm con bò nhiều hơn.
Luật Thú y 2015 đã dành riêng một điều quy định đối với vấn đề đối xử động vật.
Theo khoản 1 Điều 21 Luật Thú y 2015 quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm sau đây: Thứ nhất, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật. Mỗi loài động vật có những đặc tính, đặc điểm riêng nên tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật phải thực hiện việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp những đặc điểm riêng biệt đó nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo điều kiện tốt cho động vật phát triển ổn định.
Thứ hai, giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.
Trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học cần đề cao việc đối xử nhân đạo với động vật. Theo đó, tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp làm giảm thiểu đau đớn, sợ hãi cho động vật, bảo đảm động vật không bị đói khát, không khó chịu cả về thể chất và tinh thần, không bị đau đớn – thương tật – bệnh tật, tự do thể hiện các hành vi theo bản năng, không sợ hãi và lo lắng.
Như vậy, hiểu theo nghĩa nào đó thì việc ví một chức sắc tôn giáo là “ngu như bò”, rất có thể làm cho con bò được ví đó “khó chịu về tinh thần” như điều luật nêu trên của Luật Thú y.
Sở dĩ con bò có thể “khó chịu về tinh thần”, vì ở đây lẽ thường tình nếu đã chọn là con của đấng Như Lai thì dẫu bị người đời miệt thị, lăng mạ, hạ nhục đến đâu chăng nữa thì các vị này cũng không hề buồn phiền, bực bội chút nào. Do vậy, nếu vì bị chê là “ngu như bò” để rồi người khoác áo tu hành đó lại sửng cồ lên, thì quả tình con bò sẽ chịu tiếng oan, và “khó chịu về tinh thần” như điều luật của Luật Thú y là dễ hiểu.
Theo cách hiểu của cách nói dân dã, thì ngu như bò là câu thành ngữ chỉ những người ngốc nghếch, ngờ nghệch, chậm chạp.
Tại sao lại nói là ngu như bò, thì có lẽ là do nhìn mặt con bò không được sáng sủa, nhanh nhẹn như những con vật khác, mà lúc nào cũng chậm chạp, và có thể do bò cũng rất hiền nữa, hiền quá thì cũng thường bị coi là ngu, bò không hung hăng như trâu, nên bò lúc nào cũng được xếp sau cùng trong các loài gia súc.
Và ngu như bò thì còn được nói là: ngu như bò đội nón, ngu như bò đội xoong, ngu như bò tót, tiếng Anh câu này nghe đâu thì có thể viết: “Dull as a cow, stupid as cattle”.
Vậy thì nếu so sánh ông chức sắc tôn giáo cụ thể nào đó là “ngu như bò”, thì có lẽ là xúc phạm con bò nhiều hơn.
Xin giải thích. Trước tiên ông chức sắc tôn giáo đó là một viện phó thường trực của Học viện Phật giáo Việt Nam. Ông chức sắc này còn là một CEO của công ty chuyên kinh doanh các vật phẩm, kinh kệ và nhiều thứ khác nữa ‘nhân danh tôn giáo’. Ông chức sắc đó còn là chủ một nguồn quỹ cũng gắn mác ‘nhân danh tôn giáo’.
Khi đăng đàn thuyết pháp, ông chức sắc này còn cho mình cái quyền “ta là số một” để sẵn sàng nói về nhiều tôn giáo khác theo hướng “đạo của ta là tối thượng” giống hệt như Điều 4 Hiến pháp về Đảng cộng sản vậy.
Với tất cả một số điểm kể trên của ông chức sắc tôn giáo đó, cho thấy ông không hề “chậm chạp”, không hề “hiền quá” như người đời đánh giá về con bò ở thành ngữ “ngu như bò”. Cái giống ở đây, có chăng là màu vàng của chiếc áo mà ông chức sắc tôn giáo hay mặc khi so với màu da của giống bò vàng.
Vậy thì nếu có một tòa án của gia súc, tin chắc con bò sẽ đệ đơn để thưa chuyện bị vu khống là so con bò ngang hàng với ông chức sắc như kể trên.