Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khi công ty tài chính làm nghề cho vay kiểu xã hội đen

Hiền Vương

 

(VNTB) – Ðòi nợ như xã hội đen…

 

Những năm gần đây, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam nở rộ. Các điều kiện cho vay dưới hình thức trả góp với thủ tục nhanh chóng, dễ dàng đã khiến số lượng người dân vay tiêu dùng ngày càng tăng. Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều người mất việc, nghỉ luân phiên, không còn khả năng trả nợ đúng hạn. Điều này dẫn tới nợ xấu trong lĩnh vực tiêu dùng gia tăng.

Phát sinh nợ xấu vì Covid-19 cũng là lúc các công ty cho vay tiêu dùng ráo riết đòi nợ. Đầu tiên, công ty tài chính gửi giấy đòi nợ về gia đình khách hàng, và gửi tới một vài người thân của khách hàng. Sau đó, họ liên tục gọi điện đòi nợ với nhiều lời lẽ đe dọa luôn cả người thân của khách hàng.

Tệ hại hơn, theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Đức, một cựu quân nhân: “Tôi cũng là nạn nhân của VPBank và FE Credit. Qua vụ việc đến nay tôi có thể nói là tổ chức này đã có hành vi lừa dối khách hàng ngay từ đầu, và sau đó gài bẫy khách hàng, tiếp theo là vi phạm quy định về lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự, vi phạm pháp luật về dân sự và hình sự liên quan đến việc đe dọa khủng bố tinh thần khách hàng, và người thân của khách hàng”.

Theo hợp đồng mà VPBank và FE Credit chuyển cho khách hàng ở phần cuối hợp đồng, có nêu rõ là Hợp đồng được điều chỉnh theo luật pháp của Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu như khách hàng thấy họ vi phạm và đòi hỏi trái pháp luật, khách hàng có kiến nghị phản ánh với họ thì ban đầu họ chỉ hứa hẹn, nhưng không thực hiện mà tiếp theo cho hàng chục nhân viên, hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn sẽ dội xuống khách hàng và người thân, họ hàng của khách hàng.

Từng là chiến sĩ trinh sát, theo tìm hiểu của ông Nguyễn Hữu Đức, không ít trường hợp những khoản nợ quá hạn của khách hàng bị công ty cho vay tiêu dùng bán sang công ty thu hồi nợ, sau đó là việc đòi nợ với cách hành xử côn đồ. “Họ rải tờ rơi in hình ảnh và địa chỉ nhà khách hàng. Sau đó, đến nhà riêng của khách hàng uy hiếp và ngồi đối diện nhà để theo dõi…”, ông Đức kể.

Báo chí cũng từng đăng vụ ông Lê Thành Tâm (ở phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM) sau khi vay tiền của Công ty tài chính FE Credit đã bị một nhóm đối tượng đến nhà đe dọa, chửi bới, hành hung. Sau đó, các đối tượng này áp giải vợ chồng ông Tâm về trụ sở công ty để tiếp tục uy hiếp trong nhiều giờ. Sau đó có thông tin ông Tâm tự tử vì bị thu hồi nợ.

Khi bị báo chí chất vấn, phía đại diện FE Credit nói rằng, ông Tâm đang có hai khoản nợ quá hạn hơn 8,5 tháng và 11,5 tháng với tổng dư nợ 51 triệu đồng tại công ty, nhưng khẳng định nhân viên của mình không đến nhà khách hàng này để thu hồi nợ (!?).

Vụ việc nêu trên có một cái kết rất bi thương: khoảng 5g sáng 21-6-2020, ông Tâm chạy xe máy lên giữa cầu Phú Long đoạn qua thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, để lại đôi dép, xe máy và giấy tờ rồi nhảy xuống sông Sài Gòn tự vẫn.

Nhiều người phát hiện sự việc chạy đến ứng cứu nhưng không thành, thi thể ông Tâm được cơ quan chức năng tìm thấy sau đó. Qua kiểm tra trên người nạn nhân, Công an phát hiện trong ví nạn nhân có 1 hợp đồng vay tiền của FE Credit…

Thường thì những dịch vụ cho vay từ công ty tài chính chọn việc công khai mức lãi suất rất vừa phải, không vượt quá 20%/năm – mức trần lãi suất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, mức lãi suất đó chỉ là “tượng trưng”, nếu người vay không trả đúng hẹn thì sẽ phải chịu các khoản phí và lãi phạt rất cao.

Phổ biến nhất là quy định cộng dồn lãi suất vào hợp đồng vay thành khoản vay ngay từ ban đầu, người vay sẽ phải chịu lãi suất nhiều hơn số tiền vay ban đầu, và bị trừ trước vào khoản vay. Ví dụ, nếu vay 1 triệu thì người vay chỉ nhận được 700.000 – 800.000 đồng, còn khoản gốc thì vẫn phải trả đầy đủ…

“Không hiểu bằng cách nào mà FE Credit có được số điện thoại của công dân, mặc dù họ không có quan hệ gì trước đó; để rồi nhiều lần nhắn tin quấy nhiễu, xâm phạm đời sống cá nhân, với chiêu bài mời vay tín chấp. Đó là sự tuân thủ pháp luật? .

Hành vi mà FE Credit nhiều lần nhắn tin, dù công dân đã từ chối, không còn là câu chuyện quảng cáo qua tin nhắn nữa. Đó là sự xâm phạm, việc FE Credit có được số điện thoại của công dân là bất hợp pháp” – ông Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Nhiều người khi lâm vào hoàn cảnh túng bấn, nên khi ngày nào cũng nhận được chào mời vay tiền rất nhiệt tình từ các nhân viên tiếp thị của những dịch vụ cho vay, thì lắm lúc ngặt nghèo quá, họ “như vớ được vàng”, đã lập tức vay “nóng” mà không nghĩ đến khoản tiền lãi “cắt cổ”, và cũng không tính toán được khả năng chi trả món nợ của mình, hay những hệ lụy mà nó để lại.

Một luật sư đã tham vấn rằng trong trường hợp bị các đối tượng khi thúc nợ đe dọa, xúc phạm, khủng bố người vay, thì cần tố cáo đến chính quyền nơi người đó cư trú, bởi ở đây phía thúc nợ có thể bị xem xét hình sự về các tội danh như: cưỡng đoạt tài sản, đe dọa giết người…

Tin bài liên quan:

VNTB – Cẩu hổ ly sơn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – “Phản biện xã hội” là ‘sản phẩm’ của dân chủ hóa đời sống chính trị

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhớ khu học xá Minh Mạng của Sài Gòn ngày tháng cũ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.