VNTB – Bộ Công an yêu cầu bà Hồ Thị Kim Thoa về nước để được hưởng khoan hồng

VNTB – Bộ Công an yêu cầu bà Hồ Thị Kim Thoa về nước để được hưởng khoan hồng

Bộ Công an đề nghị bà Hồ Thị Kim Thoa về nước trình diện để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bộ Công an đã thông tin như vậy tại buổi họp báo về tình hình, kết quả công tác năm 2020 được tổ chức ở TP HCM chiều 7-12.

Theo Đại tá Chữ Văn Dũng, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an, liên quan đến vụ án bà Hồ Thị Kim Thoa – nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, ngày 4-9-2020 tổ chức cảnh sát Quốc tế đã ra quyết định truy nã đối với bà Thoa.

Riêng Bộ Công an đã đề nghị gia đình yêu cầu bà Thoa về nước để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trên trang Facebook Thông tin Chính phủ có cho biết thêm  “Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan ngoại giao để tiếp tục đề nghị truy bắt, dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa.”

Trước đó,  bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị khai trừ ra khỏi đảng tại phiên họp của ban Bí thư Đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì chiều ngày 2.12.2020 do có các vi phạm, khuyết điểm này liên quan dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM, trong vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đaivà Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 

Sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ sinh hoạt Đảng và đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Cổ phần của gia đình bà Thoa tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang

                                                         Tài sản của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa  tại Công ty Điện  Quang

Tính đến ngày 30/11/2016, bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ 1.686.415 cổ phiếu DQC, tương đương 4,91% vốn, với giá trị ước tính trên 100 tỉ đồng.

Con gái lớn Nguyễn Thái Nga, sinh năm 1984, tham gia thành viên HĐQT từ tháng 3/2014 và giữ chức Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang từ tháng 6/2013. Ngày 17/11/2015, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã bổ nhiệm Nguyễn Thái Nga, thành viên Hội đồng quản trị, làm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Bà Nga sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 12,01%.

Một người con gái khác là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm giữ hơn 2,23 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 6,49%, với giá trị đạt hơn 131,5 tỷ đồng tính theo giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ngày 11/4/2016, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê giữ chức Giám đốc Dự án Công ty CP Bóng đèn Điện Quang.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty là Hồ Quỳnh Hưng, sinh năm 1971, em trai ruột bà Hồ Thị Kim Thoa cũng nắm cổ đông lớn thứ 4 tại Điện Quang. Hưng đang sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC, lượng cổ phiếu này có giá trị gần 144 tỷ đồng. Với khối tài sản này, Hưng lọt vào Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Nguyễn Thị Mỹ Xuân, mẹ bà Thoa cũng có tên trong danh sách cổ đông của Điện Quang. Bà Xuân sở hữu hơn 1,2 triệu cổ phiếu DQC. Nhờ DQC, tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Xuân đạt gần 75 tỷ đồng.

Ngoài ra, cháu ruột của Hồ Đức Dũng (con trai Hồ Đức Lam, em trai bà Thoa) cũng đang nắm giữ 4,9% cổ phần của Điện Quang.

Như vậy, với việc nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của DQC, gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu khối tài sản lên tới hơn 718 tỉ đồng. Ngoài giá trị cổ phiếu, tài sản của gia đình bị can này còn được bổ sung bằng cổ tức.

Một thành viên khác trong gia đình là Hồ Đức Lam, em trai bà Thoa, sinh năm 1962, hiện đang là thành viên HĐQT tại Bóng đèn Điện Quang. Tuy không nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này nhưng ông Lam đang sở hữu khoảng 65% cổ phần tại Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông (RDP) và là nhân vật có quyền chi phối mọi hoạt động tại đây.

Cáo trạng của VKSND Tối cao

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định tháng 5/2010,  bà Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, có nhiệm vụ phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tổng Công ty Sabeco.

Quá trình công tác, Hồ Thị Kim Thoa bị cáo buộc biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được giao cho Bộ Công Thương và Tổng công ty Sabeco để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, biết tài sản này không được thành lập pháp nhân mới.

Tuy nhiên, bị can Thoa vẫn báo cáo bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương) phê duyệt, sau đó ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để chuyển quyền sử dụng khu đất vàng trên từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.

VKS cho rằng hành vi của Thoa & Hoàng cùng một số bị can khác đã dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ tài sản Nhà nước sang tay tư nhân trái pháp luật. Hành vi của các bị can gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 2.700 tỉ đồng.

Ngày 28/7/2017, bị can Thoa có đơn xin nghỉ công tác với lý do cá nhân gửi đến lãnh đạo Bộ Công Thương. Nửa tháng sau, Thủ tướng ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với Hồ Thị Kim Thoa.

Sau khi bị cách chức, bị can Thoa sang Pháp. Quá trình điều tra, Công an có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can này và quyết định triệu tập nhưng Thoa gian manh không chịu về nước.

Ngày 09/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bị can Thoa. Do không có mặt ở nơi cư trú và đã xuất cảnh ngày 22/10/2018 qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc đối với bị can Thoa vào ngày 04/9/2020.

Sau đó, Hồ Thị Kim Thoa bị tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế truy nã đỏ. Đầu tháng 12, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)