Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khi nào thì khiếu nại quyết định trưng cầu giám định của tòa án?

Thanh Tùng

(VNTB) – Nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của phía nguyên đơn, bị đơn yêu cầu tòa án ra quyết định trưng cầu giám định về năng lực hành vi dân sự (tâm thần) của nguyên đơn.

 

Một nguyên đơn dân sự khởi kiện phía bị đơn ra tòa án cấp quận yêu cầu tòa án buộc bị đơn đáp ứng các yêu cầu khởi kiện của mình.

Vì phía bị đơn có nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của phía nguyên đơn, nên bị đơn đã yêu cầu tòa án ra quyết định trưng cầu giám định về năng lực hành vi dân sự (tâm thần) của nguyên đơn.

Thẩm phán trực tiếp được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã ra quyết định trưng cầu Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực TP.HCM, thực hiện giám định năng lực hành vi dân sự của nguyên đơn, bao gồm: khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (trong một thời gian tòa ấn định).

Sau khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của tòa, phía nguyên đơn đã phản ứng bằng cách soạn thảo một đơn khiếu nại quyết định trưng cầu giám định tâm thần của tòa. Lý do, phía nguyên đơn cho rằng “việc trưng cầu giám định tại Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực TP.HCM hầu hết chỉ dành cho những vụ án hình sự”, trong khi nguyên đơn chỉ là người khởi kiện dân sự, đòi quyền lợi mà đáng lẽ ra mình được hưởng, nhưng bị đơn đã “tước đoạt”, không liên quan gì tới năng lực hành vi dân sự của nguyên đơn…”.

Trong đơn khiếu nại, nguyên đơn có trích dẫn quy định tại Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định cụ thể như sau:

“Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định: Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ…”.

Vì vậy, nguyên đơn làm đơn khiếu nại 2 việc: 1- Khiếu nại nội dung tại quyết định trưng cầu giám định của tòa án không liên quan đến giải quyết vụ án nguyên đơn đang kiện bị đơn. 2- Khiếu nại hành vi của thẩm phán khi cố tình ra văn bản không liên quan tới đơn kiện của nguyên đơn mà tòa án đã thụ lý…

Vậy, hành vi và nội dung khiếu nại của nguyên đơn nói trên có đúng với các quy định của pháp luật hay không, xin hãy cùng tìm hiểu tiếp sau đây:

Thứ nhất, tại Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, quy định: chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Mà, “năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự”.

Chủ thể khởi kiện là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì: “Đương sự có quyền yêu cầu tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị tòa án trưng cầu giám định nhưng tòa án từ chối yêu cầu của đương sự…”.

Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, khi đương sự yêu cầu và tòa xét thấy cần thiết, thì tòa án hoàn toàn có quyền ra quyết định trưng cầu giám định về tâm thần đối với người khởi kiện.

Thứ hai, nguyên đơn cho rằng, “Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực TP.HCM, hầu hết chỉ dành cho những vụ án hình sự, trong khi nguyên đơn chỉ là người khởi kiện dân sự”, là chưa chính xác!

Muốn hiểu thế nào là “Giám định pháp y về tâm thần” và “Giám định y khoa”, sự khác nhau giữa “Giám định pháp y về tâm thần” và “Giám định y khoa”, thì trước hết phải đi tìm 02 khái niệm trên:

Theo quy định tại Thông tư 18/BYT-TT, ngày 22-6-1979 của Bộ Y tế, thì chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng giám định y khoa, như sau: Giám định thương tật, bệnh tật, bệnh nghề nghiệp và khả năng lao động đối với thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên, xuất ngũ bị bệnh cũ, vết thương cũ tái phát, công nhân, viên chức Nhà nước (kể cả biên chế trung ương đóng tại địa phương) và những người được hưởng chính sách, chế độ như thương binh… Đối với công nhân, viên chức nhà nước, hội đồng khám và cho nghỉ việc lần đầu và khám tái tuyển.

Hướng dẫn, đề xuất với các cơ quan cho các đối tượng nói trên làm những ngành nghề phù hợp với khả năng lao động còn lại và đề nghị cho hưởng các chế độ điều trị, điều dưỡng, chỉnh hình, tạo hình, chuyển nghề, chế độ nghỉ việc, thôi việc.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ trên, thì Hội đồng giám định y khoa này không có chức năng giám định về năng lực hành vi dân sự (tâm thần).

Cón với Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29-7-2013, hướng dẫn Luật giám định tư pháp 2012, tại Điều 4 quy định các chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Pháp y cấp tỉnh: Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật giám định tư pháp…

Tại khoản 2 Điều 12 Luật giám định tư pháp 2012, quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm: a) Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế; b) Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.

Như vậy, theo các quy định trên, khi bị đơn yêu cầu và tòa xét thấy có căn cứ cho rằng, người khởi kiện có dấu hiệu không ổn định về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, thì tòa án phải ra quyết định trưng cầu giám định về tâm thần đối với người khởi kiện là phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sư.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 18/2015/TT-BYT ngày 14-07-2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, thì quy trình của các hình thức giám định pháp y tâm thần có 02 hình thức: 1. Giám định nội trú: là giám định tại cơ sở giám định pháp y tâm thần, áp dụng đối với những trường hợp chẩn đoán bệnh và xác định năng lực hành vi của đối tượng giám định khó khăn và phức tạp.

2. Giám định tại phòng khám: áp dụng đối với những trường hợp đơn giản, không khó khăn trong chẩn đoán, xác định năng lực và trách nhiệm hành vi.

Tóm lại, việc giám định pháp y tâm thần thuộc chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án trong vụ tai nạn ở Phan Rang

Trương Thế Tử

VNTB – Chỉ có người bị tâm thần mới dám công khai chửi đảng(?!)

Do Van Tien

VNTB – Nếu họ chọn việc vờn nhau…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.