VNTB – Nếu họ chọn việc vờn nhau…

VNTB – Nếu họ chọn việc vờn nhau…

Hà Nguyên

(VNTB) – Trang Việt Nam Thời Báo có đưa tin về nhà văn Phạm Thành bị đưa sang Viện Tâm thần để nơi đây khám xem ông ấy có bị điên hay không? (1)

Toàn bộ nội dung bản tin chỉ có 162 từ, nhưng mang đến nhiều ngờ vực về chiêu thức sử dụng đòn tâm lý, kiểu ở Việt Nam họa chăng chỉ có người khùng điên mới dám công khai lên tiếng chống Đảng Cộng sản. (2)

Một cựu kiểm sát viên luận bàn như sau về khả năng ‘vờn nhau’:

Thông tư liên tịch số 02/2017, tại điểm đ, Khoản 2, Điều 3 có quy định việc xác định bị can, bị cáo có năng lực trách nhiệm hình sự hay không là chứng cứ quan trọng và quy định đó là một trong các căn cứ để trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cụ thể:

“2. Khi thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

…..

“đ. Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không; nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào”.

Đơn cử như trong trường hợp, trong quá trình điều tra, truy tố, cả Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đều không có sự nghi ngờ gì về tình trạng tâm thần của bị can, nên Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với bị can, và sau đó Viện kiểm sát cũng có Cáo trạng truy tố bị can.

Tuy nhiên, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cho rằng bị can có những bất thường về mặt hành vi, tâm thần nên đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung yêu cầu xác định tình trạng tâm thần của bị can để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Không đồng ý với yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát đã viện dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 447 và Khoản 1, Điều 451 Bộ luật Tố tụng hình sự giữ nguyên quan điểm truy tố, và cho rằng cơ quan có trách nhiệm trưng cầu giám định tâm thần cho bị can trong giai đoạn này là Tòa án có thẩm quyền thụ lý.

Tiếp đó, Tòa án lại có công văn trong đó nêu rõ căn cứ tại điểm đ, Khoản 2, Điều 3 của Thông tư liên tịch số 02/2017 để quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Không thể cứ mỗi người một căn cứ rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nên Viện kiểm sát phải chấp nhận việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa, và sau đó có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Cơ quan điều tra thực hiện nội dung yêu cầu của Tòa án.

Sự việc sẽ không dừng lại ở đó nếu Cơ quan điều tra lại tiếp tục viện dẫn các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự để yêu cầu Viện kiểm sát phải có trách nhiệm trưng cầu giám định trong trường hợp này.

Rồi Viện kiểm sát lại viện dẫn căn cứ trong Thông tư liên tịch số 02/2017 trả hồ sơ để điều tra bổ sung…. Mọi việc cứ trong vòng lẫn quẫn, mỗi cơ quan một căn cứ. Vậy một câu hỏi đặt ra là “khi nào pháp luật buộc Tòa án phải trưng cầu giám định tâm thần cho bị can, bị cáo?”.

Dĩ nhiên người mệt mỏi nhất ở đây chính là bị can, bị cáo Phạm Thành ở từng giai đoạn tố tụng đó; và trong ‘cù nhây’ đó, có lẽ cũng khiến người ta dễ bị khùng thật sự theo luôn…

________________

Chú thích:

(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-nha-van-pham-thanh-phai-giam-dinh-tam-than/

(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52749467

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)