Nguyễn Ngọc Tâm
(VNTB) – Phiên tòa xử cựu đô đốc hải quân trong vụ án Đinh Ngọc Hệ – tức Út trọc, ghi nhận một lời trần tình đầy thấm thía của tướng Nguyễn Văn Hiến về chuyện quân đội nhảy vào làm ăn kinh tế: “Bị cáo chưa từng một ngày được đào tạo quản lý kinh tế, đất đai” (*)
Có lẽ nếu như thời đương chức, đô đốc Nguyễn Văn Hiến được giao nhiệm vụ làm dịch vụ bảo vệ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên ngư trường của Việt Nam nhưng cứ bị hải cảnh Trung Quốc bắt nạt, có lẽ đô đốc Hiến chắc chắn hoàn thành nhiệm vụ, vì đây là ‘chuyên môn’ mà ông am tường, đó là chưa kể đây thuộc trách nhiệm của người lính hải quân Việt Nam.
Tương tự, tin rằng đô đốc Nguyễn Văn Hiến sẽ làm tốt công việc làm ăn kinh tế đúng người – trúng việc, là bảo vệ các dàn khoan thăm dò dầu khí hoạt động trên lãnh hải thuộc quyền và chủ quyền Việt Nam. Sẽ không có tàu hải dương nào của Trung Quốc dám đi vào vùng biển Việt Nam để dương oai, giễu võ như chốn không người.
Tiếc là đô đốc Nguyễn Văn Hiến đã không được giao đúng sở trường của một tướng lãnh hải quân.
Kể tiếp ở đây cũng là chuyện làm ăn kinh tế của ngành y, nhưng được vỗ tay khen ngợi nhiều hơn.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, cựu phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tức bệnh viện Chợ Quán, Sài Gòn, kể qua trí nhớ về một lát cắt quá khứ:
“Giữa năm 1987, trong Đại hội công nhân viên chức của bệnh viện Chợ Quán, nhiều góp ý được chuyển lên cho giám đốc, đòi hỏi cải thiện đời sống cho nhân viên: các phòng, khoa đều tranh phát biểu ý kiến. Đoàn thanh niên cộng sản có bài phát biểu khá gay gắt – một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của tổ chức Đảng đối với giám đốc đã suy giảm! Sở Y tế, trước đó đã tỏ ra không ủng hộ hoàn toàn giáo sư Thanh (ông Bảy Thanh khi ấy là giám đốc bệnh viện Chợ Quán, kiêm bí thư đảng ủy), bắt đầu có những thăm dò để thay đổi… Một hai bác sĩ ở các nơi được chuyển về làm phó giám đốc hay trợ lý giám đốc, phụ cho bác Bảy Thanh đang là bí thư đảng phụ trách hậu cần…
Thật ra chỉ có đời sống là yếu kém chứ chất lượng điều trị vẫn được giữ vững… Bệnh viện vẫn thực hiện tốt công tác điều trị, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và đã làm một tập san lưu hành nội bộ (tránh qua các thủ tục xuất bản nhiêu khê) là tờ Thông Tin Bệnh Nhiễm. Những thành tựu này tuy vậy đã không bù đắp được những khó khăn trong đời sống của nhân viên khi so với các bệnh viện khác.
Và chuyện phải đến đã đến: ông Thầy (tức ông Bảy Thanh) được sắp xếp “về hưu” – tuy vẫn còn giữ chức Chủ Nhiệm Bộ Môn Nhiễm. Bác sĩ Nguyễn Hữu Trí đang là Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM về tiếp nhận bệnh viện.
Công việc đầu tiên là làm kinh tế! bệnh viện tổ chức dịch vụ xe đưa bệnh nhân quá nặng hay tử vong về nhà; dịch vụ cung cấp thức ăn, căng tin… thu nhập hàng tháng bắt đầu có thêm.
Nhưng anh Mười Trí – tên tắt của giám đốc biết rằng phải duy trì và nâng cao chất lượng điều trị – vì đây là nhiệm vụ chính của bệnh viện… Khoảng 2-3 tuần sau khi về nhận chức, anh Mười cho gọi tôi lên phòng và nói “Trước đây mấy anh phê bình anh Thanh về chuyện đời sống, nay tôi đã có nhiều biện pháp cải thiện nhưng tôi muốn các anh cùng tôi điều trị cho bệnh nhân tốt hơn nữa…”.
Anh bảo: Hiền viết cho tôi mấy đề xuất làm sao nâng cao chất lượng điều trị… Tôi trả lời ngay: thưa anh Mười, tụi này làm ở bệnh viện này hơn mười mấy năm rồi, nhận thấy tử vong tập trung ở 3 khoa chăm sóc đặc biệt: cấp cứu tổng hợp, cấp cứu Nhi và cấp cứu uốn ván, vậy nên tập trung cho 3 nơi này.
Người lớn thì tử vong do SRAT có biến chứng suy thận cấp, trẻ em thì có bạch hầu, uốn ván và sốt xuất huyết Dengue. Một vấn đề nữa là bệnh viện điều trị bệnh nhiễm trùng mà phòng vi sinh yếu lắm, nên phải làm sao nâng cao khả năng phân lập vi khuẩn.
Anh Mười kết luận: mình không làm nhiều việc một lúc được và mấy bệnh trẻ em thì cần tiêm chủng tốt thì sẽ giảm, vậy nên bắt đầu với SRAT suy thận cấp và khoa vi sinh…
Vài hôm sau anh Mười yêu cầu tôi trở lại làm Y Vụ để giúp anh thực hiện mấy việc đó. Thấy khoa cấp cứu tổng hợp chật chội, anh cho sửa sang lại; thiết kế phòng làm việc cho bác sĩ và điều dưỡng ở giữa hai phòng bệnh, có kiếng trong phân cách để có thể theo dõi bệnh nhân. Lúc bấy giờ vật tư xây dựng còn thiếu, anh đi quanh bệnh viện, kể cả trong ngày chủ nhật; thấy chỗ nào có nhiều cửa kiếng ít sử dụng và chưa cần thiết thì cho tháo ra, đem lắp vào nơi cần; ký hợp đồng với Công ty khí Oxy lắp đặt hệ thống oxy trung tâm… Khoa cấp cứu tổng hợp đã có 20 giường khang trang và có thêm một số trang bị.
Một hôm ông nói với tôi “anh làm sao giúp tôi nắm được bệnh nhân nặng hoăc chưa chẩn đoán ra để tôi có hướng giải quyết”.
Thế là tôi lấy một cuốn tập học sinh rồi hàng ngày khoảng 3 giờ chiều đi xuống 3 khoa bệnh nặng, nói chuyện với các bác sĩ rồi ghi chép ngắn gọn tên tuổi và chẩn đoán cũng như vấn đề hiện tại của bệnh nhân theo kiểu problem solving approach (giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định) vào tập; sáng hôm sau đến bổ sung thêm bệnh nhân mới nhập.
Khi giao ban sáng, giám đốc nghe bác sĩ trực báo cáo sẽ so sánh với thông tin trong sổ và thảo luận hướng giải quyết. Bác sĩ nào trực không theo dõi nắm bệnh là bị phát hiện ngay. Hồi trước ông thầy đêm khuya đi đến các khoa, bây giờ tôi phải làm việc đó vào buổi chiều trước khi về hay buổi sáng sớm…”.
Xem ra những gì mà bác sĩ Trần Tịnh Hiền kể, chính là việc nhân viên ngành y trong chính bệnh viện đã làm kinh tế để bổ sung cho thu nhập hàng tháng, qua việc tăng cường các dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân.
Dĩ nhiên là quân đội được mặc định bảo vệ tổ quốc, nhưng với các dịch vụ nghề cá trên ngư trường Việt Nam, thì các tổ chức nghề nghiệp của Việt Nam hoàn toàn cần đến những dịch vụ riêng, đủ sức mạnh để bảo vệ họ đang làm ăn trên chính vùng biển tổ quốc của mình.
Khi ấy, chắc chắn cựu đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến cùng một số đồng đội của ông không phải cay đắng ra hầu tòa như hôm nay với tất cả nỗi lòng về chuyện “Bị cáo chưa từng một ngày được đào tạo quản lý kinh tế, đất đai”…
_________
Chú thích: