Phóng viên VNTB
(VNTB) – Vào mỗi đầu năm học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM lại xảy ra xáo động. Sinh viên liên tiếp kiến nghị bức xúc lên Phòng đào tạo và các khoa, khi những bất cập trong đăng ký học phần xảy ra như một căn bệnh mãn tính.
Sinh viên không được biết người dạy là ai (!?)
Thông thường, theo văn hóa đại học, mỗi môn học có nhiều lớp do nhiều giảng viên khác nhau phụ trách. Nhờ đó, sinh viên có thể lựa chọn thầy ưa thích rồi mới đăng ký. Tuy nhiên, dường như điều ngược lại đang diễn ra tại trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (sau đây gọi tắt là trường Nhân văn). Nơi đây, sinh viên chọn lớp học rồi mà vẫn chưa biết ai sẽ đứng dạy lớp đó.
Sinh viên không được biết giáo viên giảng dạy để chọn lớp.
Ảnh trên là kết quả đăng ký môn học của một sinh viên. Các mục khá đầy đủ, riêng mục tên giảng viên thì hoàn toàn để trống. Sau khi đã hoàn tất, một thời gian khá lâu sau đó, sinh viên mới được biết giảng viên dạy mình là ai, dù thích hay không thích thì cũng không thể đổi sang giảng viên khác.
Đăng ký xong mới biết trùng lịch
Trong năm học 2015-2016, màn hình hiển thị menu đăng ký môn học không cho biết thời gian học. Nghĩa là lớp đăng ký mở ra vào thứ nào, buổi nào sinh viên không được biết. Sinh viên muốn kết thúc chương trình đúng hạn nên cứ phải đăng ký đại, sau này nhận phiếu kết quả đăng ký mới biết có những môn trùng nhau.
Sinh viên thường xuyên bị trùng lịch sau khi đăng ký học phần.
Khi sinh viên này cập nhật kết quả đăng kí thì môn Văn học Tây Âu và Văn Học Việt Nam, bạn mới biết rằng bạn bị trùng lịch. Trong trường hợp này chỉ còn cách là xin đổi ca học. Đây lại là một dạng xin xỏ nữa, ở Việt Nam mọi thứ là xin xỏ, ở trong giảng đường càng thấy xin xỏ nhiều.
Trong ảnh, hai môn được tô màu vàng là hai môn bị trùng lịch, cùng vào thứ năm buổi sáng nên sinh viên buộc phải bỏ một trong hai môn đó, mà vẫn phải đóng tiền. Có nghĩa là dù không đi học một môn thì các bạn cũng phải đóng trên dưới 520 000 đồng. Lỗi này thuộc về phòng đào tạo và khoa, nhưng người chịu hậu quả là sinh viên.
Sự nhức nhối đặt ra, rằng tại sao phòng đào tạo và các khoa không sắp xếp được lịch giảng dạy cho các giáo viên, nhưng lịch sinh hoạt chính trị thì luôn luôn được định sẵn. Có những trường hợp lớp học chuyên ngành phải hoãn để nhường chỗ cho lịch sinh hoạt chính trị. Để rồi cuối cùng về phẩm chất chính trị sinh viên không có tư duy, mà về chuyên ngành thì cũng yếu kém.
Đăng ký rồi, nhưng vẫn không được thông báo lịch học
Đó là trường hợp của bạn T.T, một sinh viên năm ba chuyên ngành ngôn ngữ học. Vào học kỳ thứ hai của năm học thứ hai, T.T đăng ký môn Âm vị học. Bạn đăng ký trên Website của Phòng đào tạo, nhưng đợi mãi mà không thấy lịch học môn này. T.T qua văn phòng khoa để hỏi thì chỉ thấy lịch học trong một tuần. Sau đó, thời khóa biểu cho môn Âm vị học không được hiển thị trên Website của Phòng đào tạo, lẫn trên Website của ngành Ngôn ngữ, T.T vì thế không đi học môn này. Đến cuối kỳ, T.T sững sờ vì thấy điểm 0 giữa kỳ và điểm 0 cuối kỳ. Môn này chiếm 2 chỉ, bạn T.T bị mất oan gần 260 000 đồng, nhưng oan uổng hơn là mất thời gian cả một học kỳ. Khi lên đến Phòng đào tạo hỏi vì sao đã đăng ký nhưng không thấy thời khóa biểu, Phòng đào tạo trả lời một cách dửng dưng: “Thầy không biết.”
Cực chẳng đã, bạn T.T đến văn phòng khoa Văn học và ngôn ngữ để hỏi, nhưng cũng nhận được câu trả lời hết sức vô trách nhiệm: “Thầy không biết”.
Những sự cố trên xảy ra hết năm này qua năm khác. Trải qua nhiều kinh nghiệm, Phòng đào tạo và các khoa vẫn chưa nhận thức được rằng việc sắp xếp lịch giảng dạy cho giáo viên và đăng ký học phần cho sinh viên phải được tôn trọng như nhau. Đến nay là năm học 2016-2017, các sinh viên đăng ký môn học mà vẫn không biết thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc môn học.
Nhiều môn, sinh viên không được biết ngày bắt đầu và ngày kết thúc môn học.
Khi trao đổi riêng tư với phóng viên Việt Nam Thời Báo về vấn đề này, một nhà giáo làm quản lý khoa tại đại học Nhân văn cũng thừa nhận yếu kém của hệ thống, nhưng không đưa ra giải pháp. Thầy dẫn ra ví dụ, đó là viện đại học Sài Gòn ngày trước chỉ có một thầy sắp xếp lịch giảng dạy, không có công nghệ thông tin, mà lịch dạy vẫn được thu xếp đâu vào đó, một cách nhịp nhàng, chuẩn xác, cho cả một viện đại học.
Vậy rốt cục sự khác nhau giữa chủ nghĩa xã hội và thứ mà họ gọi là chủ nghĩa tư bản là gì? Người ta thấy rằng khi có sự cố xảy ra, ở chủ nghĩa xã hội thì trách nhiệm đổ cho tập thể, ở “chủ nghĩa tư bản” thì cá nhân nào phụ trách cá nhân đó phải chịu trách nhiệm.