Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khoái lên thành phố

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Bình Dương xem ra rất “khoái lên thành phố”

 

Là một trong những tỉnh, thành, nói theo kiểu dân gian, “khoái lên thành phố”, Bình Dương mặc dù đã có ba thành phố là thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, song, theo thông tin cho biết, tới đây thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát cũng sẽ được nâng cấp lên thành phố.

Ngoài ra, còn nâng cấp xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng) lên thị trấn Thanh Tuyền, xã An Sơn (TP Thuận An) lên phường An Sơn, nâng cấp xã An Điền, xã An Tây (thị xã Bến Cát) lên phường.

Cũng theo đại diện Sở Nội vụ, hiện nay các đơn vị chức năng đang tiến hành các bước để hoàn chỉnh hồ sơ gửi Sở Nội vụ, UBND tỉnh, HĐND tỉnh. Sau đó trình Trung ương theo quy định.

Trước khi lạm bàn vấn đề thiệt hơn khi một thị xã lên thành phố, theo quyết định “Ban hành quy định bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 – 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương” ký ngày 20/12/2019 bởi phó chủ tịch thường trực Mai Hùng Dũng thì:

Với đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm khác, ở khu vực 1, vị trí 1 thuộc thành phố Thủ Dầu Một, mức giá chuẩn theo vị trí (ĐVT: 1.000 đ/m2) là 375; ở thị xã Thuận An, Dĩ An (khi ký còn là thị xã, ngày 1/1/2020, cả hai khu vực này mới lên thành phố) lần lượt là 340/340; Bến Cát – Tân Uyên đều là 200…

Tương tự, với đất ở tại đô thị, thành phố Thủ Dầu Một vị trí 1, loại 1 là 37.800; Thuận An là 19.200; Dĩ An là 19.200; Bến Cát 13.200; Tân Uyên 13.200…

Làm một bảng so sánh nhỏ, để cho thấy một điều rằng, với địa phương nào được đóng cái mác gọi là thành phố, đồng nghĩa với việc giá đất sẽ tăng lên, kèm theo đó, thuế phí cũng như chuyển đổi công năng của đất cũng tăng theo; trong khi đời sống người dân, nhiều người, vẫn… như vậy…

“Admin của một trang thông tin thông báo đây là tin vui, với tôi, chẳng hiểu nó vui ở chỗ nào? Lên thành phố thì cái gì cũng tăng, không chỉ đất đai mà các sinh hoạt phí, ăn uống cũng tăng theo. Trong khi thu nhập của người dân vẫn còn không cao. Người nghèo chật vật mưu sinh vẫn còn nhiều. Tôi thì không rõ tiêu chí lên thành phố như thế nào, địa phương có thật sự đủ tiêu chí chưa? Nhưng thiết nghĩ, làm gì thì làm, cũng nên đặt lợi ích của dân lên trước chứ, ham chi cái mác thành phố?”, là người dân sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, bà Tư ngao ngán.

Theo ghi nhận, cũng có ý kiến cho rằng, lên thành phố, đường sá được sửa sang tốt hơn; trường học, bệnh viện cũng mọc lên, tiện lợi hơn cho nhu cầu sinh hoạt của người dân rất nhiều. Cứ tạm cho điều đó là đúng. Lật ngược vấn đề, chẳng lẽ, nếu không gắn cho mình cái mác thành phố, thì đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện… sẽ không được sửa, không được xây dựng để hỗ trợ, phục vụ người dân?

“Ai ham thì ham, chứ như tôi thì không ham. Như ở Thủ Đức mình nè, lên thành phố, họ gắt gao hơn với những người buôn bán lề đường như mình. Cái gì mà văn minh đô thị, đuổi, ai chạy không kịp thì tịch thu, lên đóng phạt. Mà đời sống, nói thiệt, trải qua giãn cách đã mệt mỏi rồi, giờ còn như vậy. Hỏi ham nổi không?”, mưu sinh bằng gánh hàng rong ở thành phố Thủ Đức, một người dân chia sẻ.

Việt Nam là một đất nước của dân, do dân và vì dân. Lên thành phố, tốt tới đâu chưa biết, song với nhiều loại phí, đã làm hao tổn không ít “hầu bao” của người dân. Đường sá thì chưa chắc được cải thiện. Dịch vụ công thì còn bất cập. Một vài phường, còn những “ông trời con”…

Cái mác thành phố khi ấy, được lợi ích gì?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Dương Anh Đức đang ở vai ác?

Trương Thế Tử

VNTB – Nhân quyền xã hội chủ nghĩa là thế…

Do Van Tien

VNTB – Dân phòng được quyền động thủ với dân?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo