VNTB – Không biết xài tiền…

VNTB – Không biết xài tiền…

Hàn Lam

 

(VNTB) – Từ tháng 9-2022 một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương dồn dập có văn bản xin trả lại vốn vì không có khả năng giải ngân.

 

Dồn dập trả vốn đầu tư công

Cụ thể, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo đề nghị trả lại 173,155 tỷ đồng (tương đương 26% kế hoạch được giao); Ủy ban Dân tộc đề nghị trả lại 52,7 tỷ đồng (tương đương 97,6% kế hoạch được giao).

Bộ Y tế đã có công văn xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 là 536 tỷ đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị giảm 589,549 tỷ đồng; Bộ Xây dựng đề nghị giảm 167,39 tỷ đồng; Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị giảm 141,67 tỷ đồng; Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị giảm 31,8 tỷ đồng.

Các địa phương cũng không giải ngân được vốn nước ngoài nên cũng xin trả lại hoặc giảm vốn, trong đó nhiều đơn vị đề nghị giảm vốn hàng ngàn tỷ đồng. Đó là thành phố Hà Nội đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn tới hơn 2.217 tỷ đồng do các dự án ODA nhiều khó khăn, vướng mắc, không giải ngân được trong năm 2022 (theo báo cáo số 351/BC-UBND ngày 30-9-2022 của UBND TP. Hà Nội).

Tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch 1.827 tỷ đồng bao gồm: vốn ODA 27 tỷ đồng, 1.800 tỷ đồng từ nguồn thu sử dụng đất. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị điều chỉnh giảm hơn 98 tỷ đồng nguồn vốn ODA. Tỉnh Khánh Hòa kiến nghị điều chỉnh giảm trên 171 tỷ đồng. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị giảm 2.248,8 tỷ đồng. Bộ Ngoại giao đề nghị giảm hơn 391 tỷ đồng…

Ghi nhận tại Cần Thơ, ngày 14-9, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký ban hành Công văn số 3668/UBND-XDĐT về việc theo dõi, cập nhật báo cáo chi tiết hàng ngày về tiến độ thực hiện các dự án, công trình triển khai đầu tư công năm 2022.

Tại Công văn nêu trên, UBND thành phố Cần Thơ cho biết, theo số liệu báo cáo giải ngân của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ (tính đến ngày 13-9-2022), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố là 33,1% (33 chủ đầu tư cấp thành phố: 22,6%; 9 chủ đầu tư quận, huyện: 67,6%). Nhìn chung, tiến độ giải ngân tiến triển rất chậm.

Trả vì thủ tục quá… lỗi thời

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hồng Dương dẫn chứng các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư của Quảng Ninh.

Thứ nhất, đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, ông Nguyễn Hồng Dương cho rằng, khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019 thực hiện trên thực tế là rất khó khăn do khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 05 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch.

Đồng thời mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm về cuối của kế hoạch. Do đó, việc phải phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án để đưa vào danh mục trung hạn ngay sẽ rất khó khăn và chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Tỉnh Quảng Ninh đề xuất, Luật Đầu tư công chỉ nên quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành của địa phương và Hội đồng nhân dân chỉ thông qua danh mục dự án cần đầu tư trong trung hạn.

Đồng thời đề nghị, bổ sung khoản mới trong Điều 34 của Luật, trong đó quy định rõ các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, ví dụ: Các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư do điều chỉnh một trong số các nội nội dung sau: thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án, …

Lý do đề xuất là từ thực tiễn triển khai, đã có các tình huống dự án phải điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp điều chỉnh dự án nào đòi hỏi phải thực hiện đồng thời quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Do vậy, việc bổ sung “Các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư” tại Điều 34 giúp làm rõ các trường hợp cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật.

Thứ hai, đối với dự án ngoài ngân sách, UNBD tỉnh Quảng Ninh nêu nên những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đối với Luật đầu tư năm 2021, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28-02-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai 2013.

Trong đó, theo quy định của Luật Đầu tư và hướng dẫn tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư không hướng dẫn cụ thể dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ đưa ra quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư 2020).

Do đó, đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của UBND cấp tỉnh, hiện nay đang có cách hiểu khác nhau. Do vậy, Quảng Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể các dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu (trừ các dự án xây dựng nhà ở theo quy định tại điểm b, c khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư) có phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hay không, hay thực hiện thủ tục phê duyệt danh mục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định Nghị định số 25/2020/NĐ-CP hoặc tổ chức đấu giá theo quy định của Luật Đất đai.

Theo hướng dẫn của Luật Đầu tư, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ không có hướng dẫn xác định giá trị M3 (giá sàn nộp ngân sách nhà nước được đưa vào hồ sơ mời thầu) đối với trường hợp chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Do đó Quảng Ninh yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn có hay không việc xác định giá trị M3 trong trường hợp này. Nếu có thì việc xác định giá trị M3 nằm ở bước nào trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư?.

Về Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, Quảng Ninh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án theo quy định của pháp luật về xã hội hóa. Đồng thời cho ý kiến về lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án xã hội hóa có đất sạch tại các địa bàn có giá trị thương mại cao, trung tâm khu dân cư có thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu hay không.

Về Nghị định số 83/2020/NĐ-CP, hiện có vướng mắc đối với các dự án cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất khác thì thực hiện thẩm định trình phê duyệt song song.

Tuy nhiên đối với trường hợp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư không đồng thời là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất khác thì không rõ quy định việc thực hiện trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước hay sau quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất khác.

Do vậy, cần thiết có hướng dẫn quy định việc thực hiện trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước hay sau quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất khác…

Lỗi ở đâu?

Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong chuyện giải ngân vốn đầu tư công sở dĩ “gặp khó đến mức phải trả lại”, thường tựu trung vào ba nhóm lý do như sau: đó là nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 như các vụ án bắt bớ về sinh phẩm y tế trong chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện đầu tư công không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến rất nhiều luật, tùy tính chất của từng dự án, như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Bộ luật Lao động, các luật thuế, Luật Điều ước quốc tế và các cam kết khác của Chính phủ.

Các khâu kể trên trong thể chế chính trị hiện tại lại không thể thực hiện đồng thời được mà theo từng luật, theo từng quy trình và xong khâu này mới đến khâu kia nên mất rất nhiều thời gian…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)