Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không có gì là không thể: Việt Nam sẽ là người bạn thứ 5 của nước Mỹ

L.T.S – Mối quan hệ Việt – Mỹ đang được sâu sắc hóa từ nhiều yếu tố khác nhau, chính yếu nhất là từ sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, nó xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh hải của các nước có liên quan như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei; đồng thời đe dọa trầm trọng đến an ninh hàng hải trong khu vực, và quốc tế.

20 năm trôi qua, Việt – Mỹ từ chỗ “cựu thù” đi dần đến “đối tác” – một chặng đường dài kể từ khi bình thường hóa dưới thời chính quyền Clinton vào năm 1995, nhưng nó cho thấy sự nỗ lực không ngừng để tạo ra sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Và trong tháng 7 sắp tới đây, sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng, người đến Mỹ với tư cách Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho sự “sẵn sàng” hiểu nhau, tiến tới trở thành bạn của nhau giữa hai nhà nước, cũng như sẽ đặt nền móng cho 20 năm quan hệ tiếp theo.

Việt Nam – sẽ là người bạn thứ 5 của Hoa Kỳ, trên cơ sở là một nước mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng, tôn trọng quyền con người.

Việt Nam – sẽ là người bạn thứ 5 của Hoa Kỳ, trên cơ sở hiểu biết nhìn xa hơn về quá khứ, nhất là thời điểm OSS hợp tác với Việt Minh, và hướng tới tương lai – nơi Việt Nam không còn là nỗi ám ảnh của chiến tranh, mà là một đồng minh thực sự.

Đó không chỉ là kỳ vọng, mà là niềm tin hiện hữu trong mỗi cá nhân người Việt, khi tìm đường sáng để đi cho dân tộc Việt.

Vì đúng như ông Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam cho biết: “Không có gì là không thể.”

TS. Trần Văn Luyến (VNTB) Vào một chiều cuối năm 2009, Đại sứ Michael W. Michalak tiếp khách tại khu vực Thảo Điền An Phú quận 2. Khách mời là các nhà khoa học nguyên tử Việt Nam nhân sự kiện lò phản ứng hạt nhân Đà lạt chuyển đổi thành công mẻ nhiên liệu có độ giàu Uranium-235 từ cao (HEU-High Enrichment Uranium-235) sang thấp (LEU-Low Enrichment Uranium-235). 

Sau phát biểu khai mạc của Tổng lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, ngài đại sứ bước tới chân cầu thang lên lầu và rút trong túi ra một mẩu giấy viết tay rồi bắt đầu vừa liếc nhanh vừa nói….Đây là một bằng chứng nữa cho thấy Việt Nam đã tôn trọng các thỏa thuận song phương sau khi bình thường hóa quan hệ với Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Các bạn, những nhà khoa học nguyên tử Việt Nam đã cùng với các nhà khoa học Hoa Kỳ chúng tôi đã vừa hoàn thành xong một kỳ tích: chuyển đổi thành công mẻ nhiên liệu có độ giàu hạt nhân U-235 cao sang thấp tại lò phản ứng hạt nhân Đà lạt. Các bạn đã có một đóng góp quan trọng trong cuộc chiến đấu chống khủng bố….


Sau phát biểu của Đại sứ, lần lượt các nhà khoa học đại diện cho hai phía Việt Nam và Mỹ đứng lên phát biểu và mọi người vừa nghe vừa thưởng thức tiệc cocktail.

Tôi may mắn được tham dự và may mắn hơn được ngồi cùng bàn với đại sứ khi mãn tiệc và câu chuyện sau đây khi nghe xong đại sứ mỉm cười: Đây là câu chuyện cổ tích về lịch sử hiện đại: Người Bạn thứ 5 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

– Thưa đại sứ, ngài có thuộc lịch sử Hoa kỳ không


– Dĩ nhiên là có chứ, giống như bạn, chắc bạn thuộc lịch sử Việt Nam.

– Vâng, nhưng thưa ngài, ngài có biết về những người bạn của nước Mỹ
– Chúng tôi có rất nhiều bạn, mà ý của bạn là gì?
– Tôi muốn kể cho ngài về những người bạn rất thân thiết của Hoa kỳ sau mỗi lần hoạn nạn.
– Ồ! Bạn muốn gì đây?
– Tôi chỉ muốn kể chuyện theo trí tưởng tượng của tôi mà thôi. Nhưng ngài vui lòng nghe chứ?
– Vâng, xin mời.
– Người bạn đầu tiên, lớn nhất và chung thủy nhất của Hoa Kỳ là Vương Quốc Anh. Đây là quốc gia có cuộc chiến tranh đầu tiên với Hoa Kỳ sau khi lập quốc. Chiến tranh Hoa Kỳ – Anh Quốc, hay thường được biết đến với cái tên Chiến tranh năm 1812, là một cuộc chiến giữa các lực lượng quân đội Hoa Kỳ và quân đội đế quốc Anh. Sau Hiệp ước Ghent Hoa kỳ và Anh Quốc có một tình bạn và thủy chung đến tận bây giờ. Đôi bạn luôn đứng bên nhau trong bất kỳ một biến cố nào trên trường quốc tế.
– Anh cũng rành lịch sử Hoa kỳ nhỉ, xin mời tiếp tục.
– Người bạn thứ hai và thứ ba của Hoa kỳ là Đức và Nhật.
– Tôi hiểu ý của anh bạn rồi, nghĩa là sau khi đấm đá nhau tơi bời, chúng tôi mới kết bạn chứ gì?
– Ngài quá thông minh, quả thật ngay cả tôi cũng chưa thể rút ra ý tưởng đó.
– Thế còn người bạn thứ tư
– Người bạn thứ tư của Hoa kỳ là Hàn Quốc.
– Các chàng trai của chúng tôi cũng đổ máu tại Hàn Quốc và bây giờ giữa hai quốc gia là một tình bạn gắn bó.
– Và bây giờ trước khi kể về người bạn thứ năm của Hoa kỳ, tôi cảm nhận thế này. Hoa Kỳ là một quốc gia mà ai cũng muốn kết bạn không phải vì Hoa kỳ mạnh nhất, giàu nhất mà bởi vì đi với Hoa kỳ, mọi quốc gia cũng trở nên giàu và mạnh và đi bên Hoa kỳ người bạn nào cũng cảm thấy an tâm.
– Tôi đã mường tượng ra người bạn thứ năm của đất nước chúng tôi rồi? Ý của bạn là Việt Nam chứ gì? Theo logic của bạn, giữa hai quốc gia chúng ta cũng đã đấm đá tơi bời đến sứt đầu mẻ trán và kết cục sẽ là một tình bạn giống như bốn người bạn của Hoa kỳ trên kia. Nhưng tôi cảm thấy rằng. Việt Nam chưa sẵn sàng làm bạn với Hoa Kỳ. Theo logic của bạn, chúng ta sẽ là bạn của nhau phải không?.
– Bạn nói chúng tôi chưa sẵn sàng? Thế Hoa kỳ đã sẵn sàng chưa? Việt Nam là quốc gia đầu tiên làm cho Hoa kỳ biết đến một hội chứng – Hội chứng Việt Nam. Cả hai chúng ta đều mang trên mình những vết thương chưa lành, mà mỗi khi động đến, không khéo sẽ làm chúng rỉ máu. Chúng ta đang cố làm lành những vết thương đó trên con đường nhận ra chúng ta sẽ là những người bạn gắn bó mãi mãi. Cá nhân tôi rất muốn logic trên là sự thật và rất muốn hai quốc gia chúng ta là bạn thật sự. Chúng tôi cũng muốn Việt Nam giàu và mạnh, cũng muốn đi bên Hoa kỳ mà thấy vững tâm.
– Cảm ơn anh, không ngờ nhà khoa học nguyên tử cũng nghĩ về thế sự. Tôi đang suy nghĩ về chuyện này, và chúng ta nên bắt đầu bằng những việc cụ thể. Chuyện nguyên tử hạt nhân Đà lạt là một bước tiến. Nhiệm kỳ của tôi sẽ là nhiệm kỳ của việc tăng cường cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Phải đợi đến khi cho người Việt Nam hiểu hơn về Hoa kỳ cũng như mọi người Hoa ky hiểu hơn về Việt nam thì chúng ta mới làm bạn thật sự. Trao đổi văn hóa, khoa học là một việc làm cần thiết, dài lâu nhưng nhất định phải làm. Cảm ơn nhà khoa học, tôi đã cảm thấy logic qua câu chuyện của bạn và mong muốn giống bạn: Logic đó sẽ thành hiện thực.
Chúng tôi chia tay và tôi ra về với tâm trĩu nặng. Vết thương giữa hai quốc gia chúng ta chưa lành và việc cần nhất là đừng làm chúng rỉ máu. Chỉ đến khi đó chúng ta mới là bạn.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo