Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Không có ngoại lệ trong xét xử tham nhũng”?!

Thới Bình

 

(VNTB) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hệ thống tòa án đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

 

Yêu cầu ở trên được đưa ra vào ngày 21-12 tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến gần 800 điểm cầu của toàn hệ thống tòa án.

Có thắc mắc: phải chăng ở Việt Nam, phía cơ quan hành pháp có quyền ‘ra lệnh’ cho cơ quan tư pháp? Hoặc, phía hành pháp được quyền đưa ra ‘các vùng cấm – các ngoại lệ’ đối với ‘người của Chính phủ – của Nhà nước – của Đảng’?

Nội dung của Điều 94 Hiến pháp năm 2013 gồm 2 đoạn, trong đó đoạn thứ nhất quy định khái quát đồng thời cả tính chất, vị trí và chức năng của Chính phủ: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.

Quyền hành pháp của Chính phủ có những đặc điểm riêng biệt: Thứ nhất, quyền hành pháp của Chính phủ có tính độc lập tương đối với các nhánh quyền lực nhà nước khác, song vẫn đặt dưới sự giám sát tối cao của Quốc hội.

Do cơ quan quyền lực nhà nước lập ra, nhưng không có nghĩa là quyền hành pháp của Chính phủ chỉ là quyền phái sinh từ cơ quan quyền lực. Quyền hành pháp của Chính phủ đặt trong mối quan hệ với quyền lập pháp của Quốc hội, và quyền tư pháp của Tòa án có tính độc lập, tác động qua lại và kiểm soát lẫn nhau.

Thứ hai, quyền hành pháp của Chính phủ đóng vai trò cơ bản và quan trọng nhất trong việc hoạch định, tổ chức và thực thi chính sách và pháp luật. So với các chủ thể khác chỉ thực hiện quyền hành pháp trên một số lĩnh vực và bó hẹp trong những đơn vị hành chính lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương, thì Chính phủ là cơ quan thống nhất thực hiện việc quản lý, điều hành, lãnh đạo các hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội về: Kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ; thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia…

Cùng với đó, Chính phủ với bộ máy quản lý rộng khắp từ Trung ương tới địa phương thực thi quyền hành pháp trải rộng trên khắp các đơn vị hành chính, lãnh thổ.

 Thứ ba, quyền hành pháp của Chính phủ có mục tiêu phục vụ nhân dân, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Như vậy, từ ba nhìn nhận kể trên cho thấy quyền hành pháp của Chính phủ bao trùm, và rất có thể lâu nay phía Chính phủ đã sử dụng quyền lực này để tạo ra các vùng cấm khác nhau vì lợi ích nhóm nào đó trong bộ máy cầm quyền. Chính điều đó đưa đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hệ thống tòa án đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” ở hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao.

Và nếu cách biện giải ở trên đang hiện hữu, thì đây là mối nguy thực sự, vì thể chế toà án là một thể chế rất đặc biệt trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Không những nó được hưởng quy chế phân quyền như các cơ quan lập pháp và hành pháp, mà còn phải độc lập hoàn toàn trước hai cơ quan này.

Mặc dù nhiều nhà nước dân chủ tư sản được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng trên thực tế, hành pháp và lập pháp vẫn có sự phối kết hợp với nhau ở một mức độ nhất định, chỉ có tư pháp – do chức năng xét xử, bao giờ cũng được độc lập. Sức mạnh của nhà nước pháp quyền tuỳ thuộc nhiều vào sự độc lập đó của hệ thống tư pháp.

“Sẽ hết sức mỉa mai khi đặt các yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyện ‘vùng cấm’ khi liên tưởng đến phần tuyên án của chánh Tòa.

Đã từng có tranh luận về việc khi tuyên án, Tòa án nên nhân danh ai hoặc nhân danh cái gì để ra phán quyết. Có ý kiến cho rằng, Tòa án tuyên bố như hiện nay “nhân danh nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” là chưa hợp lý, mà lẽ ra phải tuyên bố là “nhân danh công lý”.

Bởi, Tòa án là một trong những thiết chế mà thông qua đó, pháp luật được hóa thân và hiện hữu một cách đầy đủ nhất của công lý. Do trong thực tế, khái niệm “pháp luật” và “công lý” không nhất thiết phải đồng nhất, nên sẽ là hợp lý hơn nếu quan niệm rằng, phán quyết của Tòa án là thứ phán quyết nhân danh công lý. Về cơ bản, công lý đó phải lấy pháp luật làm cơ sở tối thượng để hình thành nên các phán quyết của mình – bất chấp có bao nhiêu vùng cấm đi nữa…” – luật sư Cát Tường, nhìn nhận.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tiền đâu mà đổi xe?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Hệ lụy của quy định về đấu thầu trong y tế: chất lượng tốt nhất cho bệnh nhân sẽ bị đi tù?

Do Van Tien

VNTB – Quy hoạch báo chí để khẳng định Đảng độc tài, chuyên chế?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo