Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không còn là kém, mà là không còn cơ hội phát triển

Thành Nhân (VNTB) – 30 năm qua, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công và đào xúc tài nguyên để bán.


 

Việt Nam ngày càng tụt hậu xa trong nền kinh tế khu vực, khi mà động lực cạnh tranh nhắm tới giờ không phải là các cường quốc năm châu trên thế giới, mà thay thế vào đó là cường quốc khu vực mang tên Thái Lan, và ngôi sao mới nổi mang tên Lào, Campuchia.

CLMV (Campuchia-Lao-Myamar-Vietnam) dần trở thành một nhóm phụ do Việt Nam dẫn đi đầu, tất nhiên, đó là nhóm “nền kinh tế kém phát triển nhất khu vực.”

Nỗi ức của ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc quản lý chiến lược tập đoàn FTP khi thấy Trung Quốc gần đây là Campuchia “làm tốt hơn chúng ta”, hay việc bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế phản bác câu nói thường niên của các quan chức lãnh đạo nhà nước về việc “một đồng chí nói rằng Việt Nam không thua kém Thái Lan, Philippines, Indonesia bao nhiêu là không đúng đâu” đã cho thấy một sự thực hiển nhiên… Việt Nam đang tụt hậu, tụt hậu nhiều hơn so với những lời hoa mĩ của quan chức về cái gọi là “sự tăng trưởng của nền kinh tế, dù gặp nhiều khó khăn”.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho biết, cái thực tế nghiệt ngã đó là điều không ai nghĩ tới, bởi vì Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội, mà thời điểm bỏ lỡ cơ hội đó là vào năm 2006, khi mà “Việt Nam tham gia WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) năm 2006, đã có 1 loạt các cuộc trao đổi với một số bạn ở các nước ASEAN và một số nước khác. Các bạn rất kỳ vọng với WTO, Việt Nam sẽ vượt lên và gia nhập ASEAN 6. Việt Nam có khả năng vượt lên Philippines, Brunei (với thu nhập đầu người khi ấy rất cao)”. Năm 2006 cho đến nay, vẫn là nền kinh tế được điều hành bởi quyết tâm chính trị, bởi cá nhân độc tài.

Việt Nam với sự bảo tồn luận điểm gần như bất biến của chính quyền là “ổn định chính trị” và kỹ thuật “đi tắt đón đầu” đã không biết nắm lấy cơ hội, không làm kinh tế theo kiểu thị trường, mà làm kinh tế theo kiểu chính trị. Và giờ đây, Việt Nam không còn so sánh với Lào, Campuchia nữa, mà chính thức so sánh với các nước châu Phi kím phát triển khác.
Cay đắng tụt hậu vì thể chế

Năm 2013, khi Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra khảo sát GDP bình quân đầu người, trong đó, Việt Nam đạt mức 1.910 USD/ người, cao hơn Lào 300 USD và Campuchia là 900 USD. Ông thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng buộc phải thừa nhận thực tế cay đắng: “Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình.”

Và quả thực, Việt Nam đã thua Lào, Campuchia về năng lực sáng tạo của nền kinh tế, tăng trưởng nền kinh tế, thu hút FDI, công nghiệp ô tô, thậm chí nông nghiệp như lúa gạo… chứ chưa cần phải so với Thái Lan, Indonexia, Malayxia.

Trả lời câu hỏi vì sao của báo Đất Việt, Th.S Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng điều này không bất ngờ, vì “Nhìn vào thực tế, nền kinh tế VN mấy năm qua sẽ thấy chính sách, môi trường không đem lại sự cải thiện nào cho nền kinh tế. Trong khi, tài nguyên đang bị tiêu hao, nợ công lớn dần, khu vực kinh tế sản xuất trì trệ, chết đứng không tạo ra được của cải dôi dư.”

Chính vì lý do đó mà sự tận dụng tăng trưởng ban đầu nhờ tài nguyên và nguồn lao động trẻ đã không những không đem lại cơ hội, mà ngược lại, thành trở lực cho sự tăng trưởng bền vững và khiến cho Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

30 năm qua, theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công và đào xúc tài nguyên để bán. Cái phấn đấu thành nước công nghiệp vào năm 2020 đang bị giựt lùi, không xác định rõ công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, ngành chủ lực, không tận dụng được thế mạnh là nông nghiệp…

Giải pháp đề ra là, “thiết lập một hệ thống thể chế thuận lợi, phù hợp với điều kiện, bối cảnh phát triển của mỗi nước đó.” Điều này càng cấp thiết hơn nữa, khi một trong các yếu tố làm nên tăng trưởng kinh tế Việt Nam là FDI lại có khả năng dịch chuyển sang Lào, Campuchia. TS Alan Phan còn cảnh báo: “Nếu Việt Nam không thay đổi mạnh mẽ về hệ thống cơ chế cho phù hợp với thị trường toàn cầu, thu nhập đầu người của Campuchia và Lào sẽ cao hơn Việt Nam sau 15 năm nữa.”

Cải cách, thay đổi, hệ thống cơ chế chính là vấn đề cốt lõi. Điều này đã được cảnh báo, vấn đề là không ai chịu thay đổi, mà vẫn tiếp tục duy trì một chính sách trì trệ, một thể chế không còn sức đẩy cho nền kinh tế, xã hội cấp cánh, và như thế, nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam là hiển nhiên, như PGS-TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại thẳng thắn thừa nhận.

Nó cũng tương tự như việc, trong khi Thái Lan chuẩn bị nhập cuộc một cách bài bản trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, nhất là việc BJC mua lại Metro, Central mua lại 49% Nguyễn Kim… thì Việt Nam đang loay hoay với định nghĩa “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một định nghĩa khiến cho ngày một lao đao vào con đường bế tắc của sự phát triển.

Điều đó cho thấy, Việt Nam đã bị chệch hướng về mặt thể chế, đường lối kinh tế và không thể phát triển, chứ không còn là phát triển nhanh hay chậm với ai, nước nào…

Việt Nam giờ đây có thể bám víu vào số tỉ phú nhiều hơn Lào, Campuchia, mà số tỉ phú này lại đa phần đi lên từ bất động sản, buôn bán tài nguyên.

Tin bài liên quan:

VNTB – Nạn nhân của nền giáo dục bạo lực chủ nghĩa

Phan Thanh Hung

Ông Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng vào chiều 2/1?

Phan Thanh Hung

VNTB- Win – win

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo