Việt Nam Thời Báo

(VNTB)- Không được huy động vốn, EVN làm sao trả được nợ?

Viết Lê Quân

(VNTB) – “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính” – như một nội dung của Nghị định số 82/2014/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành.

Quán quân chúa chổm

Nhờ huy động vốn mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã biến thái thành một đại gia vào thời kinh tế “hoàng kim” những năm 2006 – 2007. Khi đó, tập đoàn này đầu tư tràn ngập vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính – cũng là những lĩnh vực mà cho đến tận bây giờ Chính phủ mới ra tay “cấm”.

Nhưng cũng không phải ngoại lệ của ít nhất 1/3 doanh nghiệp nhà nước tham lam đến mức mất cả lý trí, EVN đã phải rước lấy số lỗ khủng khiếp – hơn 30.000 tỷ đồng – khi tất cả biểu đồ của chứng khoán và bất động sản xuống đáy.

Cái khó bó cái khôn đến nỗi EVN còn nghiễm nhiên trở thành con nợ bậc nhất của các ngân hàng. Số nợ mà doanh nghiệp siêu độc quyền này đang phải gánh lên tới ít nhất 118.000 tỷ đồng – con số mà mới chỉ được “tiết lộ” vào năm bi đát kinh tế 2013, cũng là thời điểm mà “Phe lợi ích” phải gánh búa rìu dư luận và áp lực phải tiến hành “minh bạch hóa”.

Trong khi đó, sự nghiệp thoái vốn từ các doanh nghiệp khác của EVN – theo một chỉ đạo khẩn cấp từ Chính phủ vào năm 2012 – cho tới nay vẫn chưa đi đến đâu. Không khí nhà đất bất động cùng thị trường chứng khoán chẳng có triển vọng gì “cất cánh” đã khiến tỷ lệ thoái vốn chung cho tới nay mới chỉ khoảng 15-20% số cần phải thoái.

Vậy EVN làm sao có thể tồn tại, nếu căn cứ vào nghị định mới ban hành của Chính phủ về việc tập đoàn này không được đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, tài chính?

Nếu không trả được nợ?

Ai cũng biết rằng nếu không thể vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả nguồn ODA, “cậu ấm hư hỏng” của Bộ Công thương sẽ không cách nào trả được nợ nần, cho dù đây là tập đoàn siêu lợi nhuận với đủ cách kiếm chác trên đầu người dân.

Thậm chí, chỉ sau vụ giàn khoan HD 981 gây xáo trộn đời sống chính trị ở Việt Nam, người ta mới “vô tình” phát hiện suốt từ 2006 đến nay, tập đoàn này đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần giá bình quân điện sản xuất trong nước, trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất điện quốc nội chỉ biết bó tay đứng nhìn. Toàn bộ giá điện nhập khẩu trên trời như thế, EVN đổ hết lên dầu 90 triệu người tiêu dùng ở Việt Nam theo quy trình tăng giá bất tận từ nhiều năm qua, thậm chí còn dồn ép không thương xót ngay trong những năm suy thoái nặng nề từ 2011 đến nay.

Nghị định “không được huy động vốn” của Chính phủ dành cho EVN hiển nhiên là một bằng chứng rõ rệt cho thấy tình hình tài chính của bản thân EVN đã nguy ngập đến mức nào, bất chấp thông tin “EVN đã có lãi sau nhiều lần tăng giá điện”.

Nếu không thể trả được nợ, EVN nhiều khả năng có thể biến thành một Vinashin hoặc Vinalinas và sẽ khiến cho nhiều ngân hàng lao đao với số nợ xấu khổng lồ không cánh mà bay.

Cần nhắc lại, vào đầu năm nay, Vinashin đã có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với giá trị đến 600 triệu USD. Tuy dự án này thật đồ sộ và được vẽ vời là khá khả quan trước số nợ hơn 80.000 tỷ đồng của doanh nghiệp ‘thùng không đáy” này, nhưng điều lạ lùng là cho tới nay đã chẳng thấy ai nhắc lại dự án phát hành trái phiếu để trả nợ ấy nữa.

Đúng như nhiều chuyên gia nhận định, cũng như tình trạng nợ xấu đang ngập ngụa, “trái phiếu quốc tế” có phát hành chẳng biết bán cho ai.

Viết Lê Quân

Tin bài liên quan:

VNTB – Mua điện áp mái giá 0 đồng: phiên bản từ mua ngân hàng 0 đồng?

Bùi Ngọc Dân

(VNTB)-“Kinh tế phục hồi” hay “doanh nghiệp “chết” ngày càng nhiều?

Phan Thanh Hung

Giám đốc chi nhánh treo cổ: Điềm quá xấu cho Agribank!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo