Chim báo bão (VNTB) Gía thịt lợn giảm xuống không phanh, có nơi từ 25 000/ kg chỉ còn 12 000/kg, có tin có người chủ trang trại nuôi lợn đã tự tử. Vì sao đến nông nỗi này? Hàng loạt câu hỏi về đạo đức sản xuất và đạo đức kinh doanh đã được đặt ra cấp tốc.
Sự thao túng của giới tiểu thương.
Là một đất nước mà nông nghiệp nuôi sống một lượng lớn lao động, Việt Nam lại là nước có cách tổ chức kinh tế nông nghiệp khôi hài. Ở nước ta, mối quan hệ giữa nhà nông- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp là không bình đẳng. Nhà doanh nghiệp đang thao túng thị trường, sai khiến nhà nông, mua chuộc sự trung thực của nhà khoa học. Gọi là nhà doanh nghiệp cho sang nhưng công bằng mà nói thì với một mặt bằng đạo đức như vậy chỉ đáng gọi là con buôn. Con buôn ở Việt Nam luôn muốn bằng cách nhanh nhất, ít vốn đầu tư nhất mà thu lời nhiều nhất, bất chấp luật pháp, bất chấp luân lý. Tư duy này đã có tự bao đời nhưng đến mạt thời xã hội chủ nghĩa thì bùng như một loại ôn dịch.
Trong cuốn Đồng bằng Sông Cửu Long- 40 năm nhìn lại của nhà báo Lê Phú Khải, ông đã nói đến điều mơ ước chỉ thấy ở xứ người mà chưa thấy ở Việt Nam. Đó là ở châu Âu, những khách sạn và những nhà hàng lớn có mối quan hệ khăng khít với nông dân. Những khách sạn thu mua những nông sản của những gia đình nông dân trong một làng, một thị trấn. Đời ông rồi đến đời cha rồi đến đời con cháu, hậu duệ của khách sạn trong vùng và hậu duệ của nông trại làm bạn với nhau, giúp đỡ nhau lâu dài. Khách sạn thì có được nguồn cung nông sản địa phương ổn định cho nhà bếp, về phần người nông dân thì cũng được thu mua vừa vặn với mức sản xuất. Mô hình kinh tế làng xã này bỏ qua được tiểu thương, là những kẻ có lòng tham trắc trở, vì nông sản đi từ nông dân đến khách sạn tiêu thụ không cần thông qua trung gian.
Đáng tiếc, mô hình chỉ đếm trên đầu ngón tay ở Việt Nam nếu không muốn nói là không có. Ở Việt Nam, tiểu thương chen vào mối giao thông giữa nông dân và khách sạn, thao túng quá sâu sắc đến nỗi bóp méo quan hệ cung-cầu. Thậm chí, vì sở hữu một sự nhận thức quá yếu kém về luân lý và đạo đức , tiểu thương Việt Nam đã làm cho chất lượng và uy tín nông sản Việt xuống đáy thế giới, làm cho cả nông dân lẫn người tiêu dùng điêu đứng và mất niềm tin vào tình người.
Tư duy đánh lẻ của người chăn nuôi.
Nói về người nông dân Việt Nam, sách vở giáo khoa chỉ khen rằng họ cần cù chịu thương chịu khó. Ai đi về miền Trung nông thôn và quan sát kỹ mới thấy có gì đó không ổn. Đường đất của làng bị dấu vết cuốc xẻng san bớt mà nhỏ lại, đó là do nông dân dưới ruộng cuốc sứt đường đất để làm cho ruộng mình to ra, dù chỉ là một ít. Đó là sự ích kỷ về ý thức lãnh thổ, lợi ích của cá nhân to hơn lợi ích của làng nước. Do đó phân rẽ người dân Việt Nam thì chỉ cần phá lũy tre làng và cho cán bộ văn hóa đập đình làng là xong.
Cũng vậy, nông dân Việt Nam trong một làng-xã vốn đã không liên kết với nhau càng bị bọn tiểu thương làm cho chia rẽ nhau ra. Từ đó, tiểu thương tha hồ khống chế số phận của đông đảo nông dân như thể thò tay vào túi.
Ở các làng xã Việt Nam, còn một điều dễ nhận thấy là thói a dua- bắt chước không cần nghĩ ngợi. Thấy nhà bên nuôi chim yến được bán được nhiều và sinh lời nhanh, nhà mình cũng phải học theo mới được. Một nhà thứ ba thấy hai nhà trước kiếm bộn tiền từ nuôi con vật mới thì cũng ngay lập tức xây chuồng làm theo. Ba nhà đó dần dần ghét nhau, nhà thứ nhất không bao giờ giúp đỡ nhà thứ hai, nhà thứ hai không bao giờ giúp đỡ nhà thứ ba, tình làng nghĩa xóm tan nát cùng với thời kinh tế thị trường. Nhà thứ nhất thì cho rằng vì nhà thứ hai học theo mình, nhà thứ hai thì cho rằng do nhà thứ ba học theo mình. Rồi dần dần trong một làng xã nhỏ, cung nhanh chóng vượt quá cầu, dẫn đến giá nông sản giảm sụt thảm hại. Và khi giá thức ăn duy trì đàn lợn vượt quá số tiền bán được, người nông dân tự tử là hiện tượng tất yếu.
Vậy, tại sao trước đó ba nhà ấy không ngồi lại với nhau để họp nhau lại mà đo nhu cầu thị trường, hợp nhau lại mà bàn với nhau về các rủi ro? Tại sao không xây dựng thương hiệu nông sản và các ki-ốt nông sản có uy tín của làng xã? Để rồi, đến khi khủng hoảng xảy ra thì mới kêu cộng đồng giúp, mà cộng đồng ai biết danh tiếng của nhà nông là ai.
Mỗi người nông dân đều tham gia vào tổ chức kinh tế địa phương mà không hay biết. Chỉ là ở mức độ sâu sắc hay nhẹ nhàng khác nhau, dù trực tiếp hay gián tiếp, mỗi người đều tham gia vào việc quyết định số phận của mình và những người xung quanh. Ngay lúc này đây, nếu không biết họp nhau lại để giúp đỡ lẫn nhau và phục vụ cộng đồng, nếu ai cũng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, nông dân sẽ còn mãi như đàn chuột bị vờn trong tay đám mèo bất lương- những tiểu thương nửa Việt nửa Tàu, vong bản và phi nhân tính.
Tham khảo:
Đồng bằng Sông Cửu Long- 40 năm nhìn lại, nhà báo Lê Phú Khải.
Tin có người nông dân tự tử chết vì thịt lợn mất giá của Đoàn Minh Sơn- phóng viên báo Đời sống và Pháp luật: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1376960565659698&set=a.490793474276416.105018.100000373040288&type=3&theater