Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khủng hoảng niềm tin

Hàn Lam

 

(VNTB) – Các ngân hàng ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn.

 

Một vòng xoáy của tiền tệ, tài khóa, tài chính, thủ tục, rào cản, hình sự hóa các hoạt động kinh tế,… rất cần tháo gỡ bởi nhiều bên.

Nút thắt ở đây chính là “niềm tin”.

“Đảm bảo an toàn tín dụng là nguyên tắc bất di bất dịch. Bản thân tôi không chỉ tiếp cận với các lãnh đạo ngân hàng mà còn tiếp xúc với nhân viên tín dụng của các ngân hàng. Có người nói với tôi: Cháu nói thật với chú, những doanh nghiệp được giao quản lý thì cháu cũng đã đến từng nơi, vì nếu không giải ngân được thì năm nay KPI (Key performance indicator, là chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của một bộ phận trong một công ty hoặc sự vận hành của cả công ty) của cháu rất thấp.

Có nhiều doanh nghiệp nói với cháu họ không những không vay mà còn đòi trả lại tiền, vì người ta chưa có phương án kinh doanh”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú cho biết.

Trong suốt 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt vỏn vẹn 3,17%, rất thấp so với cùng kỳ các năm trước, ví dụ 8% của cùng kỳ năm ngoái, năm đầu tiên nền kinh tế mở lại sau Covid-19.

“Đến 15-6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước” – con số được Phó Thống đốc Đào Minh Tú viện dẫn nhằm để khẳng định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, đồng nghĩa với khả năng vốn đối ứng cho nền kinh tế không thiếu. Các dự án, các doanh nghiệp cần vốn, đảm bảo tính hiệu quả và khả năng trả nợ thì chắc chắn sẽ được cấp tín dụng.

Thế nhưng trên thực tế thì con số tăng trưởng tín dụng vỏn vẹn hơn 3% trong nền kinh tế luôn khát vốn như Việt Nam cho thấy sức khỏe của dân và doanh nghiệp có vấn đề rất nặng, mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói ở Quốc hội hôm vừa rồi. Và con số doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường” trong 5 tháng đầu năm nay là minh chứng bổ sung.

Trong một diễn biến khác được cho rằng cũng đến từ ẩn tình của khủng hoảng niềm tin, đó là ngân hàng ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn.

VietinBank mới đây thông báo việc hoàn tất mua lại trước hạn 800 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu được mua lại có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn là 10 năm, ngày phát hành 13-6-2018 và ngày đáo hạn 13-6-2028. Như vậy, nhà băng này mua lại trái phiếu trước hạn tới 4 năm.

Agribank cũng công bố sẽ thực hiện mua lại trước hạn 3 tỷ đồng trái phiếu. Người sở hữu trái phiếu có nghĩa vụ bán lại toàn bộ trái phiếu của mình cho Agribank, khi đó trái phiếu sẽ bị hủy bỏ và các giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu liên quan tới các trái phiếu sẽ tự động hết hiệu lực thi hành.

BIDV cũng công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn có giá trị 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu được mua lại có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu. Trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm, ngày phát hành 15-6-2021 và ngày đáo hạn là 15-2028.

Các nhà băng tư nhân cũng ồ ạt mua lại trước phiếu trước hạn. ACB mới đây công bố nghị quyết về việc mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu phát hành riêng lẻ năm 2021. Bốn lô trái phiếu được mua lại có tổng mệnh giá tối đa 10.000 tỷ đồng.

HDBank vừa rồi cũng đã mua lại 1.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 11-6-2021 với thời hạn 7 năm, nhằm tăng nguồn vốn cấp 2 dài hạn, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng của HDBank.

MSB thông báo đã thực hiện mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng mã trái phiếu MSBL2124003 được phát hành ngày 7-6-2021 và đáo hạn ngày 7-6-2024.

BVBank cũng chi tiền ra mua lại toàn bộ 250 tỷ đồng trái phiếu của 2 mã được phát hành tháng 3-2022 và đáo hạn vào tháng 3-2029.

Techcombank tháng trước cũng đã tiến hành mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 12-5-2022 với thời hạn 3 năm, ngày đáo hạn 12-5-2025. Đây là lần đầu tiên Techcombank mua lại trái phiếu trước hạn trong năm 2023.

VPBank cũng công bố đã mua lại trước hạn 400 tỷ đồng trái phiếu phát hành vào 12-5-2021, có kỳ hạn 3 năm, sẽ đáo hạn vào 12-5-2024.

OCB cũng mua lại trước hạn 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành vào 10-5-2021 và có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 10-5-2024. Trước đó, ngày 5-5, OCB cũng thực hiện mua lại 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành tháng -2022 và đáo hạn vào tháng 5-2025.


Tin bài liên quan:

VNTB – Người lao động ‘có việc làm vẫn nghèo’

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Việt Nam được nâng hạng lên BB+

Trương Thế Tử

VNTB – Giá vàng trên thị trường vẫn tiếp tục… “nhảy múa”

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo