VNTB – Khuyến khích người lao động Việt Nam ‘đi luôn đừng về’

VNTB – Khuyến khích người lao động Việt Nam ‘đi luôn đừng về’

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Cục Quản lý lao động ngoài nước phát thông báo rằng sau 3 năm học nghề điều dưỡng đa khoa tại Đức, người lao động Việt Nam đó sẽ có thể định cư luôn tại quốc gia này.

 

Nội dung thông báo của chuyện có thể ‘định cư’ này như sau (trích):

Mục tiêu của Dự án là đào tạo cho ứng viên điều dưỡng Việt Nam có đủ điều kiện nhập cư lao động vào Đức trong lĩnh vực y tế một cách minh bạch, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho ứng viên Việt Nam và góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị, cùng có lợi giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.

Tại Đức, học viên được tham gia khóa đào tạo ba năm để trở thành điều dưỡng viên đa khoa, được cấp chứng chỉ quốc gia của Đức. Sau khi kết thúc khóa học thành công, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia, được làm việc và xem xét cho phép định cư lâu dài tại Đức theo quy định pháp luật của Đức.

Trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo và tiếp nhận của Đức, học viên được hưởng lương học nghề tối thiểu: năm thứ nhất là 1.100 EUR/tháng (tương đương 27,5 triệu VNĐ), năm thứ hai là 1.200 EUR/tháng (tương đương 31 triệu VNĐ) và năm thứ ba 1.300 EUR/tháng (tương đương 34 triệu VNĐ). Sau khi tốt nghiệp và được cấp Chứng chỉ quốc gia của Đức, học viên được làm việc, hưởng mức lương như công dân Đức và các chế độ phúc lợi xã hội theo quy định của Luật pháp Đức.

Cơ sở đào tạo và tiếp nhận sẽ giới thiệu nơi ở cho học viên. Học viên tự chi trả tối đa 300 EUR tiền thuê mỗi tháng, nếu vượt quá thì sẽ do cơ sở đào tạo và tiếp nhận chi trả mức chênh lệch còn lại.

Học viên được GIZ (Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức, đơn vị ký kết với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam) tổ chức và hỗ trợ toàn diện trong tuần đầu tiên sau khi đến Đức, được tham gia hoạt động quan trọng liên quan đến cuộc sống và hoàn tất các thủ tục trước khi học tập tại Đức.

GIZ chăm sóc, hỗ trợ học viên trong suốt năm đào tạo đầu tiên và tư vấn khi gặp vấn đề khó khăn và vướng mắc trong học tập, làm việc và cuộc sống thường ngày” (dừng trích).

Khá nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội tham gia khai thác thị trường xuất khẩu lao động có yếu tố ‘định cư’ như thông báo ở trên.

Ghi nhận từ Tập đoàn Bảo Sơn, phía doanh nghiệp này được thực hiện dịch vụ xuất khẩu lao động này với những lời chào hấp dẫn như sau (trích):

“Với tốc độ già hóa dân số và những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu nguồn nhân lực về chăm sóc y tế ở Đức cũng trở nên khan hiếm.

Hiện nay, nước này có hơn 3,4 triệu người sống lệ thuộc vào chăm sóc y tế, nhưng đội ngũ điều dưỡng viên trở nên báo động khi nhu cầu nguồn nhân lực điều dưỡng ở nước Đức cần thêm tới 40 nghìn điều dưỡng/ năm. Bởi vậy, nghề điều dưỡng ở Đức đang thu hút nhiều bạn trẻ Việt Nam theo học, bởi những chính sách ưu đãi của Chính phủ Đức dành cho các công dân Việt Nam đến để học tập và làm việc.

Trong đó, các nhóm ngành nghề đang cần đó là nguồn nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc y tế (điều dưỡng, trợ lý cứu thương, nữ hộ sinh, bác sĩ); nhóm ngành nghề lĩnh vực quản trị (quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, đầu bếp, chế biến thực phẩm); nhóm ngành lĩnh vực kỹ thuật ( kỹ thuật công nghệ ô tô, xây dựng, kỹ thuật điện)…” (dừng trích).

Thật tế có thể không hẳn màu hồng như nội dung trên.

Tổng hợp tin tức cho biết, các số liệu thống kê chính thức công bố ngày 2-3-2022 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Đức đã trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cách đây khoảng 2 năm.

Theo Cơ quan lao động liên bang Đức (BA), tỷ lệ thất nghiệp tại nước này ở mức 5% trong tháng 2-2022, tương đương mức ghi nhận vào tháng 2-/2020 khi đại dịch COVID-19 chưa tàn phá nền kinh tế. Chủ tịch BA Detlef Scheele cho biết tỷ lệ người lao động có việc làm tại Đức cũng tiếp tục duy trì đà tăng ổn định.

Về số liệu thô, trong tháng 2-2022, Đức có 2,4 triệu lao động không có việc làm, cao hơn khoảng 32.000 người so với tháng 2-2020. Số người mất việc trong tháng 2 -2022 là 476.000 người, thấp hơn mức ghi nhận tháng 2-2021 khi nền kinh tế Đức phải hứng chịu những tác động nặng  nề nhất của đại dịch.

Ngân hàng trung ương Đức đánh giá việc phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế để phòng dịch và tác động từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng khiến nền kinh tế Đức suy giảm trong quý cuối cùng của năm 2021 và quý đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, những tác động từ tình hình xung đột tại Ukraine vẫn chưa được phản ánh qua các dữ liệu. Có khả năng, những hậu quả về kinh tế sau khi xung đột leo thang vào cuối tháng 2 có thể sẽ một lần nữa khiến thị trường việc làm dao động.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Với cái tên “Lynn Huỳnh”, tác giả cần thấu cảm với người Việt hơn . Bài này chỉ thấy tác giả thấu cảm với Đảng thui