Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kiên định thử nghiệm mô hình và 1/4 thế kỷ

Lê Kiên (VNTB) – “Chúng ta đã mất gần 1/4 thế kỷ, nhưng để sự đổi mới tư duy này đi được vào cuộc sống, thì vẫn đang còn là vấn đề phía trước. Nhưng dù sao, đây là một bước đột phá về nội dung đổi mới thể chế kinh tế”.
 
TS. Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 (21 và 22/4), tại Tp. Vinh (Nghệ An) ám chỉ về việc quyền tự do kinh doanh của công dân – vốn là quyền đương nhiên trong cơ chế thị trường phải mất gần 30 năm sau ĐH 1986 mới được xác lập (2014).

Kiên định đường lối kinh tế, thể chế XHCN


Đó là hệ quả của sự kiên định về mặt đường lối và quan điểm mở cửa dần dần nhằm tránh rơi vào trường hợp đổ vỡ khi tiến hành đổi mới như Liên Xô. Như cách mà không ít quan chức từng phát biểu: “Đổi mới là cả một quá trình dài”.


Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường cạnh tranh và sự phát triển ào ạt của nền kinh tế hàng hóa thế giới (kinh tế thị trường mở), rào cản và sự phân biệt kinh doanh sẽ bị dỡ bỏ, thì sự kiên định (năng lực thể chế) đó lại neo buộc hành chính công (pháp luật), khiến nó không chạy theo kịp nhu cầu cần đổi mới của nền kinh tế đất nước – vốn phải đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh và hội nhập sâu. Dù rằng, Việt Nam đã là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cách đây 10 năm.

1/4 thế kỷ để xác lập một điều hiển nhiên là cái giá phải trả trong kiên định “đổi mới cầm chừng” những lý luận xơ cứng, giáo điều và cũ kỹ về mặt thể chế kinh tế, thể chế xã hội.

Sự phủ nhận của Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư về cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là bước đầu cho việc xóa bỏ quan điểm đổi mới nửa vời về nền kinh tế. Nhưng để xác lập một nền kinh tế thị trường hoàn toàn thì có lẽ Việt Nam sẽ phải mất thêm 1/4 thế kỷ nữa nếu không có sự biến động to lớn nào về mặt chính trị – xã hội.

Các Ủy viên Bộ chính trị hiện thời có nhận ra điều đó không? Có – họ nhận ra được cái điều đương nhiên đó. Nhưng đồng thời, họ (lãnh đạo) cũng tự cho phép tư duy mình nhận thức theo hướng thực tiễn chưa đủ chín để họ phủ nhận sự phi lý đó.

Năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã đưa ra quan điểm chỉ đạo về việc sửa đổi Hiến Pháp 1992: “Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa.”

Chính vì cái độ chưa chín, chưa rõ đó đã tạo sự an tâm nhất thời cho những người lãnh đạo kiên định đi vào thế lùi về mặt nhận thức, và chừng nào thực tiễn chưa đưa sự kiên định đó vào thế “khủng hoàng kinh tế, xã hội” thì chừng đó họ vẫn một quan điểm duy nhất – không thay đổi, thừa nhận. Cho dù quan điểm đó đi ngoài cơ sở các nguyên lý về chính trị và phát triển kinh tế thế giới.

Kiên định đường lối trở thành một sự đổi mới từ từ và trường kỳ. Trong khi thực tiễn phát triển đòi hỏi nhiều hơn điều đó – sự cải cách chủ động.

Những vấn đề bất cập trong điều hành và đường lối phát triển khiến Việt Nam đi từ tụt hậu so với các nước Đông Nam Á rút dần xuống so với các nước Đông Dương.

“Khoảng cách về phát triển giữa chúng ta với ASEAN-6 ngày càng tăng trong khi đó với các nước ASEAN-4 (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) thì ngày càng thu hẹp. Điều này cho thấy chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu”. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng, Bộ phận Thường trực APEC 2017, Bộ Ngoại giao nhận định tại tọa đàm “Hội nhập quốc tế – Một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015” do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức sáng 6/2/2015

Nhưng lãnh đạo Việt Nam không mảy may về điều đó, họ chấp nhận sự mù mờ trong quan điểm và họ chấp nhận sự tụt hậu theo thập niên giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, đơn giản họ cho đó là “hiện tượng”, mà điều đó không phản ánh được bản chất – theo nguyên lý mối quan hệ của chủ nghĩa Marx-Lenin. Và họ gắn cho nó dưới cái tên “khó khăn tạm thời”.

Đó là lý do vì sao, ngay cả khi người đứng đầu Đảng Cộng sản nhận ra con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa là lằn ranh giữa thực và hư, thì ông cũng tự bao biện: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

Cùng những người đồng chí của mình, ông Tổng bí thư kiên định đưa cả dân tộc vào thử nghiệm cái mô hình mà trên văn bản, nơi nó chỉ là sự áng chừng và tưởng tượng đến trì trệ. 

Và họ vẫn kiên định, nhưng cách mà họ kiên định về mô hình XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Sự Đổi mới về mặt kinh tế năm 1986 là một bước của thử nghiệm, nhưng nó khiến cho những người lãnh đạo Việt nam ngày càng ảo tưởng về sự sáng tạo đúng đắn của mình.

Và sau 40 năm chiến thắng quân sự, 30 năm Đổi mới vẻ vang, những “Động lực cho phát triển nhanh, bền vững” chỉ là lời nói tuyên truyền sáo rỗng, bởi những nhà lãnh đạo của Đảng và nhà nước qua nhiều thời kỳ đã tạo nên một đất nước Việt Nam “kết hợp giữa hai sự tồi tệ nhất của hai hệ thống: nhà nước xã hội chủ nghĩa độc đoán và tư tưởng tự do của chủ nghĩa tân tự do. Sự kết hợp này đã dẫn đến thực trạng, độc tài chuyên chế từ xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và bất công bằng từ tư bản chủ nghĩa.” 

“Để có được cộng sản
Trên đất nước Việt Nam,
Hai triệu người phải chết,
Chiến tranh hàng chục năm.
Nay họ học tư bản
Để làm giàu, lạ thay.
Vậy vì sao phải chết
Hai triệu con người này?”

(Thái Bá Tân)


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao nền kinh tế thiếu nền tảng?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo