Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kinh doanh vận tải kiểu Vin, ai chơi lại?

Võ Đức Phúc

 

(VNTB) – Tài xế chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng là có thể lấy xe ô tô về chạy taxi, còn xe máy chỉ cần 1 triệu đồng để chạy xe cho hãng Xanh SM của Vingroup.

 

Chỉ cần bỏ ra 8 triệu đồng là có thể lấy chiếc xe ô tô điện Vinfast về chạy taxi Xanh SM kiếm cơm được rồi. Còn xe máy chỉ cần 4 triệu đồng. Nhưng thực tế, tài xế chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng là có thể lấy xe ô tô về chạy taxi, còn xe máy chỉ cần 1 triệu đồng. Số tiền còn lại được cấn trừ sau các tháng kế tiếp nhưng chỉ trừ đến đủ 8 triệu với ô tô và 4 triệu với xe máy là xong, không trừ nữa.

Thử hỏi 10 tài xế thì chắc cả 10 ông đều muốn theo Vin. Đơn giản chỉ vì số tiền đầu tư cho cái “cần câu” quá bèo, tỷ lệ ăn chia cũng lớn. Với ô tô, tài xế được hưởng 46% trên doanh số kiếm được, còn xe máy thì 27%. Mỗi ngày, tài xế ô tô chỉ cần chạy 800K là đã đủ “sở hụi”, được tính bằng một ngày công, đủ số ngày công sẽ được hưởng lương đủ 5 triệu/tháng, còn được đóng BHXH.

Nói không ngoa, ra đường giờ đi 1km thấy cả chục chiếc xe taxi Xanh SM. Vì sao một hãng taxi ra đời, sinh sau đẻ muộn lại bắt đầu chiếm lĩnh thị trường taxi như vậy? Thử nhìn lại Grab, “ông” này coi tài xế chỉ là đối tác ăn chia. Tài xế muốn chạy Grab phải đầu tư tiền mua xe ô tô khá lớn, xe yêu cầu phải mới sản xuất dưới 5 năm gần với thời điểm đăng ký chạy Grab, thì mới được.

Muốn chạy Grab car, nếu không có sẵn xe nhà đủ mới thì phải bỏ vài trăm triệu mua xe ô tô, phải tốn chi phí nuôi con xe hàng năm, tỷ lệ ăn chia càng ngày càng bị bóp chặt, miếng bánh thị trường ngày càng thêm nhiều miệng ăn, nên tài xế oải. Đã vậy, những lúc mưa to hoặc giờ cao điểm, ông Grab tăng giá vô tội vạ khiến người tiêu dùng cũng bớt lựa chọn, tài xế móm. Tài xế chạy Grab thì đủ mọi loại thành phần, cũng như các hãng khác, chỉ có điều văn hóa kém sang, thích thì chạy, không thích thì bỏ khách giữa chừng.

Phàm ở đời, một ông giàu thì cũng không, nghèo cũng chẳng phải, có tiền cũng chẳng đúng, mà chính xác là có được chút tiền, mua được chiếc xe ô tô thường hay bố đời thiên hạ. Làm dịch vụ mà xót xe hơn coi trọng cảm xúc của khách hàng, lại có tâm lý “mày biết bố mày là ai không” thì sớm muộn cũng bị đào thải.

Mấy ông taxi truyền thống thì vẫn “say giấc nồng trên hào quang quá khứ”, ít chịu đầu tư, xe thì cũ, tài xế thiếu nhã nhặn, chưa kể lại còn hôi nhiều thơm ít, chưa kể thái độ chê khách đi đường ngắn, chạy lòng vòng kiếm thêm số km, giá lại cao hơn các hãng xe công nghệ, khiến khách khó chịu, bất đắc dĩ mới đi.

Nhiều công ty trước đây đặt taxi Mai Linh, VinaSun tháng, mua gói, làm thẻ cho cán bộ nhân viên đi, được nhiều ưu đãi nhưng giờ cũng bắt đầu ngưng dùng lại rồi. Đơn giản vì xe cũ, hôi và chất lượng phục vụ kém sang nên khách hàng không ưu tiên lựa chọn.

Xe Xanh SM thường là xe mới, đỡ được phần hôi, chỉ ai xui lắm mới gặp tài xế bị “hách trong nôi”, thái độ phục vụ tài xế nhã nhặn hơn, có lẽ không thuộc thành phần “bố đời” khi chỉ bỏ ra 2 triệu là lấy xe ô tô đi kiếm cơm. Đó thuộc về tâm lý. Chưa kể, nhà tự dưng có chiếc xe ô tô khi cần tắt app chở con cái đi chơi hoặc tranh thủ đưa đón con đi học bằng xe ô tô, thiệt quá rửng mỡ, ai nỡ khó chịu với khách đi taxi.

Vì thế mà Xanh SM càng ngày càng đông người đăng ký chạy, gần chiếm lĩnh thị trường xe taxi. Đi đâu cũng thấy xe xanh. Dự là một thời gian nữa, Grab sẽ bị đẩy lui khỏi thị trường VN, chung số phận của Uber. Mai Linh và VinaSun cứ việc ngồi yên cạp vào quá khứ để ăn, thời mà xe ô tô hiếm, chứ giờ nó chỉ là phương tiện, bước chân ra khỏi nhà là có.

Chỉ có điều không hiểu Vin lấy đâu ra tiền để sản xuất xe đại trà, hàng loạt rồi gần như “cấp không” cho tài xế lấy chạy kiếm cơm? Rồi khấu hao xe, thu hồi vốn kiểu gì? Sản xuất đại trà vậy thì chất lượng an toàn vận hành xe sẽ thế nào? Đó là một bài toán không dễ lý giải hoặc sẽ chết yểu hoặc sẽ trở nên vĩ đại.

Nếu nói về mặt tích cực, Vin cũng đang tạo cho xã hội một cơ hội việc làm trước mắt quá dễ cho dân lao động. Với số tiền bỏ ra ít ỏi như vậy, nhà nào cũng muốn, cũng có thể vừa “sở hữu” được một chiếc xe, vừa có cái “cần câu cơm” quá tiện lợi, không cần phải đầu tư chất xám nhiều.

Về mặt tiêu cực, cũng có thể nói rằng, Vin tạo cho dân một thói quen không cần học nhiều cũng có thể dễ dàng kiếm ăn, một công việc quá khỏe, chỉ cần có bằng lái. Rồi đất nước sẽ về đâu khi nhà nhà chạy Grab, người người chạy Xanh SM?

Hỏi chi xa quá, kệ cụ đi. Lo cái bụng no, cái áo mặc ấm trước mắt đã, còn hơn thi đậu 2÷3 trường đại học mà không có tiền đóng học phí phải nghỉ học ở nhà nuôi heo. Khi con người có tiền rồi, tự khắc sẽ ưu tiên lựa chọn đi học thay vì chạy xe taxi, đời cha chạy taxi thì đời con sẽ có tiền đi học. Khối người Việt khi không có tiền hoặc 3 củ mỗi tháng thì mở mồm đều nói yêu nước nhưng khi có tiền nhiều lại muốn qua trời Tây để sống đó sao?

Đừng nghĩ đi Xanh SM là vì Vin, vì tâm lý người Việt phải dùng hàng Việt hay chất lượng dịch vụ của người Việt hoặc vì yêu nước. Nghĩ thế thì xin lỗi nhé, bye bye. Người tiêu dùng bây giờ có quá nhiều lựa chọn khi bỏ tiền túi tiêu xài cho mục tiêu đi lại hàng ngày. Một chất lượng dịch vụ tồi sẽ dễ dàng bị đánh bật. Nếu Xanh SM từ bỏ những giá trị hiện có, khác gì những ông công nghệ khác sắp bị đánh bật khỏi VN. Người dùng có yêu lắm thì cũng sẽ quay lưng lại.

Chung quy lại, cừu vẫn là cừu nhưng không dễ bị dắt mũi, càng không dễ bị moi tiền.

_______________________

Nguồn: Facebook Võ Đức Phúc

 

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – VinFast muốn xâm nhập thị trường phương Tây

Phan Thanh Hung

VNTB – Mánh khóe đồng vốn của ông chủ hãng xe VinFast

Do Van Tien

VNTB – Tới lúc đạp thắng VinFast lại rồi

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.