Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: thị trường và rủi ro đạo đức (Chương 11)

Đoàn Hưng Quốc

 

Kinh tế dễ hiểu

 

Đạo đức của thị trường không phải kinh doanh lương thiện mà chính ở chỗ đầu tư khôn ngoan và chính chắn sẽ được thị trường tưởng thưởng, bằng ngược lại liều lĩnh hay lãng phí sẽ bị đào thải. Bàn tay vô hình thường xuyên tẩy sạch các sai lầm thì thị trường mới sinh hoạt tự do và lành mạnh. 

Sách báo kinh tế Hoa Kỳ lại nhắc đến “moral hazard” hay là rủi ro đạo đức. Giống như cháu hư tại bà tức có can thiệp từ bên ngoài – thường là do bàn tay hữu hình của nhà nước – dung dưỡng bao che khiến thị trường trở nên ỷ lại không cải sửa thói hư tật xấu. Thị trường không tự sửa sai sẽ có ngày vấp ngã giết chết nền kinh tế.

 

1. Rủi ro đạo đức toàn cầu

 

Tính ỷ lại của thị trường trông cậy được chính quyền nuông chiều hay bao che không chỉ giới hạn trong tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc và Việt Nam mà cả ở nền dân chủ tư bản của Hoa Kỳ, nay lan rộng ra nhiều nước theo sự ra đời của IMF và trào lưu toàn cầu hoá. Một nghiên cứu(1) cho thấy nhịp độ vỡ nợ của các nước đang phát triển tăng nhanh kể từ ngày cầu cứu được với IMF nhất là trong hoàn cảnh IMF bị bắt bí e sợ khủng hoảng sẽ lây lan từ một nước sang cả khu vực hay toàn cầu. Điều này cũng giống như con hư về nhà vòi vĩnh đòi tiền vì biết cha mẹ không thể từ con!

 

Một câu chuyện rủi ro đạo đức toàn cầu khác hơi dài như sau:

  • Vào năm 2013 NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương) Hoa Kỳ dự định giảm bớt lượng tiền bơm vào thị trường nhằm ngăn ngừa lạm phát ở Mỹ. NHTƯ trước đó bơm tiền và hạ phân lời để thúc đẩy tăng trưởng sau trận Đại Suy Thoái 2007-08. 
  • Lãi xuất ở Mỹ thấp nên giới đầu tư cho những nước đang mở mang vay mượn với phân lời cao. 
  • NHTƯ Hoa Kỳ cho biết sẽ giảm lượng tiền lưu hành khiến USD tăng giá và lãi suất ở Mỹ lên cao.
  • USD theo đó rút ngược chạy về Mỹ làm nhiều nước đang vay mượn chới với do USD tăng giá nên không đủ USD trả nợ. 
  • NHTƯ Hoa Kỳ e sợ các nước đang phát triển vỡ nợ sinh ra khủng hoảng toàn cầu nên phải ngừng cắt giảm lượng tiền lưu hành nhằm tái ổn định thị trường tài chánh thế giới. 
  • Ngược lại giới đầu tư nhanh chóng rút ra bài học NHTƯ Mỹ “nhát tay” (cold feet) không dám tăng phân lời.
  • Giới đầu tư từ đó ỷ lại được NHTƯ Mỹ bao che.
  • Trái lại NHTƯ Hoa Kỳ bị giới chính trị và quần chúng Mỹ từ tả sang hữu lên án không lo cho nước Mỹ trước tiên mà bao đồng gánh vác việc thiên hạ toàn cầu(2). 
  • Câu chuyện này có tên gọi rất hay “taper tantrum”, tức con nít (thị trường) được cha mẹ nuông chiều cho kẹo bánh (lãi suất thấp), đến khi cha mẹ ép bớt (taper) ăn ngọt (tăng lãi suất) làm nư dẫy nẩy (tantrum) nín thở mặt mày tím bầm khiến cha mẹ lạnh cẳng (cold feet) chịu thua!

 

2. Rủi ro đạo đức ở Mỹ

 

Giá nhà và chứng khoán ở Mỹ tăng liên tục từ năm 2009 cho đến nay nhờ vào chính sách tiền rẻ (easy money) của NHTƯ bơm tiền 3) và giảm lãi suất. Nhà và chứng khoán chiếm toàn bộ tài sản của giới trung lưu thành thị (4) cho nên NHTƯ không dám giảm lượng tiền lưu hành do sợ hài bong bóng địa ốc và cổ phiếu nổ tung! Điều này cũng giống như con bệnh ngặt nghèo (Đại Khủng Hoảng 2007-08) được bác sĩ (NHTƯ) bơm thuốc kích thích (bơm tiền và lãi suất thấp), nay đâm ra ghiền thuốc phiện (moral hazard) mà bác sĩ (NHTƯ) nhát tay (cold feet) không dám giảm liều thuốc độc!

Dân chúng Mỹ trước đây gởi tiết kiệm vào ngân hàng. Do lãi suất gần âm nên tiền gởi ngân hàng bị lỗ, dân chúng (5) phải đầu tư chứng khoán cho dù tăng rủi ro. Nhiều người bơm tiền vào cổ phiếu khiến giá chứng khoán tăng vọt, đầu tư (investment) trở thành đầu cơ (speculation.) Nay NHTƯ chỉ dọa tăng lãi suất thì bong bóng chứng khoán sẽ nổ, quỹ hưu bổng của giới trung lưu sụt giá sẽ khiến họ nổi giận bỏ phiếu cho đảng đối lập trong kỳ bầu cử tương lai.

Lãi xuất thấp nên dân Mỹ mượn tiền mua nhà. Nhiều người mua khiến giá nhà tăng vọt. Ngược lại NHTƯ chỉ dọa tăng lãi suất thì thị trường nhà đất sẽ đóng băng, giới trung lưu thành thị thấy tài sản hao mòn sẽ giận dữ bỏ phiếu cho đảng đối lập trong kỳ bầu cử tương lai. 

Bằng vào NHTƯ tiếp tục chính sách tiền rẻ sẽ có ngày lạm phát! Liều thuốc kích thích mất dần hiệu nghiệm vì không thể tiếp tục bơm tiền và hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng một khi con bệnh sinh lờn thuốc. 

Chính sách bơm tiền và hạ lãi suất làm tăng hố sâu giàu nghèo vì có lợi cho người đang sở hữu tài sản (nhà đất và chứng khoán) mà không tạo thêm công ăn việc làm hay nâng mức lương cho giới lao động (salaried workers.)

Chính sách bơm tiền và hạ lãi suất đào sâu lằn ranh giữa hai thế hệ người lớn tuổi đã mua nhà và giới trẻ mới ra đời không đủ tiền mua nhà giá cả tăng vọt.

Chính sách bơm tiền và hạ lãi suất làm tăng khoảng cách giữa con cái nhà giàu thừa hưởng gia tài (nhà đất và cổ phiếu) và con cái nhà nghèo chỉ có sức lao động.

Chính sách bơm tiền và hạ lãi suất làm tăng rủi ro đạo đức do giới đầu tư liều lĩnh tin rằng được NHTƯ bao che…cho đến lúc bàn tay vô hình trong quy luật kinh tế sẽ trừng trị nghiêm khắc cả NHTƯ lẫn thị trường về tội hư hỏng.

Trường hợp rủi ro đạo đức do chính sách bơm tiền và hạ lãi suất của NHTƯ Mỹ là “chuyện lớn”, xin kể thêm một “chuyện nhỏ”: chính quyền Mỹ bảo đảm 250 ngàn USD cho mỗi tài khoản gởi ngân hàng (FDIC insurance) để tránh cho các ngân hàng tư cạn vốn trong trường hợp dân chúng cuốn cuồn rút tiền (bank run) gặp lúc khủng hoảng. Nhiều ngân hàng tư dựa thế được nhà nước bao che nên liều lĩnh hứa hẹn phân lời cao nhằm thu hút tiền tiết kiệm. Dân chúng cũng an tâm được nhà nước bảo đảm nên chỉ chọn lãi suất cao mà không cần biết đến ngân hàng tốt hay xấu.

Thí dụ sau cùng về rủi ro đạo đức là tình trạng too big to fail của các đại ngân hàng không sợ sập tiêm do lúc nào cũng được nhà nước cứu cấp, vì một đại ngân hàng vỡ nợ có thể kéo ngã toàn bộ nền kinh tế. Cho nên các đại ngân hàng ỷ thế làm liều còn lỡ bị lỗ mang ra chia đều cho dân chúng trả (tức là dùng tiền thuế.)

 

3. Rủi ro đạo đức ở Trung Quốc

 

Trung Quốc đối mặt với một nghịch lý: kinh tế thị trường dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản sinh ra rủi ro đạo đức là Bắc Kinh không chấp nhận mất uy tín và quyền lực nếu thị trường vạch trần và tẩy sạch những cặn bã của chế độ toàn trị.

Mô hình của Trung Quốc không mượn vốn nước ngoài mà dùng nguồn tiết kiệm của dân chúng trong nước (6,7). Nhà nước giữ lãi suất tiết kiệm ở mức thấp; dân chúng gởi tiền vào ngân hàng; ngân hàng cho các địa phương và công ty quốc doanh vay với giá rẻ để xây dựng hạ tầng và công nghiệp nặng. Hạ tầng, lương bổng và quyền lợi công nhân thấp cộng thêm những quy định lỏng lẻo về môi trường hấp dẫn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tạo thành bàn đạp để Trung Quốc nhảy vọt lên nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới. 

Trong lần Đại Suy Thoái 2007-08 Bắc Kinh tung ra một gói kích cầu khổng lồ. Do kinh tế Trung Quốc đã trưởng thành nên nhu cầu hạ tầng và công nghiệp nặng (sắt thép, xi măng, v.v…) ngày càng hạn chế. Dù vậy, các địa phương và công ty quốc doanh quen thói mượn tiền với giá rẻ nên tiếp tục lãng phí vào những công trình kém hiệu năng (xây cất quá nhiều phi trường, xa lộ, khu phố chết,…) tạo thành nợ xấu và tăng trưởng kém chất lượng.

Núi nợ ngân hàng ở Trung Quốc tăng vọt. Bắc Kinh nhận thấy nguy hiểm nên ra lệnh cho hệ thống ngân hàng giảm tín dụng (bớt cho vay.) Các chính quyền địa phương và công ty quốc doanh thiếu hụt do quen thói mượn tiền giá rẻ nên quay sang dùng ngân hàng địa phương làm trung gian phát hành nhiều sản phẩm đầu tư (WMP, hay Wealth Management Product) để thu hút tiết kiệm của dân chúng. WMP không bị giám sát bởi Bắc Kinh bởi vì không trực thuộc hệ thống ngân hàng trung ương. WMP có phân lời cao so với lãi suất tiết kiệm để thu hút dân chúng gởi tiền. Các địa phương cùng công ty quốc doanh dùng WMP đầu tư vào đất đai trưng dụng của toàn dân. Tín dụng dồi dào sinh đầu cơ (speculation.) Giá địa ốc tăng vọt, nhà cửa lại là phần tài sản lớn nhất của dân chúng nên Bắc Kinh không dám giảm lượng tín dụng để xì hơi bong bóng nhà đất. Giả sử bong bóng nhà đất nổ thì các chính quyền địa phương và công ty quốc doanh cũng theo đó lâm nguy. 

Dân Tàu biết tiền gởi vào WMP gặp nhiều rủi ro bị chính quyền địa phương và công ty quốc doanh ăn chận và đầu tư lãng phí nhưng vẫn ồ ạt mua WMP (8) vì:

(1) lãi suất quá hấp dẫn

(2) Bắc Kinh sẽ không dám để chính quyền địa phương hay công ty quốc doanh nào vỡ nợ vì sợ mất mặt nhà nước!

Trò cù cưa tay ba giữa Bắc Kinh, các chính quyền địa phương và công ty quốc doanh cùng dân chúng là nguyên do khiến Bắc Kinh không kiểm soát được lượng tín dụng từ năm 2013 cho đến nay. Tập Cận Bình không đạt được mục tiêu lành mạnh hóa thị trường do lạnh cẳng rút lui mỗi lần bong bóng địa ốc hay chứng khoán bị nổ, hay vì sợ chảy máu ngoại tệ. Nhiều chuyên gia tin rằng khủng hoảng tài chính từ núi nợ khổng lồ chồng chéo mới là mối đe dọa chính thay cho Trung Quốc thay vì lão hóa hay tăng trưởng chậm.

 

[tds_note]

TÓM TẮT:

  • Rủi ro đạo đức do bàn tay hữu hình (thường là của nhà nước) cản trở bàn tay vô hình không cho tẩy sạch những sai phạm của thị trường.
  • Tăng trưởng của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều lệ thuộc vào chính sách tín dụng dễ dãi của nhà nước. Hai nền kinh tế lớn ghiền thuốc kích thích chứa hai hậu hoạn (núi nợ) khổng lồ. Nước nào sẽ trở thành siêu cường hạng nhất trong thế kỷ thứ 21 sẽ được quyết định bởi núi nợ nào sập trước.

[/tds_note]

_________
Ghi chú

(1) This Time Is Different: Eight Century of Financial Folly. Tác giả Carmen M. Reinhart và Keneth S. Rogoff

(2) NHTƯ Hoa Kỳ có 2 trọng trách được Quốc Hội giao phó gồm [1] tạo công ăn việc làm trong nước Mỹ, [2] bình ổn giá cả ở Mỹ. NHTƯ làm dâu trăm họ vì cả [1] và [2] đều bị tác động trực tiếp bởi toàn cầu hóa, nên muốn lo cho Mỹ phải lo chuyện toàn cầu nhưng lo chuyện toàn cầu không phải lúc nào cũng có lợi cho Mỹ!

(3) Quantitative Easy hay QE (nới lỏng định lượng) nôm na là bơm tiền. NHTƯ in tiền mua nợ công (T-Bills) và nợ địa ốc (mortgage backed securities) khiến lượng tiền lưu hành trong thị trường tăng đồng thời lãi xuất giảm

(4) Giới trung lưu thành thị đầu tư trực tiếp vào chứng khoán bằng cách mua cổ phiếu (bao gồm stocks, ETFs và Mutual Funds) hay gián tiếp qua các quỹ hưu trí (IRA, 401K, pension funds) và bảo hiểm

(5)  Dân chúng ở đây hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các quỹ hưu trí, 401K, IRA, quỹ đầu tư (brokerage account), quỹ bảo hiểm của mỗi người dân Mỹ

(6)  Nhờ không có đầu tư gián tiếp (tức là mượn vốn nước ngoài) nên Trung Quốc tránh được tình trạng tư bản rút vốn tháo chạy.

(7)  Trung Quốc khuyến khích các công ty ngoại quốc bỏ vốn đầu tư trực tiếp xây cất hãng xưởng trong nước (khác với cho mượn vốn tức đầu tư gián tiếp)

(8)  Dân Tàu không có nhiều cơ hội đầu tư: gởi tiết kiệm ngân hàng lãi suất thấp; thị trường cổ phiếu như trạm đua ngựa; không có những gói đầu tư như ETFs, Mutual Funds để giảm thiểu rủi ro. Dân Tàu lại cần để dành tiền do mua nhà và giáo dục con cái quá đắt trong khi an sinh xã hội kém nên các WMP trở thành hấp dẫn với phân lời cao lại mặc nhiên được nhà nước bảo đảm.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bàn tay hữu hình của nhà nước dưới thời Biden (chương 3)

Phan Thanh Hung

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: Lạm Phát và Giảm Phát (Chương 13)

Phan Thanh Hung

VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: tự do báo chí (Bài 8)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo