Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kỳ vọng cải cách tư pháp ở nhiệm kỳ tân chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Cải cách tư pháp

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Chủ tịch nước giữ chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. Liệu sẽ đặt những kỳ vọng gì về cải cách tư pháp đối với tân Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc?

 

Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cải cách tư pháp.

Chủ tịch nước giữ chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. Liệu sẽ đặt những kỳ vọng gì về cải cách tư pháp đối với tân Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc?

Nếu còn niềm tin vào cải cách…

Thời gian qua, vấn đề “làm oan người vô tội”, “bỏ lọt tội phạm” và “minh oan trong tố tụng hình sự” đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình giải.

Nhìn chung, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không đưa ra một khái niệm chung về “oan” trong tố tụng hình sự, chỉ nêu các trường hợp cụ thể được coi là oan.

Oan, sai là hiện tượng tiêu cực trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, không những nó gây hậu quả nặng nề, trực tiếp đối với người bị oan, sai mà còn dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, gây tác hại toàn xã hội. Trong quá trình đó, phải có giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện pháp luật đến áp dụng pháp luật, từ nhận thức đến hành động của mọi người, đặc biệt là của những người tiến hành tố tụng.

Một trong những đề xuất của người viết, là cần thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử.

Ở Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội được cam kết thực hiện thông qua sự kiện Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24/9/1982.

Nguyên tắc này còn là Hiến định, tại khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Điều 13 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Nghị quyết Đảng cần phải được tôn trọng để thực thi đầy đủ

Người viết cho rằng trong các phiên tòa xét xử về tội danh theo cáo buộc ở Điều 117 hay 331 của Bộ Luật Hình sự, thường thì bản án kết tội của Tòa án là được dựa trên các giả định – bởi chưa lần nào người ta thấy sự hiện diện của bên gọi là “bị hại”.

Bản án của tòa án là văn bản pháp lý thể hiện kết quả của hoạt động xét xử. Bản án kết tội của tòa án xác định một người là tội phạm và phải chịu hậu quả pháp lý hình sự, do đó, bản án phải chính xác, có căn cứ, hợp lý, không thể dựa trên các giả định.

Bởi vì giả định chỉ là khả năng, không phải là sự thật khách quan. Tòa án không thể bác bỏ “suy đoán” vô tội bằng các “giả định” phạm tội.

Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, thì bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, nhưng được tạo các điều kiện để chứng minh mình không phạm tội. Vì vậy, nguyên tắc suy đoán vô tội yêu cầu tòa án luôn phải đảm bảo quyền bào chữa, và quyền được tranh luận dân chủ với bên buộc tội của bị cáo tại phiên tòa.

“Khi xét xử, các tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật… việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn dân sự và những người có quyền, lợi ích hợp pháp”. “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa” – Đó là những định hướng cải cách tư pháp trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vắc xin Abdala của Cuba đầy bí ẩn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Những câu hỏi đặt ra với chính phủ tiền nhiệm

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần tôn trọng “quyền đình công”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo