Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lạc nghiệp rồi vẫn chưa được an cư…

Thới Bình

 

(VNTB) – Với người lao động bình dân, có nghề rồi vẫn không biết tới đời nào mới được an cư.

 

An cư lạc nghiệp là một câu nói quen thuộc của nhiều người Việt Nam, nói không quá, đối với một số người, đó là “kim chỉ nam” để vươn tới. Khi cuộc sống ổn định thì việc gây dựng sự nghiệp mới trở nên hanh thông, thuận lợi hơn.

“Dân gian thì là vậy. Chữ An, theo chiết tự, bao gồm bộ Miên (宀- mái nhà, mái che) và bộ Nữ (女- nữ giới, con gái) – ý nói người con gái ở trong gia đình thì rất an toàn. Chữ “An” là ý nguyện có một cuộc sống an lành, một chỗ an cư trong cuộc sống, một chữ an toàn trong mọi việc. Với người lao động bình dân, có nghề rồi vẫn không biết khi nào mới được an cư.

“Tui ở nhà trọ mà, đâu có biết ngày mai sẽ ra sao? Liệu sáng mai mở mắt dậy có bị thất nghiệp hay không? Rồi tiền đâu đóng tiền trọ? Cứ như đợt dịch năm 2021 vừa rồi, cấm ra đường rồi một số công việc phải tạm dừng, xóm trọ của tui, nhiều người không có tiền đóng nhà trọ, phần bị “mời” ra khỏi nhà, phần tự xin trả nhà. Rồi chi phí này kia, đó là chưa nói đến chuyện anh không được quyền bệnh đó nha. Sống như vậy liệu có thật sự an hay không?”, ông Nguyễn Long, làm nghề “thợ đụng” chia sẻ.

“Mình thì già rồi, lo được chén cơm qua ngày đã là hay lắm rồi. Giờ có tiền đi nữa, cũng để đó cho con nó trang trải chi phí hay cho cháu đi học. Chứ gần hết đời sống nhà trọ rồi, cuối đời quan tâm chi nhiều nơi ăn chốn ở”, ông Đức, một người dân sống nhà trọ cho biết.

Nỗi niềm tương tự, với ông Văn Thung thì: “Chú không mơ chuyện đó đâu, biết sao không, thua, già rồi mần ngày nào nói chung là sống qua ngày được rồi, đủ ăn được rồi, chứ không có cần vô mộng tới đó đâu. Tôi nói sự thật. Còn những người trẻ, trẻ mà không lo làm ăn nữa thì thôi đó”.

Trong một thống kê, thì GDP (tính theo giá so sánh) của năm 2021 là 5.116 nghìn tỷ đồng, GDP 6 tháng đầu năm 2022 là 2.602 nghìn tỷ đồng, tăng 6,42%. Tính ra GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 2.445 nghìn tỷ đồng, GDP trong 6 tháng cuối năm 2021 là 2.671 nghìn tỷ đồng. Trong đó quý III/2021 chỉ đạt 1.203 nghìn tỷ đồng, giảm trên 6%; quý IV/2021 đạt trên 1.467 nghìn tỷ đồng, tăng 5,22%; tính chung 6 tháng cuối năm 2021 còn bị giảm.

Và cũng theo một thống kê khác, thì cuối năm 2021, bình quân giá nhà liền thổ trên thị trường sơ cấp phía Nam đạt 2.955 USD một m2 đất, đội thêm 28,8% so với cùng kỳ.

Báo cáo thị trường nhà liền thổ 5 tỉnh miền Nam của JLL (Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle – JLL – của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp) cho biết, nguồn cung nhà xây sẵn tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu đều tăng giá chào bán sơ cấp cuối năm 2021. Bình quân giá chào bán nhà liền thổ tại Sài Gòn ghi nhận khoảng 165 triệu/m2 đất chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), còn 4 tỉnh phụ cận trên dao động trong ngưỡng 45 – 76 triệu đồng một m2 đất.

Như vậy thì sở hữu nhà với người nghèo là một giấc mơ xa vời khi mà giá một căn nhà ở cho được phải có giá ít nhất khoảng 2 tỷ đồng. Dù là được hứa hẹn có ngân hàng hỗ trợ cho vay dài hạn để mua nhà nhưng tiền chạy ăn hàng ngày còn chưa đủ thì lấy tiền đâu ra mà trả nợ ngân hàng mỗi tháng mười mấy hai chục triệu? Đó là chưa tới kể tới chuyện người nghèo lấy gì ra để thế chấp ngân hàng rồi mới được cho vay tiền.

Có thể thấy, mặc dù GDP có tăng, mặc dù có đề xuất tăng lương cơ sở cho người làm công ăn lương nhà nước, song bên cạnh đó, chi phí cho sinh hoạt, cho cuộc sống cũng tăng theo, và hơn hết, chi phí nhà ở, đất ở cũng như vậy khiến cho gánh nặng cơm áo trên lưng người nghèo còn nặng hơn. Ăn may lắm là vừa đủ, thì làm sao có tích luỹ, tiết kiệm để mua nhà?

Xem ra, giấc mơ an cư của người lao động bình dân vẫn còn xa lắm…


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Xử ai “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”?

Phan Thanh Hung

Chuyên gia Mỹ: Thời huy hoàng của Trung Quốc đã đến hồi kết

Phan Thanh Hung

VNTB – Hết lễ là vắng khách…

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.