VNTB – Lại nói về dân chủ qua vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

VNTB – Lại nói về dân chủ qua vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Người dân có quyền lên tiếng về nền quản trị quốc gia và chính phủ cũng phải tôn trọng những quyền con người căn bản của mỗi công dân.

 

Có lẽ một số điều luật nằm ở chương XIII, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) cần thay đổi về cách hiểu về quyền phê phán của người dân đối với chính phủ, tránh chuyện hình sự hóa ‘bắt bỏ tù’ đối với các ý kiến phản biện thể hiện qua các bài đăng báo – như vụ án với 3 hội viên ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, xét xử phiên sơ thẩm hôm 5-1-2021.

“Người dân có quyền lên tiếng về nền quản trị quốc gia và chính phủ cũng phải tôn trọng những quyền con người căn bản của mỗi công dân”: Liên Hiệp Quốc đã tóm gọn những nguyên tắc này, và thể hiện trong những Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG), đặc biệt là Mục tiêu 16 (https://sdgs.un.org/goals/goal16). Mục tiêu này kêu gọi các nhà nước xây dựng xã hội hòa bình và công bằng cho tất cả mọi người vì sự phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng về công lý cho mỗi người dân và xây dựng chính phủ ở tất cả các cấp đều hiệu quả, trách nhiệm và công bằng.

Nguy cơ của Đảng cầm quyền có thể nói ở rất nhiều khía cạnh, nhưng nguy cơ quan trọng nhất là quyết định sai lầm một quyết sách chính trị. Trong quyết sách chính trị, nói theo cách dùng từ quen thuộc của Tuyên giáo, thì như Bác Hồ đã huấn thị, đó là “trí khôn của Đảng”.

Có “trí khôn” thì mới hoạch định chính sách đúng được. “Trí khôn”, như Bác Hồ nói, liên quan đến công tác tổ chức. Dù Đảng có đông bao nhiêu, dù toàn những người tài giỏi, ưu tú, tuy vậy trong dân chúng có rất nhiều người tài, họ rất khôn ngoan. Việc nước thì không phải việc riêng của Đảng, mà là việc của toàn dân, cho nên phải khơi dậy “trí khôn” của cả dân tộc.

“Mỗi thời có một trí khôn để giải quyết nhiệm vụ của thời đó. Tôi cho rằng thế hệ cách mạng cũ đã có đủ trí khôn và họ đã giải quyết được nhiệm cụ của thời đại họ. Trí khôn của thời đại ngày nay chính là phụ thuộc vào thế hệ hiện tại.

Tôi lưu ý hai điều Bác nói: Một là chính sách nhân tài. Đảng ta có nhiều nghị quyết về nhân tài, nhưng tôi cho rằng nhân tài ở đất nước ta không được khơi dậy, chưa được trọng dụng. Chữ “trọng” và chữ “dụng” đã bị tách ra làm hai. Một số không nhỏ được “dụng” nhưng không được “trọng”; còn một số đáng “trọng” thì có khi lại không dùng được.

Tôi nghĩ rằng tổ chức phải lưu ý chính sách nhân tài.

Thứ hai, Bác chú ý đến nhân tài ở cả trong và ngoài nước, ngoài đảng và thế hệ trẻ. Bác nói: “Chính vì thiếu chính sách nhân tài nên Đảng cầm quyền mới rơi vào tình trạng thiếu tri thức, thiếu lý luận, không am hiểu bản chất và xu thế phát triển của tình hình trong nước, ngoài nước, không nắm được quy luật hành động, như đi ban đêm không có đèn, không có gậy dễ vấp té” – GS. Trần Đình Huỳnh, cựu Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, từng nhận xét như vậy.

Những người tài ấy, có ý kiến rằng không ít đang nằm trong danh sách được gọi là “tù nhân lương tâm” (*). Ở đây, cần minh định là lâu nay trong nếp nghĩ cố hữu của nhà chức trách, tùy giai đoạn, mà cho rằng với chiêu bài “tù nhân lương tâm”, các đối tượng chống đối tạo cơ hội, tạo cái cớ cho những thế lực ngoại bang can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây sức ép với Đảng và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

“Có một thực tế cần ghi nhận, giới trung lưu đang ngày càng nổi bật và tự tin vì họ được học hành tốt hơn, hiểu biết hơn và có cuộc sống khá giả hơn. Vì vậy, họ cũng có nhiều mong muốn khác thế hệ trước, và ngày càng nhiều người mong muốn được tham gia những cuộc thảo luận về chính sách nhà nước. Họ mong muốn được chia sẻ suy nghĩ của mình, dù đó là về vấn đề môi trường hay đất đai; an toàn thực phẩm hay tham nhũng.

Họ có thể là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hữu Vinh vẫn được quen gọi là “Anh Ba Sàm”, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn… Tất cả đều độc lập trong các bài viết phản biện về một số chính sách cụ thể, nhằm hướng đến xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động vì nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Tôi nghĩ cần hành động thiết thực về di huấn này của lãnh tụ Hồ Chí Minh qua việc như cần thay đổi cách nghĩ mặc định trong cáo buộc theo Điều 117, Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017” – luật sư T.T., kiến nghị.

“Nói thẳng, đấy là bịt miệng dân bằng quyền lực của mình. Vô hình trung, gậy ông đập lưng ông, chính các vị đang tự đánh mất uy tín, làm giảm sút niềm tin chứ không phải ai khác bởi chính cách hành xử “chặn họng” dân của mình” – một đồng nghiệp của luật sư T.T., gay gắt hơn trong thể hiện quyền ‘mở miệng’.

__________________

Chú thích:

(*) Tù nhân lương tâm, tiếng Anh “Prisoner of conscience”, là một thuật ngữ được đặt ra bởi các nhóm đấu tranh cho nhân quyền thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế trong đầu thập niên 1960. Thuật ngữ này có thể đề cập đến bất cứ ai bị bỏ tù vì lý do chủng tộc, chính trị, tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, xu hướng tình dục, niềm tin hay lối sống của họ, miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực. Thuật ngữ này cũng chỉ những người đã bị cầm tù và / hoặc bị bách hại vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ cách không bạo động.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)