Hiền Vương (ghi)
(VNTB) – “Nói cho cùng, dẫu cho có nhiều biện pháp thì cũng chỉ giúp giới hạn phần nào tham nhũng hối lộ; cái cơ bản nằm sâu thẳm trong con người – đạo đức – chính là lực cản mạnh nhất giúp sống trong sạch lành mạnh. Riêng tôi chỉ có một nguyên tắc đơn giản: làm gì mà tối về ngủ yên giấc là được!”
Bác sĩ (BS) Trần Tịnh Hiền, đúc kết kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề y, đơn giản như vậy.
Với tư cách là người trong cuộc, từng tham gia quản lý bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tại Sài Gòn, BS Trần Tịnh Hiền, kể:
“Mấy ngày nay truyền thông ở Việt Nam dậy sóng vì vụ bệnh viện Bạch Mai. Bản thân cũng thấy xấu hổ vì dù sao cũng làm việc một thời gian dài trong hệ thống y tế, và cũng biết ít nhiều về những “hiện tượng tiêu cực” trong ngành y! Mấy chuyện mà mình kể ra đây cũng giúp rút được một vài điều đáng suy nghĩ:
Năm 1999 Wellcome Trust chấp thuận hỗ trợ cho WHO tổ chức buổi ra mắt sáng kiến “Roll Back Malaria” (RBM Initiative) để nhằm củng cố mạng lưới đẩy lùi bệnh sốt rét vùng sông Mekong.
Do ở Việt Nam lúc đó có Đơn Vị Nghiên Cứu Lâm Sàng Đại Học Oxford được Wellcome tài trợ nên các bên thống nhất chọn địa điểm là bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Luân Đôn cử một đoàn 3 – 4 người sang Việt Nam để thảo luận việc tổ chức. Với bệnh viện Nhiệt Đới thì đây là một vinh dự vì lần đầu tiên được tổ chức một hội nghị của WHO.
Sau khi tiếp đón đoàn Wellcome Trust thì tôi, BS Jeremy Farrar và GS. Nick White phải bay ra Quy Nhơn dự một hội thảo khoa học về sốt rét trong hai ngày ở IMPE Qui Nhơn.
Trong khi đó bệnh viện và đoàn còn lại sẽ bàn việc tổ chức hội nghị WHO. Buổi trưa ngày thứ nhì, khi chúng tôi đang dùng cơm trưa với hội nghị ở một khách sạn trên bờ biển, thì GS White có điện thoại. Nghe xong ông có vẻ lo lắng, tôi hỏi lý do ông bảo: Wellcome Trust vừa gọi cho biết chi phí nâng cấp hội trường gần 90,000 USD – mà số tiền Wellcome cho là 100,000 thì làm sao mà tiến hành hội nghị WHO được!
Đến lúc đó, tôi đã trải qua gần 10 năm thực hiện chương trình hợp tác (1990-1999) cũng học hỏi khá nhiều kinh nghiệm đối phó với những tình huống tương tự, nên “tỉnh bơ” vừa ăn vừa nói: “OK! hai ông mua bia cho tôi uống đi, tôi giải quyết cho!”; cả Jeremy và Nick “Are you kidding!”… Tôi cười bảo “Ăn cơm đi, ngày mai vào sẽ giải quyết”.
Tối hôm ấy về phòng tôi gọi cho anh V – giám đốc – hỏi sự tình thì được biết đó là chi phí do bên ban tổ chức bệnh viện làm việc và đưa ra! Khi trở về bệnh viện anh V cũng bối rối nói “bây giờ phải giải quyết ra sao vì ngày mai đoàn bay về rồi”.
Tôi gặp riêng anh và hỏi “Anh có thật sự muốn tổ chức hội thảo không? Và yêu cầu của bệnh viện là gì?. Sau khi trình bày yêu cầu nâng cấp hội trường, trang bị hệ thống audio, video… anh nói: “thôi giao cho Hiền thảo luận lại với bạn”.
Gặp Jeremy tôi bảo “Yêu cầu bệnh viện là như vầy có làm được không? Và OUCRU có thể tự thuê người và mua trang bị?”, thì ông đồng ý. Cuối cùng hội trường được nâng cấp và hội thảo Roll Back Malaria được tổ chức có sự tham dự của Hoàng Tử Andrew và quan chức WHO ở Geneva sang. Chi phí 40,000 USD! Số tiền còn sau khi xong hội nghị Jeremy dùng nâng cấp khoa HSCC người lớn sau đó. Đến giờ tôi vẫn chưa uống được 2 chai bia năm đó!
Vài năm sau bệnh viện xin được kinh phí xây mới khoa Nhiễm D vừa là điều trị bệnh Sốt Rét & Sốt Xuất Huyết người lớn vừa là khoa cách ly, trong trường hợp có bệnh dịch nguy hiểm như H5N1.
Thiết kế được góp ý của bên chuyên môn rất kỹ bao gồm khu cách ly với hệ thống intercom và camera theo dõi (lúc đó được xem là rất hiện đại). Bên nhà thầu và bệnh viện cũng gặp gỡ thường xuyên để trao đổi theo dõi tiến độ và chất lượng.
Trong mấy buổi họp đầu, gợi ý chi phí “bên A bên B” được nhà thầu, giám sát đưa ra. Lúc đó BS NTC là giám đốc mà vừa là bạn học chung lớp, trong một buổi họp đã nói thẳng, là chúng tôi chỉ yêu cầu bảo đảm tiến độ và chất lượng thi công, còn “cái phần A-B” gì đó các anh cứ sử dụng cho công trình… Rồi hơn 10 năm sau trở lại thấy phòng ốc, trang bị còn tốt tôi thấy nhẹ nhõm…
Trong suốt 25 năm hợp tác với Đại học Oxford, chúng tôi theo một nguyên tắc – chỉ đưa ra yêu cầu còn việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men đều giao cho bên Oxford lo liệu, vì họ có kinh nghiệm và cách quản lý rõ ràng, minh bạch.
Nhớ lại những gì Thủ Tướng Lý Quang Diệu nói về phòng chống tham nhũng trong nhân viên nhà nước ở Singapore về 4 không:
1. Không dám tham nhũng: cần có quy định biện pháp tích cực, ví dụ trích lương đóng góp tiết kiệm; chức càng cao đóng góp càng nhiều. Phạm tội tham nhũng bị đuổi ra là mất hết nên khi có ý định tham nhũng người ta phải hết sức cân nhắc
2. Không thể tham nhũng: quy định quản lý tài sản bằng kê khai, truy rõ nguồn gốc tài sản rõ ràng..
3. Không cần tham nhũng: chế độ lương bổng đủ sống cao hơn những người khác
4. Không muốn tham nhũng: quy định rõ ràng nghiêm khắc về nhận quà biếu… khiến không ai muốn tham nhũng.
Nói cho cùng, dẫu cho có nhiều biện pháp thì cũng chỉ giúp giới hạn phần nào tham nhũng hối lộ; cái cơ bản nằm sâu thẳm trong con người – đạo đức – chính là lực cản mạnh nhất giúp sống trong sạch lành mạnh.
Riêng tôi chỉ có một nguyên tắc đơn giản “làm gì mà tối về ngủ yên giấc là được!”